Huyện Mê Linh cuối cùng đã chịu "cất lời" vụ sập lò gạch chết 2 người

03/07/2014 06:29
HOÀNG MINH
(GDVN) - Về vụ sập lò gạch làm 2 người chết tại huyện Mê Linh (TP Hà Nội), lãnh đạo huyện này cho biết đã chỉ đạo CA huyện xem xét việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can...

Ngày 01/7/2014, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được công văn số 2742/UBND-TNMT do ông Đoàn Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh (TP Hà Nội) ký, trả lời về một số nội dung liên quan đến vụ sập lò gạch tại Công ty TNHH Dịch vụ và Vận tải Phú Hà (Công ty Phú Hà), đóng trên địa bàn xã Văn Khê, làm 2 người chết, một người bị thương.

Hiện trường vụ sập lò gạch
Hiện trường vụ sập lò gạch

Báo Giáo dục Việt Nam: Tại sao việc sập lò gạch đã diễn ra từ ngày 21/4/2014, đến nay đã hơn hai tháng nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật?

Huyện Mê Linh: Ngay sau khi xảy ra vụ việc tai nạn lao động, Công an huyện Mê Linh đã có các báo cáo số 239/BC-CAML ngày 22/4/2014; số 241/BC-CAML ngày 26/4/2014 gửi đồng chí Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội về vụ sập lò sấy gạch tại xã Văn Khê của Công ty Phú Hà. Vụ việc hiện nay vẫn đang tiến hành điều tra để xem xét theo quy định.

Ngày 25/4/2014, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra tai nạn lao động tại quyết định số 431/QĐ-LĐTBXH. Khi có kết luận, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Công an huyện xem xét việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định.

Báo Giáo dục Việt Nam: Theo quyết định 115/2001/QĐ TTg của Thủ tướng Chính phủ thì phải xóa bỏ các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trước năm 2010. Vậy tại sao cho đến nay, các lò gạch thủ công của Công ty Phú Hà được phản ánh là gây ô nhiễm lại chưa được xóa bỏ?

Huyện Mê Linh: Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn thành phố, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo kiểm tra và kiên quyết tháo dỡ toàn bộ 397 lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Mê Linh trong năm 2009 và 2010, đạt 100% số lò gạch thủ công phải xóa bỏ.

Đến nay trên địa bàn huyện Mê Linh không còn lò gạch thủ công, nhà sấy gạch gây ô nhiễm môi trường.

Theo thông báo của huyện Mê Linh, Công ty Phú Hà có giấy chứng nhận của các cơ quan liên quan về việc thuê đất, cải tạo nâng cấp cơ sở sản xuất gạch thân thiện với môi trường…

Huyện Mê Linh đã dẫn chứng nhiều văn bản chứng minh, các lò gạch của Công ty Phú Hà được UBND TP Hà Nội phê duyệt theo thẩm quyền.

Nhiều người dân ở xã Văn Khê, huyện Mê Linh phản ánh nhà máy gạch Phú Hà gây ô nhiễm môi trường, đốt cháy hoa màu xung quanh.
Nhiều người dân ở xã Văn Khê, huyện Mê Linh phản ánh nhà máy gạch Phú Hà gây ô nhiễm môi trường, đốt cháy hoa màu xung quanh.

Báo Giáo dục Việt Nam: Về nhà sấy gạch (công trình bị sập một phần mái vòm gây tai nạn chết người ngày 21/4/2014) thi công không có thiết kế được phê duyệt?

Huyện Mê Linh: Ngày 29/4/2014, Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cùng đại diện Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế xây dựng; Viện vật liệu xây dựng  - Bộ Xây dựng tiến hành kiểm tra thực địa. Ngày 23/5/2015, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản số 3438/SXD-GĐCL về kết quả kiểm tra sự cố Nhà sấy gạch tại xã Văn Khê, trong đó có kết luận:

-Tổ thợ thi công thiếu hiểu biết về thời gian ninh kết, đảm bảo cường độ của kết cấu khối xây vòm Nhà sấy nên tự ý tháo cốp pha dàn giáo chống mái vòm Nhà sấy khi khối xây chưa đủ cường độ (mới xây được 2 ngày).

-Công ty Phú Hà đã chưa tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình theo quy định của pháp luật, như; Thi công không có thiết kế, không lập biện pháp thi công đảm bảo an toàn, không tổ chức bảo vệ hiện trường sau sự cố, tự ý thu dọn hiện trường. Trách nhiệm về sự cố công trình thuộc Công ty Phú Hà.

-Giao Thanh tra Sở Xây dựng xử lí vi phạm hành chính đối với Công ty Phú Hà theo các hành vi sau: Vi phạm việc không lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ hồ sơ thiết kế, dự toán công trình; Chủ đầu tư không bảo vệ hiện trường sự cố công trình hoặc tự ý phá dỡ, thu dọn hiện trường khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Báo Giáo dục Việt Nam: Về việc Công ty Phú Hà thuê công nhân mà không có hợp đồng lao động?

Huyện Mê Linh: Kết quả kiểm tra của Tổ công tác huyện đã làm rõ: Công ty Phú Hà có 36 lao động được ký hợp đồng lao động, số còn lại phần lớn là các lao động tự do, theo thời vụ, thậm chí theo ngày nên Công ty Phú Hà không ký hợp đồng lao động.

Để chấn chỉnh việc này, UBND huyện đã báo cáo UBND TP và có văn bản số 2183/UBND-TNMT ngày 23/5/2014 giao Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn và yêu cầu Công ty Phú Hà thực hiện nghiêm túc đầy đủ các quy định về công tác vệ sinh, an toàn lao động tại đơn vị và nơi sản xuất theo quy định hiện hành.

Báo Giáo dục Việt Nam: Trước việc xảy ra tại Công ty Phú Hà đóng trên địa bàn xã Văn Khê – huyện Mê Linh nhưng ông Lưu Trần Quân –Chủ tịch UBND xã Văn Khê lại chối mọi trách nhiệm và cho rằng đây là thuộc thẩm quyền của UBND huyện và UBND TP Hà Nội. Theo quan điểm của huyện Mê Linh, Chủ tịch xã Văn Khê nói như thế có phải là chối bỏ, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên?

Huyện Mê Linh: Trách nhiệm quản lý của UBND xã Văn Khê đối với hoạt động của Công ty Phú Hà đóng trên địa bàn xã là kịp thời phát hiện, tiếp nhận các phản ánh về công ty Phú Hà từ cá nhân, tổ chức và tiến hành kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền.

Trường hợp phát hiện vi phạm vượt quá thẩm quyền của Công ty Phú Hà thì có trách nhiệm kịp thời báo các các cấp có thẩm quyền để xử lý theo lý theo quy định.

Về phản ánh của báo chí liên quan đến phát biểu của ông Lưu Xuân Quân – Chủ tịch UBND xã Văn Khê về việc "chối bỏ trách nhiệm và đá bóng lên cấp trên", UBND huyện trận trọng tiếp thu và sẽ kiểm tra, chấn chỉnh theo quy định hiện hành.

HOÀNG MINH