Hòa bình, an ninh khu vực Đông Nam Á yêu cầu thí sinh đưa ra giải pháp

09/07/2014 19:13
Hồng Nhung - Xuân Trung
(GDVN) - Đề thi Lịch sử chiều nay được nhiều thí sinh đánh giá cao, đặc biệt là những câu hỏi mang tính tổng quát như câu IV, thí sinh thử sức đưa ra giải pháp hòa bình

Học thuộc lòng khó làm được bài

Ghi nhận của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tại điểm thi Trường Đại học Luật Hà Nội, Nguyễn Khắc Hải đế từ huyện Yên Định, Thanh Hóa là thí sinh ra sớm nhất của trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, đề Lịch sử chiều nay không phải là khó. Tuy nhiên, lý do ra sớm vì đã làm xong hết nhưng chưa chắc chắn với câu số 2 về “Thời kỳ Việt Nam và Pháp năm 1946…”.

Với Hải câu này là câu khó nhất của em, và bản thân cũng chưa chắc chắn với câu này. Hải cũng cho biết trong phòng thi của em cũng có nhiều thí sinh chuẩn bị ra trước. Buổi sáng với môn Địa lý Hải không làm được vì chỉ trông chờ vào môn Văn buổi sáng mai.

Ra sau Hải vài phút, em Nguyễn Thị Nhật Linh đến từ Sơn Dương, Tuyên Quang cho rằng, đề không khó nếu tìm hiểu sâu. Các câu hỏi chiều nay đều nằm trong lĩnh vực được học, trong đó  trúng tủ 3 câu. Riêng câu cuối hỏi về “Xác định những biến đổi to lớn của Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ II…”mặc dù chưa được ôn nhưng em đã đọc qua nên làm được. Riêng câu này Linh làm hết 30 phút.

Hòa bình, an ninh khu vực Đông Nam Á yêu cầu thí sinh đưa ra giải pháp ảnh 1

Thí sinh tự tin với phần bài làm môn Lịch sử chiều nay. Ảnh Xuân Trung

Với việc viết hết hơn 3 tờ giấy thi Linh khá tự tin cho rằng điểm cũng sẽ cao. Điểm tổng hai môn ngày hôm nay Linh chắc chắn cũng được 14 điểm. 

Tại điểm thi Trường Đại học Công đoàn, chưa hết thời gian 180 phút đã có nhiều thí sinh ra trước. Các thí sinh đề cho rằng đề Lịch sử mang tính mở nhiều, không nặng vào lý thuyết, học thuộc lòng, yêu cầu hiểu nhiều hơn.

Là một trong những thí sinh ra trước thời gian, Nguyễn Thị Mai, học sinh Trường THPT Dương Đình Nghệ, Thanh Hoá cho biết: “Đề Sử thực tế nhiều hơn học thuộc lòng SGK.

Em làm được 3 câu, câu 2 không làm được, ngồi nghĩ mãi không làm được nên em ra trước. Câu hỏi trong phần lịch sử thế giới liên quan đến an ninh quốc phòng, em thấy khá thú vị. Câu này, em trả lời cần phải tăng cường hợp tác, giao lưu an ninh quốc phòng với các nước láng giềng trên thế giới, bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước mình.”

Mai đăng ký dự thi vào Khoa Công tác xã hội, bài thi môn Địa buổi sáng được khoảng 6 điểm, cộng với bài Sử chiều nay, Mai không dám chắc có thể đỗ được. Khoa CTXH năm trước lấy 19 điểm. Theo Mai, việc ra đề mở khiến em gặp nhiều khó khăn, các thầy cô trên lớp chủ yếu ôn tập SGK, ít cho ôn tập kiểu câu hỏi mở thế này.

Hòa bình, an ninh khu vực Đông Nam Á yêu cầu thí sinh đưa ra giải pháp ảnh 2

Thí sinh tươi cười vì đề Sinh dễ, đề Ngoại ngữ vừa sức

Thí sinh Ma Thị Loan, học sinh Trường THPT Việt Bắc dự thi vào khoa Luật cho rằng: “Đề mở nhiều, câu khó nhất liên quan đến lịch sử thế giới, cho bảng sự kiện lịch sử. Với câu hỏi “các quốc gia Đông Nam Á cần làm gì để đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực”, em nhấn mạnh vào việc tăng cường đầu tư vào các nước, các nước trong khu vực cần chung sống hòa bình, không can thiệp vào các nước khác, giải quyết các tranh chấp bằng hoàn bình, tránh gây chiến bằng vũ khí”.

Chung suy nghĩ với nhiều thí sinh khác, em Trịnh Hoàng Hùng, học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Ninh Bình cũng cho rằng đề nhiều câu hỏi mở, liên hệ thực tế nhiều. Câu hỏi về lịch sử thế giới không khó với Hoàng, mà khó nhất là câu 1 về kể tên những cuộc khởi nghĩa và kháng chiến in đậm dấu ấn Việt nam trong thế kỷ XX, nêu vai trò của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Theo Hoàng, câu 2 là dễ nhất. Riêng câu 4, Hoàng đưa ra các luận điểm như các nước trong khu vực cần liên kết chặt chẽ với nhau, thành lập cộng đồng chung ASEAN, cần có sự liên kết chặt chặt trong giải quyết những vấn đề quốc tế. Hoàng ra trước thời gian 20 phút, tuy nhiên tính ra, Hoàng chỉ được khoảng 6, 7 điểm.

