Đưa vụ giàn khoan 981 ra Liên Hiệp Quốc: Hiệu quả nhanh nhất!

26/06/2014 06:43
Trần Nghĩa Sơn
(GDVN) - Việt Nam có nhiều việc cần làm để đối phó với nguy cơ từ Trung Quốc. Trong đó, có những việc cần có thời gian nhưng cũng có những việc cần làm ngay.

Trả lời phỏng vấn của RFI, Giáo sư Ngô Vĩnh Long chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Maine (Hoa Kỳ) đã cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng leo thang tranh chấp để ép buộc Việt Nam chấp nhận các yêu sách chủ quyền của họ tại Biển Đông, vấn đề kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế, trước Liên Hiệp Quốc đã trở thành cấp bách. Việt Nam phải tranh thủ thời cơ thuận lợi để xúc tiến các vụ kiện vốn có lợi cho Việt Nam nhiều hơn là có hại.

Hội đàm Việt – Trung

Bình luận về chuyến sang Việt Nam ngày 18/6 của ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng: Trung Quốc chỉ muốn dùng cơ hội này để tuyên truyền rằng Trung Quốc vẫn muốn đàm phán với Việt Nam, tuy chỉ song phương thôi như lập trường Trung Quốc đã lặp đi lặp lại từ trước đến nay. 

Sau cuộc hội đàm Việt – Trung tại Hà Nội, các tờ báo của Trung Quốc cho biết, phía Trung Quốc nói rằng việc cắm giàn khoan là việc riêng của Trung Quốc và Việt Nam phải ngưng ngay các hành động quấy nhiễu trái phép. Các báo này nói thêm là Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý giải quyết song phương các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, để những căng thẳng hiện nay không làm tổn hại đến đại cuộc giữa hai nước. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bắt tay Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc gặp tại nhà khách chính phủ ngày 18.6 - Ảnh: Ngọc Thắng
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bắt tay Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc gặp tại nhà khách chính phủ ngày 18.6 - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo GS Long, đây cũng là việc chuẩn bị dư luận (của Trung Quốc) để nếu Việt Nam phản đối các hành động leo thang của Trung Quốc thì Trung Quốc nói là Việt Nam ngoan cố và thất hứa.

Việt Nam cần làm gì?

Theo GS Long, thứ nhất, Việt Nam cần ủng hộ vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Để được thế giới ủng hộ, thì Việt Nam trước tiên cần ủng hộ Philippines trong việc kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài theo phụ lục 7 của Luật Biển Liên Hiệp Quốc, tức ITLOS của UNCLOS. Đây là việc dễ làm và nhanh nhất vì Philippines đã có nhã ý mời Việt Nam hoặc ủng hộ hoặc kiện chung. 

Đưa vụ giàn khoan 981 ra Liên Hiệp Quốc: Hiệu quả nhanh nhất! ảnh 2Trung Quốc: “Cường quốc xịt vòi rồng và ném chai lọ”

Philippines đã nộp hồ sơ luận cứ dài khoảng 4.000 trang, trong đó có các luận chứng phủ nhận đường 9 đoạn, hay “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã đơn phương dùng để khoanh vùng hơn 80% toàn bộ Biển Đông. Việt Nam là nước có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong khu vực cho nên đường lưỡi bò xâm lấn Việt Nam nhiều nhất. Do đó, nếu vụ kiện của Philippines thắng thì nước được hưởng lợi nhiều nhất là Việt Nam. 

Thứ hai, Việt Nam cần giải quyết tranh chấp Trường Sa với các nước ASEAN. 

Việt Nam nên thương lượng với Philippines và các nước khác ở Đông Nam Á như Malaysia và Brunei để giải quyết các vấn đề tranh chấp trong khu vực Trường Sa để có thể thiết lập một liên minh trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.  

Trung Quốc hiện nay đang xây cất trên một số đảo đã chiếm đóng bằng vũ lực ở Trường Sa hòng làm bàn đạp để xâm chiếm thêm và để đe doạ các nước khác. Việt Nam là một nước đang quản lý nhiều đảo nhất trong khu vực Trường Sa. Do đó, việc giải quyết các vấn đề tranh chấp với Philippines, Malaysia và Brunei để củng cố quan hệ giữa Việt Nam với các nước này, cũng có lợi cho Việt Nam nhiều nhất. 

