Bộ trưởng Giao thông “bóc mẽ” tình trạng chậm, hủy chuyến bay

14/07/2014 13:40
Thùy Mai
(GDVN) - “Để xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến bay trách nhiệm trước hết thuộc Cục Hàng không Việt Nam...", Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Tiếp đến là trách nhiệm của Vụ Vận tải, Tổng công ty Cảng, Tổng công ty quản lý bay rồi mới đến các hãng hàng không.

Trước lý lẽ sắc bén của Bộ trưởng giao thông, các đơn vị liên quan tới tình trạng chậm, hủy chuyến bay tăng cao trong 6 tháng vừa qua phải “tâm phục, khẩu phục” và cam kết thay đổi.

Cục Hàng không bị “điểm huyệt”

Giải trình trước Bộ trưởng Đinh La Thăng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – ông Lại Xuân Thanh có một báo cáo khá dài và đưa ra 5 nguyên nhân dẫn đến chậm, hủy chuyến gồm: Do thời tiết, do khai thác của các hãng hàng không (kỹ thuật, máy bay về muộn, chờ khách…), trang thiết bị dịch vụ của sân bay thiếu, do tắc nghẽn không lưu và các nguyên nhân khác...

Trong 5 nguyên nhân này, nguyên nhân do khai thác của các hãng hàng không chiếm tỷ lệ cao nhất, 72,7%. Kế hoạch khai thác nhiều trong khi số lượng tàu bay hạn chế, thời gian quay đầu nhanh được Cục Hàng không lý giải là nguyên nhân chính yếu dẫn tới tình trạng chậm, hủy chuyến bay “tăng chóng mặt” thời gian qua.

“Để xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến bay trách nhiệm trước hết thuộc Cục Hàng không Việt Nam...", Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

“Để xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến bay trách nhiệm trước hết thuộc Cục Hàng không Việt Nam...", Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Liên tục ngắt lời Cục trưởng Lại Xuân Thanh, đặc biệt khi Cục trưởng Thanh lúng túng trình bày các giải pháp khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến, Bộ trưởng Đinh La Thăng gay gắt: “Báo cáo của Cục Hàng không chưa làm rõ vấn đề. Các anh chưa nhận ra khuyết điểm của anh, của ngành hàng không thì chưa thể có giải pháp hữu hiệu được”.

Đưa ra nhiều ví dụ minh chứng Cục Hàng không chưa làm “tròn vai”, Bộ trưởng chỉ rõ khuyết điểm của Cục Hàng không là còn tư duy quản lý nhà nước theo lối đá bóng trách nhiệm, không nhận thức được vấn đề chậm, hủy chuyến trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính Cục Hàng không.

Bộ trưởng yêu cầu Cục hàng không “phải thay đổi suy nghĩ, phải thể hiện trách nhiệm”.

“Giải pháp đầu tiên để giảm chậm chuyến là phải đổi mới toàn diện triệt để Cục hàng không Việt Nam, chứ không phải bắt hãng nọ hãng kia ngừng việc chậm, hủy chuyến, Cục phải thấy được sự trì trệ, chậm đổi mới của mình”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Trước lập luận sắc bén của Bộ trưởng Thăng, Cục trưởng Lại Xuân Thanh thừa nhận đúng là Cục Hàng không lâu nay chưa đi sâu vào các nguyên nhân dẫn đến chậm, hủy chuyến bay nên chưa phân tích được thấu đáo các nguyên nhân và việc tìm giải pháp khắc phục mới chỉ đang… “khởi động”.

Cục trưởng Thanh dứt lời, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói luôn: “Các anh chưa làm hết trách nhiệm của mình. Các anh chê trách doanh nghiệp thế có biết người ta lăn lộn như thế nào để kinh doanh hay không. Tôi đã từng nói nhiều lần, quản lý nhà nước phải nhảy xuống bơi cùng doanh nghiệp chứ đừng đứng trên mà hướng dẫn. Phải bơi để biết nước lạnh hay nóng, sóng to hay nhỏ, có vật cản hay không. Có như thế mới hiểu được doanh nghiệp cần gì, phải làm gì để gỡ khó cho doanh nghiệp".

