Vụ Lao động tiền lương lên tiếng về "lệnh cấm ngủ trưa" ở FPT

12/06/2014 14:14
Hoàng Lực
(GDVN) - “Để biết việc cấm nghỉ trưa của doanh nghiệp có vi phạm luật lao động hay không phải căn cứ vào quy định, nội quy làm việc của doanh nghiệp ấy”...

Đó là khẳng định của bà Đào Thị Huyền  - Trưởng phòng Lao động, Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐTB&XH).

Liên quan đến quy định nội bộ của FPT IS (Thuộc Tập đoàn FPT) không cho nhân viên ngủ trưa tại văn phòng, theo đó từ đầu tháng 5, văn phòng FPT IS tiến hành không tắt điện vào buổi trưa và nhắc nhở những trường hợp trải chiếu và đắp chăn ngủ giữa các khoang làm việc.

Lý do cấm nhân viên ngủ trưa trong khu vực làm việc được Chủ tịch FPT IS Đỗ Cao Bảo lý giải là nhằm xóa hình ảnh phản cảm gây, không đẹp trong mắt khách hàng và đối tác. Bên cạnh đó theo ông Bảo, việc không ngủ trưa trong văn phòng giúp đẩy nhanh toàn cầu hóa, nâng cao môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn.

FPT IS cấm nhân viên ngủ trưa tại văn phòng là hơi khắt khe
FPT IS cấm nhân viên ngủ trưa tại văn phòng là hơi khắt khe

Quy định cấm nhân viên ngủ trưa tại nơi làm việc của FPT IS nhanh chóng trở thành chủ đề bàn luận trong nội bộ nhân viên FPT IS đồng thời thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng việc cấm nhân viên nghỉ trưa của FPT IS là vi phạm luật lao động, vi phạm quyền, thời gian nghỉ ngơi của người lao động.

Ở khía cạnh cơ quan quản lý, bà Đào Thị Huyền - Trưởng phòng Lao động, Vụ Lao động Tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho rằng: Về nguyên tắc, một doanh nghiệp cấm nhân viên, người lao động nghỉ trưa vào thời gian được phép nghỉ ngơi (theo quy định, nội quy làm việc của doanh nghiệp) là sai luật.

Tuy nhiên với trường hợp của FPT IS, cần phải xem lại nội quy làm việc, thời gian được FPT IS quy định. Bà Đào Thị Huyền dẫn chứng, nếu một doanh nghiệp quy định thời gian làm việc từ 8 giờ đến 12giờ trưa, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ chiều, thời gian nghỉ trưa là từ 12 giờ đến 13 giờ. “Trong khoảng thời gian đó, nếu doanh nghiệp cấm nhân viên, người lao động  ngủ trưa thay vào đó bắt làm việc thì phạm luật”, bà Huyền khẳng định.

Tuy nhiên trường hợp khác có doanh nghiệp quy định thời gian làm việc sáng muộn hơn có thể từ 9 giờ đến 13 giờ, khi đó khoảng thời gian được cho là nghỉ trưa với doanh nghiệp khác lại là thời gian làm việc của doanh nghiệp này. Do đó doanh nghiệp không vi phạm các quy định của luật.

Hơn nữa theo bà Huyền, ở đây doanh nghiệp chỉ cấm nhân viên không được ngủ trưa tại nơi làm việc, tại văn phòng, ghế ngồi… Như vậy không nên hiểu làm cấm nhân viên ngủ trưa, mà vấn đề là ngủ trưa ở đâu... do vậy không vi phạm quy định của luật.

Trong khi đó bà Cao Thị Minh Hữu,  Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Điều kiện Lao động (Viện Khoa học Lao động và Xã hội – Bộ LĐTB&XH) cho rằng giấc ngủ trưa với người lao động cực kỳ quan trọng, giúp người lao động tỉnh táo sau thời gian làm việc căng thẳng liên tục. Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ các doanh nghiệp lớn đều thiết kế khu vực riêng cho nhân viên nghỉ trưa để nâng cao hiệu suất làm việc.

“Thống kê của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho biết, khoảng 20% dân số thế giới bị căng thẳng quá mức trong công việc. Còn tại Việt Nam, theo nghiên cứu, tỷ lệ bình quân người bị stress trên cả nước là hơn 52%. Đặc biệt tại các khu công nghiệp, 71% công nhân có biểu hiện stress. Thời gian nghỉ trưa rất tốt để chống lại stress trong công việc và nâng cao hiệu quả công việc”, bà Hữu cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Nghị định số 45/2013/NĐ-CP có quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động. Theo đó, với người lao động làm việc liên tục 8 tiếng nhưng trong 8 tiếng đó phải được nghỉ 30 phút. Thời gian nghỉ 30 vẫn được coi là thời gian làm việc, những trường hợp đặc biệt như phụ nữ nuôi con bù dưới 12 tháng tuổi phải được nghỉ 60 phút.

Cũng theo quy định với trường hợp người làm việc 8 tiếng trong ngày như công chức, viên chức, người làm việc văn phòng phải có thời gian nghỉ trưa dựa trên quy định, nội quy lao động của mỗi doanh nghiệp, cơ quan để bố trí thời gian nghỉ hợp lý cho người lao động.

Trở lại câu chuyện cấm nhân viên ngủ trưa tại văn phòng của FPT IS, nhiều ý kiến cho rằng việc FPT IS không cho nhân viên ngủ tại nơi làm việc có phần hơi khắt khe. Bởi ai cũng biết thời gian nghỉ trưa rất ngắn nếu không ngủ tại văn phòng nhân viên không biết ngủ đâu, trong khi điều kiện ra khách sạn, nhà nghỉ không có.

Bên cạnh đó có ý kiến cho rằng FPT IS nên xây dựng khu vực nghỉ trưa riêng cho nhân viên vừa đảm bảo thẩm mỹ vừa đảm bảo sức khỏe làm việc tốt nhất cho nhân viên của mình.  

Hoàng Lực