Thứ ba, Việt Nam cần tăng cường quan hệ với Mỹ. 

Philippines là đồng minh của Mỹ và các nước kia cũng gần với Mỹ, cho nên liên minh với các nước này cũng giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ. 

Mỹ là nước vẫn có sức mạnh hải quân mạnh nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Mỹ sẽ không thể để Trung Quốc thao túng trong khu vực quan trọng nhất của Thái Bình Dương – tức là khu vực Biển Đông – vì khoảng 60% lưu thông mậu dịch hàng hải trên thế giới qua khu vực này. 

Điều kiện là Mỹ cần được sự ủng hộ và trợ giúp của các nước trong khu vực, trong đó sự ủng hộ và trợ giúp của Việt Nam là quan trọng nhất. 

Khu trục tên lửa USS Chung-Hoon (DDG 93) cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) ngày 21/4, trong khuôn khổ các hoạt động trao đổi giữa Hải quân Mỹ - Việt Nam.(Ảnh: kienthuc.net.vn)
Khu trục tên lửa USS Chung-Hoon (DDG 93) cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) ngày 21/4, trong khuôn khổ các hoạt động trao đổi giữa Hải quân Mỹ - Việt Nam.(Ảnh: kienthuc.net.vn)

Thứ tư, Việt Nam nên đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Toà án Quốc tế. 

Ngoài việc Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra Toà án Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS, chung với Phi Luật Tân hay riêng rẽ, Việt Nam nên đòi đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Toà án Quốc tế (International Court of Justice – ICJ). 

Lẽ dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ thoái thác đề nghị của Việt Nam, nhưng qua đó Việt Nam có thể chứng minh cho thế giới biết được sự chiếm đóng phi pháp của Trung Quốc và vận động dư luận trong nước và trên thế giới ủng hộ sự nghiêm túc của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Đưa vụ 981 ra Liên Hiệp Quốc: Hiệu quả nhanh nhất!

Việt Nam có nhiều việc cần làm để đối phó với nguy cơ từ Trung Quốc. Trong đó có những việc cần có thời gian nhưng cũng có những việc cần làm ngay.

GS Ngô Vĩnh Long đề nghị đưa vụ giàn khoan ra trước Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, vì Trung Quốc đã gây mất an ninh cho khu vực và cho thế giới qua việc đưa tàu chiến tháp tùng giàn khoan để đe doạ, cũng như việc dùng các tàu hải giám gây tổn hại cho tàu cá và tàu tuần tra của Việt Nam. 

Đưa vụ giàn khoan 981 ra Liên Hiệp Quốc: Hiệu quả nhanh nhất! ảnh 4Tên lửa Iskander, một phương tiện đảm bảo hòa bình chủ động

Theo đánh giá của GS Long, đây là việc làm có hiệu quả nhanh nhất trong việc vận động dư luận và sự ủng hộ của các nước trên thế giới, trong đó có các cường quốc như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Anh, Pháp và Đức. 

Nhưng trong khi Việt Nam chưa thúc đẩy việc trên thì Trung Quốc vào ngày 9/6 đã gửi “bản tuyên cáo lập trường” của họ lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon về giàn khoan Hải Dương-981 và đòi ông gởi đến tất cả các nước thành viên. 

Bản tuyên cáo này khẳng định (một cách ngang ngược và phi pháp) rằng hoạt động khoan dầu của giàn khoan Hải Dương-981 “là một phần trong quy trình thăm dò và khai thác giếng dầu thường xuyên bên trong vùng chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc”. Trung Quốc còn vu cáo Việt Nam cản trở “trái phép” hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 bằng cách điều động tàu có vũ trang và cho tàu đâm vào tàu Trung Quốc cả hơn nghìn lần. 

Tuy Trung Quốc có hành động ngang ngược và vu khống như trên, theo GS Long đây là dịp tốt để Việt Nam yêu cầu Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thảo luận một cách triệt để vấn đề Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa, và việc đơn phương đưa ra “đường lưỡi bò” để lấn chiếm hơn 80% khu vực Biển Đông và đe doạ an ninh của khu vực và thế giới.

Trần Nghĩa Sơn