Giá trị pháp lý của bản sao chứng thực trong Hồ sơ đăng ký học

19/06/2014 10:54
TS.LS Vũ Thái Hà
(GDVN) - Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch.

Câu hỏi: Vừa qua, tôi nộp Hồ sơ đăng ký học cho con tại một trường tiểu học, nhà trường yêu cầu tôi cung cấp 02 bản sao chứng thực Hộ khẩu, sau đó, lại tiếp tục yêu cầu tôi nộp bản chính Hộ khẩu để đối chiếu với bản sao đã nộp. Do tôi ở xa nên điều kiện đi lại để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của nhà trường như vậy là rất khó khăn. Đề nghị Phòng Tư vấn pháp luật và Bạn đọc Báo Giáo Dục Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp của tôi, nhà trường yêu cầu phải nộp bản chính trong trường hợp đã nộp bản sao chứng thực hợp lệ có đúng hay không?.

Phạm Thanh Tuấn

Trả lời: Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thì: “Bản chính” là bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu tiên có giá trị pháp lý để sử dụng, là cơ sở để đối chiếu và chứng thực bản sao.

“Bản sao” là bản chụp, bản in, bản đánh máy, bản đánh máy vi tính hoặc bản viết tay có nội dung đầy đủ, chính xác như sổ gốc hoặc bản chính.

“Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 79/2007/NĐ-CP căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

Khoản 1 Điều 3 Nghị định 79/2007/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của bản sao được chứng thực từ bản chính như sau: Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch.

Điều 6 Nghị định 79/2007NĐ-CP quy định trách nhiệm của  cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao như sau: 1. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ bản sao là giả mạo thì có quyền xác minh. 2. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao không có chứng thực có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính.

Bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch.
 Bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch.

Như vậy, căn cứ các quy định nói trên, theo các thông tin ông đã cung cấp, trong trường hợp ông đã nộp bản sao được chứng thực từ bản chính thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu trừ trường hợp nghi ngờ bản sao là giả mạo thì có quyền xác minh.

Lưu ý: Nội dung tư vấn chỉ mang tính tham khảo.

Để được tư vấn và nhận được sự trợ giúp của Phòng Tư vấn pháp luật của Báo Giáo dục Việt Nam, bạn đọc có thể liên lạc qua:

Điện thoại: 043.5569666;  0938.766.888

Email: phapluat@giaoduc.net.vn; hoặc

Trực tiếp tại trụ sở Báo Giáo Dục Việt Nam (Tầng 6, Tòa nhà 25T1, Khu N05, đường Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần (từ 9h đến 11h).

TS.LS Vũ Thái Hà