Bill Clinton: Chính yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc gây ra căng thẳng

22/07/2014 13:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Nên giải quyết các vấn đề liên quan đến yêu sách ở Biển Đông và Hoa Đông giàu tài nguyên tại các diễn đàn đa quốc gia, nơi các nước nhỏ không bị thiệt thòi.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Ảnh: politico.com
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Ảnh: politico.com

CNN ngày 21/7 dẫn lời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhận định, yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong các vùng biển lân cận, Hoa Đông và Biển Đông, đã gây ra tình trạng leo thang căng thẳng với các nước láng giềng.

Xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bùng phát kể từ đầu tháng 5 khi một công ty dầu khí Trung Quốc di chuyển và hạ đặt giàn khoan 981 vào vùng biển "cả 2 đều yêu sách", thực tế là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và hoàn toàn không có tranh chấp - PV.

Động thái của Trung Quốc đã khiến các nước châu Á khác cảm thấy lo ngại bởi chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn (hung hăng) hơn cùng với sự tăng cường sức mạnh quân sự. Ông Bill Clinton tin rằng Hoa Kỳ có quan điểm khác với Trung Quốc về cách giải quyết các tranh chấp.

"Một trong những khác biệt lớn là Mỹ tin rằng chúng ta nên giải quyết các vấn đề liên quan đến yêu sách ở Biển Đông và Hoa Đông giàu tài nguyên tại các diễn đàn đa quốc gia, nơi các nước nhỏ không bị thiệt thòi so với Trung Quốc", cựu Tổng thống Mỹ nói.

Còn người Trung Quốc cho rằng tất cả những điều này nên được giải quyết theo cách họ gọi là đàm phán song phương, nhưng các nước nhỏ tin rằng họ sẽ không có cơ hội bình đẳng khi đàm phán tay đôi với Trung Quốc, ông Clinton nhận định.

Tờ Bưu điện Hoa Nam ngày 22/7 bình luận, từ góc độ quan hệ công chúng, việc Trung Quốc di chuyển và hạ đặt giàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam đầu tháng 5 vừa qua là một thảm họa. Các cuộc đàm phán luôn thích hợp hơn những hành động đơn phương.

Một loạt các hành động leo thang của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hoa Đông trong năm qua đã đập vỡ hình ảnh quốc tế của Trung Quốc. Áp lực quốc tế đã buộc Trung Quốc phải giải thích hành động của mình. Mối quan tâm của khu vực đã được nâng cao trước các ý đồ và hoạt động bành trướng sức mạnh quân sự của  Trung Quốc.

Tiến sĩ Subhash Kapila từ nhóm Phân tích Nam Á SAAG từng tham dự hội thảo quốc tế "Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử" tại Đà Nẵng vừa qua hôm 22/7 bình luận trên tờ Eur Asia Review, Trung Quốc dường như đã không biết gì về những bài học của thế kỷ 20 khi mà các thế lực bành trướng sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực cố gắng phá vỡ sự cân bằng đều kết thúc trong sự ô nhục.

Theo Kapila, Bắc Kinh đã đánh bạc với nhận định sai trái rằng sức mạnh của Hoa Kỳ đang suy giảm và họ có thể tự tin thống trị Biển Đông. Bắc Kinh cũng tin rằng Nhật Bản và Ấn Độ đang cạnh tranh như một cường quốc mới nổi sẽ không thể kết hợp lại về mặt chiến lược.

Hồng Thủy