Đừng coi nhẹ nghiên cứu khoa học của sinh viên

21/09/2011 14:30
(GDVN) - Mô hình, nội dung và phương pháp giáo dục truyền thống “Học một lần để có kiến thức sử dụng suốt đời” không còn phù hợp.
I. Vai trò của nghiên cứu khoa học

Trong thời đại chúng ta đang sống, nhân loại đang bước vào ngưỡng cửa nền kinh tế tri thức mà cơ sở của nó là sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ. Những phát minh khoa học được áp dụng nhanh vào sản xuất vật chất và tinh thần.

Những thành tựu khoa học công nghệ nhanh chóng biến thành công nghệ mới, thành vật liệu mới, nguyên liệu mới, năng lượng mới, thành phương pháp lao động mới, phương pháp quản lý mới, thành những người lao động kiểu mới, thành mô hình kinh tế - xã hội mới… làm cho lực lượng sản xuất của nhân loại có bước nhảy vọt chưa từng thấy.

Các thành tựu khoa học – kỹ thuật – công nghệ trên không chỉ làm đảo lộn quá trình sản xuất của xã hội mà còn chuyển đổi cả nội dung, phương pháp và quá trình giảng dạy, học tập ở mọi cấp học trong nền giáo dục các nước, kéo nhà trường, nhất là các trường Đại học trực tiếp vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, biến nhà trường thành những trung tâm nghiên cứu, phát minh, tạo ra và ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ đó.

Mô hình, nội dung và phương pháp giáo dục truyền thống “Học một lần để có kiến thức sử dụng suốt đời” không còn phù hợp.

Bởi vì lượng tri thức khoa học - công nghệ được phát minh không chỉ tăng lên nhanh chóng, mà còn phong phú, đa dạng trên mọi lĩnh vực, lại được chuyển tải khắp toàn cầu gắn với cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Không gian thế giới được thu nhỏ lại, hiểu biết của con người ngày càng rộng ra và sâu thêm, các lối tư duy truyền thống không còn giúp chúng ta giải quyết được vấn đề. Ngày nay nếu nói một điều nào đó không thể xảy ra thì sẽ rất sai lầm.

Do vậy, động lực của nghiên cứu khoa học và ứng dụng những kết quả của những phát minh mới của khoa học chính là những đòi hỏi bức bách của cuộc sống vật chất và tinh thần con người hiện nay.

Xu thế phát triển của giáo dục đào tạo ngày nay là nhằm tạo ra những con người có thế giới quan, nhân sinh quan khoa học cách mạng tiến bộ, biết học tập liên tục, biết cách làm việc sáng tạo suốt đời. Bởi vì, với những tri thức mới bùng nổ, nếu không cập nhật bổ trợ, tăng thêm những tri thức thông tin mới, con người sẽ nhanh chóng lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu phát triển cực kỳ nhanh chóng của thực tiễn xã hội.

Giáo dục đào tạo ngày nay không chỉ phục vụ cuộc sống mà còn là cơ sở để con người phát hiện ra những năng lực tiềm ẩn trong bản thân mình, khẳng định những năng lực ấy bằng đổi mới bản thân, tạo ra con người mới, cuộc sống mới.

Nhìn thấu suốt mấy ngàn năm phát triển giáo dục đào tạo của nhân loại, ta thấy giáo dục ngày nay không chỉ khác mà còn đối lập về đối tượng, nội dung, phương pháp, cách thức so với thời cổ đại, phong kiến và tư bản.

Các nhà khoa học đã tiên đoán “Những thay đổi của xã hội trong vài chục năm tới sẽ bằng hoặc nhiều hơn những thay đổi đã diễn ra trong hơn 300 năm qua”. Thật ra, mấy ngàn năm dưới chế độ nô lệ, phong kiến, khoa học chưa có tiền đề, điều kiện phát triển, khoa học chưa tách khỏi thần học và chỉ là một bộ phận của thần học.

Ở phương Tây nhà trường là Tu Viện, giáo viên là các Thầy tu, nội dung giảng dạy là kinh thánh.

Nội dung cơ bản của kinh thánh là những quan điểm duy tâm, hữu thần mà ở đó mọi sự vật, hiện tượng, toàn bộ thế giới và con người đầu là sản phẩm sáng tạo của đấng thượng đế toàn năng và do đó những phát minh khoa học chưa được trân trọng và phát huy. Mục tiêu của giáo dục là nhằm tạo ra những con người thụ động, trông chờ vào đấng tối cao, sẵn sàng hy sinh, bảo vệ lợi ích của tầng lớp quý tộc, phong kiến.

