Phương châm phòng vệ của Nhật Bản chuyển sang hướng tấn công?

14/07/2014 07:33
Việt Dũng
(GDVN) - Nhật Bản sẽ nhập khẩu 17 máy bay vận tải Osprey, tăng mua máy bay chiến đấu F-35, mua tàu tấn công đổ bộ, xe chiến đấu đổ bộ, gây lo ngại cho TQ.

Tờ "Yomiuri Shimbun" Nhật Bản cho biết, ngày 11 tháng 7 khi đang thăm Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera lần đầu tiên nói với truyền thông rằng, Nhật Bản sẽ đưa kinh phí mua máy bay MV22 Osprey của Mỹ vào ngân sách năm tài khóa 2015.

Máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey do Mỹ chế tạo
Máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey do Mỹ chế tạo

Ông Itsunori Onodera cho biết: "Máy bay Osprey là trang bị quan trọng dùng để cứu trợ thiên tai, cứu hộ khẩn cấp và phòng ngự đảo nhỏ". "Kế hoạch chỉnh đốn Lực lượng Phòng vệ trung hạn" đã khẳng định rõ, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ mua 17 máy bay Osprey trong 5 năm tới.

Ông Itsunori Onodera đồng thời cho biết, do tồn tại vấn đề giá cả, số lượng mua năm 2015 vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết, giá bán một chiếc máy bay Osprey khoảng 10 tỷ yên (khoảng 600 triệu nhân dân tệ), máy bay vận tải Osprey mà Chính phủ Nhật Bản đã mua sẽ trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất.

Máy bay vận tải Osprey sẽ hành động thống nhất với tàu tấn công đổ bộ

Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 13 tháng 7 cũng dẫn hãng Kyodo đưa tin, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch tiến hành hoạt động thống nhất giữa máy bay vận tải mới Osprey của Quân đội Mỹ với "Quân đoàn cơ động đổ bộ" theo kế hoạch thành lập mới của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất để "hình thành lực lượng trung tâm phòng vệ các đảo tây nam".

Tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp do Mỹ chế tạo
Tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp do Mỹ chế tạo

Theo bài báo, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngoài đưa kinh phí mua máy bay Osprey vào kế hoạch ngân sách năm tài khóa 2015, còn đang nghiên cứu nhập khẩu tàu tấn công đổ bộ.

"Kế hoạch chỉnh đốn lực lượng phòng vệ trung hạn" đến năm 2018 đề xuất, sẽ mua 17 máy bay vận tải Osprey. Sau khi ngồi thử vào máy bay Osprey ở ngoại ô Washington, ngày 10 tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhấn mạnh: Ý nghĩa nhập khẩu máy bay Osprey ở chỗ "có thể nhanh chóng triển khai lực lượng phòng vệ ở đảo nhỏ (khi xảy ra tình huống khẩn cấp)".

Máy bay vận tải Osprey có thể tiến hành bay tốc độ cao, khả năng vận tải khá mạnh. Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn có kế hoạch thông qua nhập khẩu Osprey nâng cao khả năng của Lực lượng Phòng vệ trong lĩnh vực cứu trợ thiên tai và điều động khẩn cấp. Quan chức Bộ Quốc phòng cho biết: "Máy bay Osprey thích hợp với Nhật Bản, nước có khá nhiều đảo nhỏ, sẽ có thể phát huy vai trò rất lớn".

“Phương châm phòng vệ Nhật Bản đang chuyển sang tấn công”

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 13 tháng 7 cũng có bài nhận định cho rằng Nhật Bản ngày 12 tháng 7 đưa tin, sau khi Chính phủ Nhật Bản thông qua nghị quyết dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, chính quyền Shinzo Abe đã bắt đầu thể hiện tư thế thay đổi chính sách chuyên phòng vệ. 

Khi ở thăm Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã bày tỏ mong muốn nhập khẩu các vũ khí mang tính tấn công như tàu tác chiến đổ bộ và cho biết sẽ nghiên cứu vấn đề mua thêm máy bay chiến đấu mới nhất.