Bộ trưởng yêu cầu ngay trong tháng 7/2014, Cục Hàng không phải xây dựng, hoàn thiện Đề án đổi mới toàn diện nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hàng không, thực hiện ngay việc giám sát việc chậm hủy chuyến, nội dung, kết quả phải công bố công khai.

Doanh nghiệp hàng không: Hãy cạnh tranh lành mạnh

Báo cáo trước Bộ trưởng, Hãng Hàng không quốc gia - Vietnam Airlines “bao biện”: Mặc dù tỉ lệ chậm chuyến có tăng so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 2,4 điểm) nhưng so với tỷ lệ trung bình của các hãng hàng không trên thế giới vẫn có thể đánh giá rằng tỷ lệ chậm, hủy chuyến của Vietnam Airlines (tương ứng 12,3% và 2,9%) và VASCO (tương ứng 10,2% và 7,5%) là thấp.

Cục trưởng Lại Xuân Thanh “tố”: Vietjet Air và Jestar Pacific có tỷ lệ chậm chuyến cao, gây bức xúc dư luận.

Đại diện hãng hàng không tư nhân duy nhất Vietjet Air phân trần do nhiều nguyên nhân. Phân tích các nguyên nhân ông Khánh đưa ra thì thấy: Do thời tiết chỉ chiếm khoảng 0,4-0,5%, lý do kỹ thuật chỉ 1%, do hành khách 1%, nguyên nhân do phục vụ mặt đất 3-4%, liên quan tới thời gian cất cánh và hạ cánh chiếm tới 8,5% song 55% tổng số chuyến bay chậm là do ảnh hưởng dây chuyền của các chuyến trước (máy bay về muộn).

Nắm chắc nguyên nhân, sẵn sàng giải pháp, tuy nhiên ông Lưu Đức Khánh cho biết điểm khó khăn của Vietjet Air là toàn bộ dịch vụ mặt đất đang phải thuê ngoài nên hãng hoàn toàn thụ động trong việc đúng giờ cũng như khắc phục việc chậm chuyến, hủy chuyến.

Do vậy, bên cạnh các biện pháp chủ động từ hãng, Vietjet Air đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà quản lý sân bay và công ty dịch vụ mặt đất có các biện pháp nhằm nâng cao chỉ số đúng giờ của các chuyến bay đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng tại các đầu sân bay.

Cụ thể: Sớm đầu tư thêm các trang thiết bị cần thiết để phục vụ hành khách như xe chở khách, xe thang dẫn khách lên tài, bằng tải hành lý, hàng hóa, cửa khởi hành, an ninh soi chiếu…Bổ sung nhân sự phục vụ mặt đất, đầu tư cho hoạt động quản lý, điều hành bay, tạo điều kiện cho hãng được thuê các mặt bằng, được tạo thuận lợi về các thủ tục An ninh, Hải quan, Cảng vụ.

Gần kết thúc cuộc họp, Vietjetair và Jetstar Pacific cùng cam kết nâng tỷ lệ chuyến bay đúng giờ lên tới 85% - 95%.

Lắng nghe, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Bộ trưởng Thăng khẳng định quản lý nhà nước chưa “tròn vai” nhưng phía doanh nghiệp cũng chưa phối hợp tốt với cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các hãng hàng không cũng phối hợp với nhau chưa tốt, có biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh. “Làm kinh doanh đương nhiên phải nghĩ đến lợi ích, hiệu quả kinh tế nhưng “đừng tham bát bỏ mâm”. Lợi ích khách hàng phải trên hết thì mới tạo được sự bền vững trong phát triển”.

Chia sẻ bên lề cuộc họp, đại diện một lãnh đạo ngành Hàng không cho biết với sự quyết liệt của Bộ trưởng, những tồn tại, bất cập hiện nay trên thị trường hàng không hy vọng sẽ sớm được chấn chỉnh, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh sẽ có “barie”.

Theo đó, “quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, góp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Các hãng hàng không tăng cường hợp tác để chia sẻ hạ tầng, kinh nghiệm, thậm chí cả nhân sự sẽ giúp nhau cùng mạnh lên, sử dụng nguồn lực của mình để cùng đầu tư tăng cường chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách thay vì nhòm ngó và “dẫm chân lên nhau”.
 

Thùy Mai