Liệu có tồn tại tiêu chuẩn kép trong công tác quản lý của Bộ GD&ĐT?

05/08/2014 06:45
TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Có một câu hỏi đặt ra là liệu Thanh tra Bộ GD&ĐT có áp dụng tiêu chuẩn kép khi xử lý vụ việc tại ĐH Hoa Sen TP. Hồ Chí Minh với ĐH Chu Văn An Hưng Yên?

Một tiêu chuẩn gọi là “kép” (double standard) khi một sự việc được xem là hoàn hảo, đúng đắn nếu do một nhóm người này làm, nhưng chính việc đó lại là điều không thể chấp nhận, là sai nếu do nhóm người khác làm. Tiêu chuẩn kép vi phạm tất cả các nguyên tắc về sự công bằng khi với bản chất của sự việc là giống nhau, nhưng những người khác nhau lại có mức độ chịu trách nhiệm khác nhau, và cùng với nó là bị (hoặc được) xử lý với các mức độ khác nhau.

Có một câu hỏi đặt ra là liệu Thanh tra Bộ GD&ĐT có áp dụng tiêu chuẩn kép khi xử lý vụ việc tại ĐH Hoa Sen TP. Hồ Chí Minh với ĐH Chu Văn An Hưng Yên?

Như báo chí đưa tin sự việc tại ĐH Hoa Sen xảy ra chỉ mới vài tháng, chủ yếu từ tháng 1/2014 khi trường đã tiến hành đại hội cổ đông. HĐQT đề nghị điều chỉnh điều lệ hoạt động của trường từ “hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận” thành “hoạt động không vì lợi nhuận theo Luật giáo dục đại học năm 2013”. 

Đại học Hoa Sen.
Đại học Hoa Sen.

Một vài bài báo khi trình bày sự việc tại ĐH Hoa Sen, có vẻ như ngầm ủng hộ số cổ đông đang thắng thế. Không những báo chí, ngay cả cơ quan chức năng là Bộ GD&ĐT dường như cũng đồng tình khi tìm ra được khá nhiều khuyết điểm của bà Bùi Trân Phượng thể hiện trong kết luận thanh tra số 03/KL-TTr. Kết luận này phần nảo củng cố “tính chính danh” của phía sở hữu trên 30% cổ phần khi phe này tìm cách loại bỏ bà Phượng khỏi vị trí Hiệu trưởng nhà trường. 

Người viết đã nhiều lần đề cập đến cuộc chiến pháp lý trong các trường CĐ-ĐH ngoài công lập (NCL) [1], [2]. Xem ra sự việc tại ĐH Hoa Sen cho thấy bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến trong các trường CĐ-ĐH NCL sẽ vẫn còn khốc liệt nếu nhà nước không sớm có những điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô. 

Bên cạnh đó, dù có các điều chỉnh chính sách thì việc áp dụng vào thực tiễn lại là câu chuyện về tâm đức của người thừa hành công vụ, cụ thể ở đây là chính quyền địa phương – cơ quan quản lý nhân sự, tổ chức, đoàn thể các trường theo lãnh thổ và Bộ GD&ĐT – cơ quan quản lý chuyên môn.

Liệu có tồn tại tiêu chuẩn kép trong công tác quản lý của Bộ GD&ĐT? ảnh 2Hé lộ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen

(GDVN) - Nguồn tin từ Ban Tổ chức Đại hội Cổ đông bất thường cho biết, hàng loạt sai phạm của Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng sẽ được chất vấn.

Ngược với những gì xảy ra tại ĐH hoa Sen, khi cổ đông tại ĐH Chu Văn An tố cáo lãnh đạo trường này sử dụng bằng cấp không hợp chuẩn, khi hơn hai năm không đại hội cổ đông, khi từ tháng 4/2012 đến nay ĐH Chu Văn An không có Hiệu trưởng, Hiệu phó phụ trách đào tạo… thì Thanh tra Bộ lại cho rằng tố cáo là không đúng.

