Không có tổng chủ biên, sẽ lại ném tiền qua cửa sổ?

10/06/2014 18:12
Ngọc Quang
(GDVN) - Có lần Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã thừa nhận, đổi mới chương trình - SGK hiện nay thiếu tổng chủ biên về mặt học thuật.

Lấy ai đứng đầu?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã từng nói rất thật là chưa có Tổng chủ biên về học thuật cho việc đổi mới chương trình - SGK. Vậy nên cũng chẳng có gì bất ngờ khi đề án mà Bộ trình ra Thường vụ Quốc hội đã không thuyết phục được ai, và giờ đang phải làm lại.

Ngay trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã nói: “Quy trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện hành ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học; không có tổng chủ biên chương trình, sách giáo khoa chung; thiếu lực lượng chuyên trách và thiếu cơ chế điều hành, phối hợp, bảo đảm vận hành thống nhất toàn bộ quá trình biên soạn, triển khai thực hiện; thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực phát triển chương trình và có điều kiện tiếp thu một cách hệ thống kinh nghiệm quốc tế; chưa tổ chức một cách hiệu quả, chất lượng việc lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học, các nhà giáo, nhất là các giáo viên trực tiếp giảng dạy các cấp học”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đang đối mặt với một loạt khó khăn của ngành giáo dục.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đang đối mặt với một loạt khó khăn của ngành giáo dục.

Lạ là xây một ngôi nhà chỉ vài tỷ đồng cũng cần một kỹ sư trưởng, vậy mà với một đề án quan trọng có liên quan trực tiếp tới tương lai của dân tộc, chi phí hết cả trăm tỷ (như Bộ trưởng Luận thừa nhận) hay hơn 34 nghìn tỷ (như lời Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển) mà lại không có tổng chủ biên.

Có lẽ, sắp tới khi trình lại đề án này thì Bộ trưởng Luận sẽ phải tìm cho bằng được Tổng chủ biên cho dù rất khó, để giáo dục là quốc sách hàng đầu đúng nghĩa, chứ không bị ném tiền qua cửa sổ.

GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn từng đưa ra tiêu chuẩn của một tổng chủ biên: Là người biết cách làm chương trình-SGK, biết trả lời công luận làm chương trình-SGK như thế nào để học sinh tốt nghiệp đạt chuẩn quốc tế? Học xong phổ thông có thể vào học ở Harvard hay Lomonosov? Ngoài những môn tự nhiên, người tổng chủ biên cũng phải biết chỉ đạo sách giáo khoa Văn, Sử, Địa... viết theo hướng nào? Người đó cũng phải đối thoại công khai với công luận tại sao làm thế này chứ không làm theo kiểu khác?

Sách ở đại học… thả nổi

Trải qua 4 lần đổi mới giáo dục vào các năm 1956, 1960, 1979, 2000, Bộ Giáo dục chủ yếu nhằm vào thay

GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn: "Trên thế giới từ xưa đến nay càng lên cao chất lượng càng phải giỏi, trong khi đó chúng ta để phát triển ồ ạt trong điều kiện không đảm bảo chất lượng. Trên thế giới ở tầm vĩ mô như Cộng đồng chung Châu Âu cần hàng chục triệu người có trình độ công nghệ cao để phục vụ cho phát triển xã hội. Ai đáp ứng nhu cầu họ sẽ cấp Visa, nhưng chỉ lấy được lao động của Trung Quốc và Ấn Độ, còn Việt Nam vì trình độ thấp, nên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi làm việc với Đại học Quốc gia TP.HCM đã từng chỉ đạo chúng ta đào tạo làm sao phải đạt chuẩn quốc tế, để có công ăn việc làm không những ở trong nước mà còn ở ngoài nước".

đổi chương trình – SGK phổ thông, trong khi bậc Đại học (ĐH) lại chưa được quan tâm đúng mức, dù đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. Lần dự kiến đổi mới này cũng vậy, cả xã hội ồn ào xoay quanh đổi mới chương trình – SGK phổ thông. Và cho đến nay chương trình, sách cho ĐH vẫn chưa biết sẽ đi đến đâu, dù Bộ Giáo dục đã có chỉ thị yêu cầu phải hoàn thành chương trình, giáo trình cho bậc ĐH vào năm 2015.

Có một thực tế buồn là số lượng sách xuất bản cho bậc ĐH chiếm chưa đến 1% so với sách phổ thông. Ở bậc học phổ thông, học sinh lớp 1 có tới 80 cuốn sách, còn từ lớp 2 đến lớp 12 cũng có từ 100 - 500 cuốn sách, trong khi đó ở bậc đại học không có bất cứ người có trách nhiệm nào khẳng định trong các trường mỗi môn học có một giáo trình.

Thực tế những năm qua, việc in và phát hành sách ÐH được thả nổi để các trường tự lo, đó là một bất cập lớn. GS Nguyễn Xuân Hãn từng đưa ra một phép tính: Trung bình mỗi sinh viên phải bỏ ra tối thiểu 300 nghìn đồng/năm để phô-tô tài liệu học, như vậy tính tổng số sinh viên thì mỗi năm đã tốn hết 720 tỷ đồng.

Khôi phục và kế tục cách làm chương trình và sách trước đây của GS Tạ Quang Bửu, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam - GS Nguyễn Văn Hiệu kiến nghị cách giải quyết một cách căn bản việc "đói sách học chay" ở bậc ĐH bằng đường công văn tới Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo năm 2000, nhưng không được hồi âm. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia, sách được đặt trong sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, nhằm bảo đảm an ninh giáo dục và an ninh quốc gia.

Với một loạt những vấn đề hệ trọng ấy, hẳn là Bộ trưởng Luận sẽ phải rất quyết tâm thì may ra mới xoay chuyển được tình hình. Ông KSor Phước -  Chủ tịch Hội đồng Dân tộc từng nói: "Nói nhiều về SGK rồi, giờ quyết tâm đột phá là cái gì? Khó mới yêu cầu Bộ giáo dục làm, dễ thì không cần".

5 câu hỏi gửi tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận:

1. Ai là người tổng chỉ huy học thuật cho việc đổi mới chương trình – SGK ở bậc phổ thông hiện nay?

2. Cách thức làm, biên soạn chương trình – SGK hiện nay có gì khác? Bộ trưởng đã tiếp thu ý kiến của cử tri thế nào? Đặc biệt, khi đã có chuyên gia nói có thể làm tập trung và triển khai đồng bộ trong toàn bộ hệ thống từ lớp 1 đến lớp 12 ngày cùng một lúc, Bộ trưởng tiếp thu ý kiến này thế nào?

3. Bộ trưởng đánh giá việc đổi mới chương trình – SGK từ năm 2002 đến 2011 thành công hay thất bại?

4. Cách đây gần 15 năm, có chuyên gia giáo dục đã nói làm chương trình – SGK phổ thông chỉ cần khoảng 100 tỷ đồng. Bây giờ Bộ Giáo dục mới thừa nhận, vậy Bộ trưởng đã gặp những chuyên gia này chưa? Họ là ai?

5. Giáo dục đại học hiện chưa có chương trình, giáo trình thiếu triền miên. Theo chỉ thị của Bộ Giáo dục – Đào tạo thì năm 2015 phải xong. Liệu chỉ thị này có khả thi? Có chuyên gia đã phát biểu trên báo chí rằng, không cần tốn tiền, chỉ cần tổ chức theo cách làm của GS Tạ Quang Bửu là giải quyết được. Vậy, Bộ trưởng đã gặp người đưa ra ý tưởng này chưa?

Ngọc Quang