"Hành dân đủ kiểu thì ai chịu được...?"

14/07/2014 15:34
Ngọc Quang
(GDVN) - Thảo luận về Luật căn cước công dân và Luật Hộ tịch sửa đổi sáng nay, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Không làm rõ sau này chỉ chết dân thôi”.

"Quy định không rành mạch thì chỉ chết dân thôi”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá đề án này ra đời hướng tới phục vụ nhân dân là tích cực, nói theo Hiến pháp là phải tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn cho rằng, chưa ai hình dung là luật này khi ra đời sẽ có những chuyện gì xảy ra? Ngày xưa dùng giấy khai sinh một cách lạm dụng, đi học cũng hỏi, trái tuyến cũng hỏi, chữa bệnh cũng hỏi, già rồi cũng bị hỏi giấy khai sinh, rồi mua vé cũng phải giấy khai sinh... đấy là lạm dụng.

Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm: “Các đồng chí nói không rõ ràng, quy định không rành mạch thì sau này chỉ chết dân thôi. Cơ sở dữ liệu quốc gia gồm những tiêu chí gì, trong luật phải ghi, không thể nói chung như thế được. Cơ sở dữ liệu hộ tịch có mấy tiêu chí phải ghi vào, không thể để xảy ra tình trạng sau này phường xã lại quy định thêm vào được. Quy định thật chặt chẽ để Quốc hội thông qua rồi cứ thế mà thi hành. Cơ sở dữ liệu quốc gia khi đã có rồi thì ông hộ tịch không được hỏi dân nữa.

Đề nghị các đồng chí nghiên cứu kỹ chứ không thì sẽ phức tạp, làm khó cho dân. Nộp giấy chứng sinh cho hộ tịch rồi lại nộp cả cho công an để nhập dữ liệu là không được, chỉ cần nộp một lần thôi, đưa vào cơ sở dữ liệu là công an cũng có rồi, bấm nút ra sẵn cái thẻ căn cước cho cháu đi. Phục vụ dân là phải như thế chứ. Có làm được như thế không? Những thứ đó phải đưa vào luật, không được ai làm phức tạp thêm tình hình. Hành dân đủ kiểu thì ai chịu được”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan soạn thảo Luật căn cước công dân phải nghiên cứu kỹ, tránh gây khó khăn cho dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan soạn thảo Luật căn cước công dân phải nghiên cứu kỹ, tránh gây khó khăn cho dân.

Trong khi đó, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thì đặt ra một loạt câu hỏi: Khi có thẻ căn cước rồi thì loại đi bao nhiêu giấy tờ và còn bao nhiêu giấy tờ? Hay là người dân phải chấp nhận một số giấy tờ còn tồn tại? Những thông tin này đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia là thông tin cơ bản hay thông tin gốc, vì tôi thấy trong đề án 896 của Chính phủ ghi là thông tin cơ bản, nhưng luật thì ghi là thông tin gốc?

“Có những chỗ quy định cơ quan, người có thẩm quyền không được yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ, cung cấp thông tin cá nhân trong trường hợp công dân đã có dữ liệu cơ sở quốc gia. Vậy làm sao người ta biết rằng thông tin này có ở cơ sở dữ liệu hay chưa? Tôi không hiểu ý các anh muốn nói gì? Nếu đi đường thì vẫn cần bằng lái xe chứ, một cảnh sát giao thông hay thanh tra giao thông làm sao biết được ông này có trong cơ sở dữ liệu quốc gia chưa? Rồi có cả quy định người dân được quyền đăng ký sử dụng thông tin dữ liệu của mình. Quy định như vậy không cần thiết, bất hợp lý và cần phải rà soát lại, vì không ai đi đăng ký khai thác thông tin của chính mình”, bà Mai nói.

Cũng theo bà Trương Thị Mai, vấn đề đặt ra là liệu trong thẻ căn cước có tích hợp được các loại giấy tờ khác không như bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế chẳng hạn, bởi vì trong bảo hiểm y tế thì có nhiều mức khác nhau, rồi bảo hiểm xã hội cũng có nhiều mức khác nhau, rồi còn bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thất nghiệp… không biết là sẽ xử lý thế nào?