Ở phương Đông, Nho giáo là nền giáo dục phát triển mạnh, có tầm ảnh hưởng sâu rộng ở nhiều nước. Nho giáo không đi sâu vào khoa học để nghiên cứu vũ trụ mà đi sâu vào mối quan hệ chính trị, đạo đức nhân sinh.

Tuy có tính hợp lý trong việc đưa ra các khái niệm, chuẩn mực đạo đức nhân sinh như nhân, lễ, nghĩa, cung, khoan, tín, mẫn, huệ, cần, kiệm... nhưng nho giáo cũng nhồi sọ con người bằng những phạm trù chính trị đạo đức như quân tử - tiểu nhân; chính danh- định phận.

Mục tiêu là tạo ra những con người mang tư tưởng phong kiến nhằm duy trì chế độ phong kiến, bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị xã hội.

Chủ nghĩa tư bản ra đời gắn liền với những thành tựu khoa học và hoạt động thực tiễn, sản xuất ra của cải vật chất cải tạo xã hội phong kiến. Chủ nghĩa tư bản có công đưa nhân loại bước vào thời đại văn minh gắn với những thành tựu khoa học - kỹ thuật.

Chủ nghĩa tư bản khoa học hướng vào nghiên cứu giới tự nhiên, xã hội và con người. Giáo dục đào tạo đi sâu vào những tri thức về toán, lý, hóa, sinh vật học, thiên văn học... những tri thức kỹ thuật, và nó cũng chỉ là đại diện cho phương thức sản xuất bóc lột đặc biệt là bóc lột giá trị thặng dư.

Tóm lại, giáo dục trước đây mang nặng dấu ấn lịch sử và chỉ có tính truyền bá kế thừa tư duy, do vậy không còn phù hợp nữa, vì những thay đổi về nhận thức hiện nay sẽ vô cùng to lớn và nhanh chóng.
II. Sự gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các trường Đại học

Trong bối cảnh trên việc tổng kết những thành tựu khoa học của nhân loại, các thực tiễn hoạt động sản xuất, cải tạo xã hội sẽ là những hạt nhân hợp lý trong kho tàng tư tưởng lý luận mà chỉ bằng nghiên cứu khoa học mới giải quyết được vấn đề.

Trong phạm trù thực tiễn, hoạt động nghiên cứu khoa học là phổ biến, ứng dụng khoa học vào cuộc sống, là hoạt động để cải biến tự nhiên - xã hội vì con người, bao gồm 3 hình thức cơ bản: lao động sản xuất của cải vật chất; cải tạo xã hội và hoạt động thực nghiệm khoa học.

Hoạt động thực tiễn không chỉ là cơ sở tồn tại và phát triển của con người, xã hội, mà còn tạo ra những phát minh, tri thức ngày càng mới để phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo. Như vậy thực tiễn là cơ sở, động lực phát triển của giáo dục đào tạo, kiểm tra những phát minh khoa học, phân biệt các giá trị của chúng.

Phạm trù thực tiễn được đưa vào nhận thức, đã tạo ra cuộc cách mạng trong nhận thức khoa học và giáo dục đào tạo, và đây là kho tàng để sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học.

Suy cho cùng giáo dục là cung cấp điều kiện để cho người học có những tri thức khoa học, kể cả những tri thức do tự nghiên cứu và tìm ra các phát minh mới trong cải biến xã hội. Vì thế giáo dục phải gắn chặt với nghiên cứu khoa học.

Khoa học là động lực nội sinh để phát triển giáo dục đào tạo và là lý do tồn tại của giáo dục đào tạo. Giáo dục đào tạo phải đi sâu tổng kết những tri thức thực tiễn, những thành tựu khoa học của nhân loại để hình thành những công trình khoa học, tạo ra giáo trình, sách giáo khoa, giáo án phục vụ đào tạo.

Giáo dục đào tạo không chỉ nhằm phổ biến, truyền bá và chiếm lĩnh những tri thức khoa học của quá khứ, mà còn là cơ sở cho người học sáng tạo, phát minh ra những tri thức mới, tạo ra cuộc sống mới, con người mới.

Do vậy, để thực hiện các nhiệm vụ trên, nhà trường phải mang hơi thở của các hoạt động thực tiễn cuộc sống, hướng vào phục vụ cho hoạt động thực tiễn.

Bởi thế phương pháp giáo dục tiên tiến hiện nay là “Nhà trường gắn liền với xã hội”, “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn bó với thực tiễn”, dạy cho tốt để học cho tốt – học cho tốt để “làm” tốt, “làm” tốt để có kết quả cao, lại phải tổng kết, rút những tri thức mới để giúp cho “làm” tốt hơn nữa, tức là “ Tri hành – Đạt

Ngày nay các hoạt động thực tiễn của nhân loại ngày càng sâu, rộng, sản sinh ra những tri thức ngày càng nhiều, càng mới. Nhiệm vụ của giáo dục, đào tạo, nhất là ở bậc Đại học với phương châm, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.