Cho rằng đề Sử năm nay khá thú vị, không đi sâu vào lý thuyết, vận dụng nhiều hơn, thí sinh Nguyễn Minh Linh (Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội) dự thi Khoa Luật cho biết thêm: “Đối với em khó nhất là câu 3 trình bày hoàn cảnh lịch sử của việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước ở Việt Nam từ năm 1975 – 1976. Câu này ngoài chủ đề, cần phải kết hợp nhiều mới làm được”. 

Với bài thi môn Sử chiều nay, Linh tự tin được từ 7 điểm trở lên.

Đề thi đòi hỏi kiến thức tổng hợp

Nhận xét về đề Lịch sử chiều nay, thầy Đặng Thanh Toán (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, đề năm nay không bắt thí sinh đi vào phân tích sự kiện mà nêu tầm vóc của sự kiện, sự đóng góp của Việt Nam,  đề này phải có kỹ năng tổng hợp. 

Theo thầy Toán, nếu thí sinh có chuẩn bị thì vẫn làm được mà không cần phải mang tài liệu vào phòng thi. Quan hệ với Pháp cũng là kiến thức trong SGK nhưng không quá nặng nề. Vẫn có câu hỏi phải thể hiện kiến thức. 

Còn lại, phần lớn là câu hỏi đòi hỏi phải có sự độc lập trong cách làm bài. Với đề này, học sinh khá có thể đạt điểm cao, không đòi hỏi học kỹ, học thuộc sự kiện, không cần học thuộc máy móc sự kiện nào, chỉ cần hiểu và tổng hợp được sự kiện. 

"Đề thi đáp ứng được sự phân hóa năng lực, tư duy của thí sinh - phải có sự thông minh mới làm được và phải có sự thông minh thì mới đạt được trên 8 điểm" thầy Toán cho hay.

Hòa bình, an ninh khu vực Đông Nam Á yêu cầu thí sinh đưa ra giải pháp ảnh 3

Gợi ý lời giải môn tiếng Anh thi vào đại học đợt 2 năm 2014 khối D

Trao đổi với phóng viên, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết, đề Lịch sử chiều nay bám sát chương trình và nội dung sách giáo khoa Lịch Sử 12 hiện hành, đề yêu cầu học sinh trình bày những kiến thức cơ bản và xuyên suốt. Nếu học sinh có suy nghĩ và thói quen học “tủ” hoặc trông chờ vào một khả năng may rủi nào đó có thể sử dụng tài liệu trong phòng thi sẽ không làm bài được.

Cũng theo thầy Hiếu, đề không bắt học sinh trình bày chi tiết nhiều sự kiện, ngày tháng năm mà chỉ nêu những kiến thức cơ bản của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX, hoặc trong từng giai đoạn cụ thể như 1945-1946, 1975-1976  để từ đó rèn luyện kỹ năng tổng hợp, khái quát hóa kiến thức.

"Có phần câu hỏi mang tính gợi mở, rèn luyện kỹ năng thông hiểu, vận dụng để phân loại học sinh khá giỏi. Các câu hỏi cả phần lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới đã cập nhật đến những vấn đề mang tình thời sự hiện nay, học sinh có thể liên hệ đến các biện pháp đấu tranh ngoại giao để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ nền độc lập dân tộc liên quan đến vấn đề Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt Dàn khoan Hải Dương 981 và các hành động vi phạm thô bạo, trắng trợn bất chấp đạo lý và pháp lý quốc tế liên quan đến hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á..." thầy Hiếu cho biết.

Chia sẻ thêm, thầy Hiếu bày tỏ quan điểm, với đề thi như vậy là vừa sức, không quá khó cho những học sinh có lực học trung bình và những học sinh có năng lực khá giỏi có cơ hội thể hiện khả năng tư duy cao. 

Điều quan trọng cuối cùng là phải chờ xem Đáp án của Bộ có tương xứng với Đề thi hay không. Bởi trong nhiều kỳ thi tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng gần đây, giữa Đề thi và Đáp án vẫn còn đó những bất cập gây tranh cãi và bất lợi cho học sinh. Tuy nhiên, với Đề thi năm nay, thầy Hiếu hy vọng và tin tưởng tỷ lệ các em có điểm 5 trở lên khá cao, tỷ lệ điểm 0 sẽ ít hơn so với các kỳ thi trước.

Sáng mai, các thí sinh sẽ hoàn thành đợt thi đại học thứ hai đối với các môn Văn khối C, D, môn Hóa khối B. Thời gian làm bài các môn trắc nghiệm là 90 phút, tự luận là 180 phút. 

Đã có 69 thí sinh bị đình chỉ thi

Cách đây ít phút, Bộ GD&ĐT cho biết sau ngày thi đầu tiên của đợt thi đại học thứ hai, cả nước có 98 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 27; cảnh cáo: 2; đình chỉ: 69); có 5 thí sinh đến muộn không được dự thi.

Tỷ lệ thí sinh dự thi/số đăng kí dự thi ngày hôm này đạt 78,07% ( 594.683 thí sinh).

Ngày hôm nay các khối B thi môn Sinh học; khối C thi môn Lịch sử; khố D thi môn Ngoại ngữ. 

Bộ GD&ĐT cho hay, đề thi được bảo mật tuyệt đối, an toàn trong tất cả các khâu; không có sai sót.

Hồng Nhung - Xuân Trung