Chấm dứt sở hữu chéo trong cùng tập đoàn kinh tế nhà nước

12/07/2014 07:47
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định về tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước, có hiệu lực thi hành từ 1/9/2014.

Công ty mẹ phải có vốn điều lệ không thấp hơn 10.000 tỷ đồng

Theo Nghị định, tập đoàn kinh tế dự kiến được thành lập phải đáp ứng các điều kiện, gồm có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc ngành, lĩnh vực sản suất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc gia về kinh tế; tạo nền tảng về hạ tầng kinh tế quốc gia, tạo động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế phải có vốn điều lệ không thấp hơn 10.000 tỷ đồng; tập đoàn kinh tế phải có tối thiểu 50% số công ty con hoạt động trong những khâu, công đoạn then chốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính.

Đối với tổng công ty, phải đáp ứng điều kiện vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hơn 1.800 tỷ đồng. Nghị định nêu rõ nếu không đáp ứng các yêu cầu trên, tập đoàn kinh tế, tổng công ty sẽ phải chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Chấm dứt sở hữu chéo, kinh doanh ngành nghề không liên quan

Nghị định của Chính phủ cũng quy định doanh nghiệp bị chi phối không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp giữ quyền chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Các doanh nghiệp bị chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế, tổng công ty không được góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.

Doanh nghiệp bị chi phối không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp giữ quyền chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
Doanh nghiệp bị chi phối không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp giữ quyền chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Việc đầu tư vốn ra ngoài của công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên thực hiện theo quy định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Công ty mẹ, các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn kinh tế, tổng công ty đăng ký các ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề có liên quan theo quy định của Nghị định này, chịu sự giám sát của chủ sở hữu về việc đầu tư, tỷ lệ vốn đầu tư và hiệu quả đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề có liên quan.

Công ty mẹ, các doanh nghiệp thành viên trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty không được kinh doanh những ngành nghề không liên quan.

Tăng cường giám sát và minh bạch thông tin

Nghị định cũng quy định chặt chẽ việc quản lý, giám sát đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty, trong đó chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty sẽ giám sát hoạt động kinh doanh, công tác tổ chức và cán bộ và giám sát tài chính. Nghị định cũng yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty phải công khai, minh bạch các thông tin chủ yếu liên quan đến hoạt động của mình và phải đăng trên Trang thông tin điện tử doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại địa chỉ www.business.gov.vn.

Cách đây 18 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc với gặp với lãnh đạo 9 tập đoàn kinh tế, 10 tổng công ty 91, 84 tổng công ty 90 và 20 tổng công ty đã cổ phần hóa để trao đổi về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 cũng như các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước.

Báo cáo tổng quan tình hình hoạt động và tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty năm 2012, định hướng nhiệm vụ năm 2013 của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, tổng doanh thu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty năm 2012 đạt trên 1.621.000 tỷ đồng, tuy chỉ bằng 92% so với kế hoạch năm, nhưng tăng 2% so với thực hiện năm 2011.

Năm 2012, tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đạt 127.510 tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm 2011, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17,4%; tổng nộp ngân sách đạt 294.000 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm, giảm 12% so với thực hiện năm 2011; trong đó thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa chiếm 71%.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất toàn tập đoàn, tổng công ty thì tổng số lỗ phát sinh khoảng 2.253 tỷ đồng, trong đó có một số đơn vị lỗ năm 2011, năm 2012 lại tiếp tục lỗ; có 10 tập đoàn, tổng công ty có lỗ lũy kế với tổng số khoảng 17.730 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tổng số nợ phải trả là 1.334.903 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 lần (năm 2011 là 1,77 lần), tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần. 

Trong khi đó, nợ phải thu của các tập đoàn, tổng công ty là 326.556 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2011 và chiếm 15% tổng tài sản, trong đó nợ phải thu khó đòi là 5.280 tỷ đồng; Tình hình tài chính của không ít tập đoàn, tổng công ty thiếu lành mạnh, trong đó có tổng công ty không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro, không tự chủ được về tài chính; có tổng công ty tỷ lệ vốn chủ sở hưu/tổng nguồn vốn rất thấp.

Một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay làm cho chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp, nợ phải thu khó đòi của một số tập đoàn, tổng công ty khá cao, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Ngọc Quang