Bà Mai chỉ rõ: “Nếu tính kết nối kém thì sẽ không thể thành công. Nhiều người cũng đã nêu ý kiến lo ngại rằng đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước thì sẽ tốn hết bao nhiêu tiền”.

Tốn kém, lãng phí, dân được gì?

Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường thì cho rằng, thẻ căn cước chỉ cần làm 8 chữ số là đủ, chứ không cần 12 số như dự thảo.

“Nếu mục đích chỉ là không trùng nhau thì không cần phải đến 12 chữ số, vì từ 8 chữ số đến 12 chữ số là vô cùng tốn kém, vì vậy tôi đề nghị phải xem xét kỹ chỗ này chứ nếu không thì sẽ lãng phí”, ông Dũng nói.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, khi thảo luật về Luật căn cước,  ĐBQH Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) cho rằng, điều này sẽ tạo sự xáo trộn và lãng phí vô cùng lớn.

“Với 9 số của CMND hiện nay, chỉ đơn giản là hợp nhất các địa phương sẽ có được gần 1 tỉ đầu số, trong khi đó hiện chỉ mới cấp hơn 68 triệu số. Với tốc độ tăng dân số hiện nay, kho số này chí ít còn dùng hơn 400 năm nữa. Vì vậy, Quốc hội cần nghe một lời giải trình mang tính khoa học, thuyết phục hơn. Bởi việc thay đổi này sẽ tạo ra sự xáo trộn và lãng phí vô cùng lớn, bỏ đi 68 triệu CMND cũ với những mối quan hệ đã thiết lập chằng chịt lan tỏa trong toàn xã hội là một việc làm cần được cân nhắc. Tăng từ 9 lên 12 số phải tốn tài nguyên lưu trữ, làm chậm tốc độ truyền dẫn và xử lý dữ liệu. Nếu mã hóa thông tin căn cước để cho ra số này lại càng vô nghĩa một khi công dân điều chỉnh căn cước của mình”, Đại biểu Nhân nêu.

Mẫu thẻ căn cước công dân theo quy định của Bộ Công an.
Mẫu thẻ căn cước công dân theo quy định của Bộ Công an.

Theo Đại biểu Nhân, cái gốc của vấn đề là cần xây dựng một ngân hàng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. mọi thông tin cơ bản của tất cả công dân sẽ được nhập, cập nhật vào ngân hàng cơ sở dữ liệu này và mỗi công dân đều có số định danh cá nhân. Chính cơ sở dữ liệu căn cước công dân cũng là một cơ sở dữ liệu chuyên ngành, với nội dung được hình thành từ thông tin, tài liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và có bổ sung một số trường thông tin, tài liệu theo yêu cầu chuyên ngành như đặc điểm nhân dạng, vân tay...

“Trước mắt chưa cần thiết phát sinh loại thẻ mới nào, số định danh cá nhân có thể lấy theo số CMND. Vừa qua TP Hà Nội đã thí điểm cấp CMND 12 số, chúng ta nên kết hợp thí điểm này với việc xây dựng Luật căn cước công dân. CMND 12 số này hoàn toàn có thể áp dụng được công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quản lý dân cư. Vấn đề là tạo thuận lợi trong giao dịch, giảm chi phí không cần thiết cho người dân, chứ vấn đề không nằm ở tên gọi. Đừng thêm loại thẻ mới có thể gây lãng phí trong hoàn cảnh hiện nay đất nước ta đang cần tiền cho những lĩnh vực khác”, Đại biểu Nhân đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) bày tỏ: “Quốc hội bấm nút đồng tình để thông qua thì rất đơn giản, nhưng hệ lụy kéo theo rất phức tạp. Ví dụ, tất cả các bộ, ban, ngành phải thay đổi toàn bộ hồ sơ, lý lịch và những giấy tờ chúng ta đã in sẵn để thay từ chứng minh nhân dân thành căn cước nhân dân sẽ rất tốn kém. Chưa nói đến các văn bản giấy tờ rồi đây trong lưu trữ lẫn lộn, trùng lắp, có hồ sơ thì chứng minh nhân dân, có hồ sơ thì căn cước nhân dân, rất phức tạp trong quá trình quản lý”.

Ngọc Quang