Chất lượng mũ bảo hiểm: Quản nhà sản xuất trước, phạt dân sau

02/07/2014 10:50
NHẤT NGÔN
(GDVN) - Đến giờ, chỉ có hai trường hợp vi phạm bị xử phạt: Thứ nhất là không đội mũ bảo hiểm, thứ hai là đội mũ bảo hiểm mà không cài dây.

Trước thông tin từ 1/7, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho Chính phủ về vấn đề này như bản thân các lực lượng cảnh sát giao thông đã được trang bị đủ kiến thức để phân biệt mũ thật, giả chưa? 

Việc kiểm tra của các cơ quan Nhà nước từ khâu sản xuất, phân phối, bán lẻ trên đường phải được thực hiện chặt chẽ như thế nào để người dân khi ra đường có thể mua được mũ thật? Liên quan đến việc xử phạt, nếu người dân sử dụng mũ giả thì chế tài xử phạt trên đường như thế nào? Nộp phạt trực tiếp hay đưa về kho bạc hoặc tịch thu mũ đó?

Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt, từ ngày 1/7, người đi xe máy (kể cả xe máy điện) đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng.

Mũ bảo hiểm phải có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Mũ bảo hiểm phải được gắn dấu hợp quy CR, có ghi nhãn hàng hóa, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, cỡ mũ; tháng, năm sản xuất.

Giải đáp những khúc mắc trên, chiều 1/7, người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên khẳng định sẽ không xử phạt những người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng.

Dân dùng mũ bảo hiểm “rởm” chưa bị phạt.
Dân dùng mũ bảo hiểm “rởm” chưa bị phạt.

Theo Bộ trưởng Nên, về xử phạt an toàn giao thông liên quan đến chất lượng mũ bảo hiểm, Chính phủ đã bàn và thống nhất nên thông báo để người dân yên tâm rằng, theo Điều 8 (Nghị định 171/2013) về xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông đội mũ bảo hiểm, có hai trường hợp vi phạm: Thứ nhất là không đội mũ bảo hiểm, thứ hai là đội mũ bảo hiểm mà không cài dây. 

“Tất nhiên, chúng ta cũng muốn bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân một cách đầy đủ. Nhưng trong điều kiện này, chúng ta chỉ xử phạt hai trường hợp vi phạm nêu trên”,-người phát ngôn của Chính phủ cho biết. 

Ông Nên cũng khẳng định, vấn đề mũ giả là thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng kiểm tra, quản lý và xử lý. Mũ bảo hiểm giả không phải lỗi của người đội, mà do những người sản xuất và các đối tượng tuồn các sản phẩm giả này ra tiêu thị trên thị trường.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải rất dằn vặt về thông tin xử phạt, sau khi người dân chất vấn “làm sao có thể phân biệt được đâu là mũ bảo hiểm giả và đâu là mũ thật mà phạt?”

NHẤT NGÔN