Lấy người học làm trung tâm, nhà trường cần tăng cường tính tự chủ, tự học của sinh viên. Giáo viên không chỉ cung cấp kiến thức mà còn định hướng cho việc chủ động, tích cực, tự giác học tập của sinh viên. Tự học, tự đào tạo chính là quá trình nghiên cứu khoa học, bổ sung kiến thức, tự hoàn thiện kiến thức của bản thân sinh viên, giảng viên.

Ngày nay người thầy của sinh viên không chỉ trong khuôn viên nhà trường mà còn là Internet, các phương tiện thông tin đại chúng, những hoạt động thực tiễn sáng tạo hàng ngày, hàng giờ của hàng triệu người lao động, ranh giới địa lý, thời gian đã bị xóa bỏ.

Trường Đại học trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, thành nơi tổng kết rút tỉa những thành tựu hoạt động thực tiễn của xã hội, ở đó giáo viên và sinh viên đều phải tập sự nghiên cứu khoa học để từng bước trở thành nhà khoa học.

Khoa học phát triển phục vụ cuộc sống. Các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học nhân văn, khoa học kỹ thuật đều như vậy. Hoạt động khoa học gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai.

Tùy theo các ngành nghề đào tạo mỗi trường Đại học có thể chủ động đi sâu vào thế mạnh, hoạch định phương hướng nghiên cứu khoa học, ứng dụng hay triển khai, gắn nghiên cứu khoa học với đời sống kinh tế xã hội, với địa phương sở tại, sinh viên mà không tham gia nghiên cứu khoa học chỉ là học sinh cấp IV và như vậy là chưa hoàn thành nhiệm vụ của sinh viên Đại học, giảng viên cũng vậy.

Long An là địa bàn có tiềm năng tự nhiên, kinh tế xã hội đa dạng lại ở vào vị trí địa lý thuận lợi cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phía Bắc giáp với thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế công nghiệp, văn hóa, khoa học, kỹ thuật. Phía nam giáp với các tỉnh Tiền Giang, phía Tây Bắc giáp với Campuchia có các thế mạnh về nông nghiệp, quan hệ quốc tế…

Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An là trường đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành nằm trên địa bàn có nhiều thuận lợi nêu trên. Tuy còn non trẻ, nhưng công tác đào tạo của nhà trường đã dần đi vào nề nếp, công tác nghiên cứu khoa học đã bắt đầu triển khai.

Xác định rõ thế mạnh về chất xám, năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của mình, Ban giám hiệu đặt vấn đề cho hội đồng khoa học, các khoa, phòng ban, giảng viên và sinh viên nhà trường cần phải gắn bó với địa phương, với các tỉnh thành trong toàn vùng tập trung nghiên cứu các vấn đề về tự nhiên, tài nguyên, kinh tế, xã hội, văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán…

Tham gia cùng các địa phương hoạch định khai thác phát huy tiềm năng thế mạnh để công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa bàn. Đồng thời vận dụng những thành tựu khoa học vào giảng dạy, ứng dụng, triển khai, đưa khoa học kỹ thuật vào thúc đẩy kinh tế xã hội ở các địa phương.

Hội đồng khoa học của nhà trường cần chủ động, tích cực đặt vấn đề với Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh thành, các sở, ban ngành, đoàn thể nhất là các sở khoa học công nghệ để xác định các đề tài, nhóm đề tài, tìm các nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phục vụ cho các địa phương và nhà trường, Đây cũng chính là phương pháp đẩy mạnh chất lượng đào tạo tại trường Đại học.

Nhà trường đứng chân trên địa bàn tỉnh không chỉ tạo dấu ấn về việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài cho địa phương mà còn phải tạo ra những thành tựu khoa học đặc thù thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương và phát triển.

Việc phát triển nghiên cứu khoa học trong trường đại học là phương pháp tích cực và hữu hiệu giúp giảng viên, sinh viên phát huy sáng kiến, phát triển tư duy, tìm tòi và ứng dụng các thành tựu vào thực tế cuộc sống, góp phần đẩy nhanh quá trình học tập, phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay, nhằm mục tiêu “Tri hành – Đạt nhân”. Đó cũng là Slogan mà trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An đề ra cho giảng viên và sinh viên của Trường hiện nay.

TS. Lê Đình Viên - Chủ tịch HĐQT – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An