Xe chiến đấu đổ bộ AAV7 do Mỹ chế tạo
Xe chiến đấu đổ bộ AAV7 do Mỹ chế tạo

Báo Trung Quốc tuyên truyền cho rằng, những động thái này của Nhật Bản đã vượt giới hạn tối thiểu cần thiết của tự vệ, tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa hòa bình đang lung lay, có thể tạo ra mối đe dọa cho nước khác (tuy nhiên, thực tế thì TQ mới là nước tạo ra nhiều mối đe dọa cho các nước khác nhất).

Theo bài báo, tại căn cứ hải quân San Diego, ông Itsunori Onodera đã thị sát tàu tấn công đổ bộ Makin Islands và khen ngợi loại tàu chiến này có thể vận chuyển lượng lớn các trang bị như xe chiến đấu đổ bộ, máy bay vận tải Osprey, đồng thời bày tỏ thái độ tích cực về việc nhập khẩu loại tàu chiến này để trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Biển.

Tàu tấn công đổ bộ là tàu chiến lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ đổ bộ tập kích, do không phù hợp với chính sách chuyên phòng vệ của Nhật Bản, trước đây chưa từng được trang bị cho Lực lượng Phòng vệ. Ông Itsunori Onodera đã nhấn mạnh vai trò của tàu tấn công đổ bộ trên phương diện cứu trợ thiên tai, cho biết "trong thời gian động đất ở đông Nhật Bản, tàu tấn công đổ bộ của Mỹ đã phát huy vai trò tích cực".

Ở Washington, ông Itsunori Onodera đã ngồi thử máy bay vận tải cánh xoay Osprey mà trước đây luôn bị nghi ngờ về vấn đề an toàn. Để hoàn thành mục tiêu nhập khẩu 17 máy bay Osprey trước năm tài khóa 2018, ông Itsunori Onodera bày tỏ chi phí mua sắm sẽ đưa vào yêu cầu ngân sách năm tài khóa 2015.

Ba loại máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ chế tạo
Ba loại máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ chế tạo

Ngoài ra, khi thị sát nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu F-35, ông Itsunori Onodera bày tỏ ý định mua thêm máy bay chiến đấu mới và cho rằng: "F-35 là máy bay chiến đấu có tính năng cao nhất trên thế giới hiện nay, cũng là loại máy bay chủ lực của Quân đội Mỹ. 

Nó còn là một loại trang bị có ý nghĩa quan trọng trên phương diện tiếp tục tăng cường đồng minh Nhật-Mỹ". Hiện nay, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã đặt mua 42 máy bay chiến đấu F-35.

Theo bài viết, có thể thấy, khi Lực lượng Phòng vệ được điều ra nước ngoài thực hiện quyền tự vệ tập thể, chắc chắn phải triển khai các trang bị có thể đạt trình độ chiến đấu thực tế. Tàu tấn công đổ bộ có thể vận chuyển Osprey, xe chiến đấu đổ bộ và máy bay F-35 phiên bản cất hạ cánh thẳng đứng. Điều này đã nâng cao rất lớn khả năng tấn công của Lực lượng Phòng vệ, đã sớm vượt mức độ tối thiểu cần thiết.

Chính quyền Shinzo Abe tuy đã thông qua giải thích Hiến pháp dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, nhưng công tác hoàn thiện pháp lý để thực sự thực hiện quyền tự vệ tập thể mới bắt đầu. 

Nhưng, đợi đến khi chính quyền hoàn thành công tác sửa đổi luật pháp có liên quan, chính sách phòng vệ luôn bị hạn chế trước đây sẽ có khả năng từng bước thay đổi về chất.

Máy bay chiến đấu F-35 tại căn cứ thử nghiệm Eglin, Mỹ
Máy bay chiến đấu F-35 tại căn cứ thử nghiệm Eglin, Mỹ
Việt Dũng