Tại  sao ở TP. Hồ Chí Minh, cách xa cơ quan Bộ cả ngàn cây số thì Thanh tra Bộ làm việc nhanh thế còn ở ĐH Chu Văn An, chỉ cách cơ quan Bộ chừng 50 km thì sự việc lại lâu như thế?

Một số bài báo đã nêu thực trạng tại ĐH Chu Văn An hiện nay như trường chỉ còn khoảng một chục giáo viên cơ hữu, lãnh đạo trường đa số xuất thân từ nghề kinh doanh không đủ tiêu chuẩn làm hiệu phó… nhưng Bộ GD&ĐT vẫn phê duyệt cho trường tự chủ tuyển sinh, đào tạo cao học, phải chăng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không biết chuyện này? Điều này hoàn toàn có thể nếu bộ phận tham mưu là Vụ Đại học và Thanh tra Bộ, dù nhận được nhiều khiếu nại, tố cáo nhưng lại cố tình chậm (hoặc không) báo cáo với Bộ trưởng.

Xuy xét kỹ có thể  thấy dường như cách xử lý của một vài cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT có tính truyền thống, đó là vận dụng một cách “sáng tạo” các quy định của pháp luật, ủng hộ tối đa phe có nhiều tiền. Minh chứng cho điều này có thể thấy khi so sánh hai kết luận thanh tra đối với hai trường ĐH Chu Văn An và ĐH Hoa Sen.

Ở ĐH Chu Văn An, một số người có tiền, sau khi mua bán chiếm được khoảng 55% cổ phần, tháng 4/2012 họ giành quyền lãnh đạo HĐQT và Ban giám hiệu. Kể từ thời điểm này trường ĐH Chu Văn An đã không còn là môi trường giáo dục theo đúng nghĩa. Lãnh đạo mới cấm không cho các cổ đông “thất thế”, kể cả số cán bộ giáo viên đã phải nghỉ việc bước chân vào trường, hàng loạt sự việc trái luật phơi bày công khai như chuyện hơn hai năm không quyết toán tài chính, không đại hội cổ đông… nhưng chính quyền sở tại, Bộ GD&ĐT vẫn bỏ qua, vẫn bỏ mặc cho những người không biết một tí gì về giáo dục đại học tiếp tục thao túng nhà trường. 

Không hiểu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, các Thứ trưởng bận gì mà để tồn tại một trường đại học chỉ có khoảng một chục giáo viên cơ hữu, số cơ hữu còn lại đều là “con số ma” mà trường nhận bừa để lừa Bộ và công luận. Xin nhấn mạnh rằng bản thân người viết cũng bị ĐH Chu Văn An ghi là giảng viên cơ hữu của trường này trong tờ trình về tự chủ tuyển sinh gửi Bộ. 

Chịu trách nhiệm quản lý về chuyên môn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có cho rằng một trường đại học không có Hiệu trưởng, Hiệu phó phụ trách đào tạo, không có trưởng các phòng Đào tạo, Nghiên cứu khoa học trong hơn hai năm có đáp ứng các tiêu chí mà Luật Giáo dục đại học đề cập không? Nếu không thì vì cớ gì Bộ vẫn để trường này tồn tại?
Còn ở ĐH Hoa Sen, bằng cách chỉ ra một số khuyết điểm của bà Bùi Trân Phượng, người đóng góp nhiều công sức cho sự hình thành và phát triển của trường khoảng 20 năm qua, Thanh tra Bộ đã trực tiếp tạo một hình ảnh xấu về vị lãnh đạo này khiến cho người ngoài cuộc nhanh chóng quên đi công sức mà bà Phượng bỏ ra cho ĐH Hoa Sen. Đến nỗi GS. Nguyễn Đăng Hưng, một cổ đông của ĐH Hoa Sen phải thốt lên: “Không nên đưa ĐH Hoa Sen đi vào vết xe đổ của ĐH Hùng Vương”.

Nên nhớ, ngay trong khi họp đại hội cổ đông bất thường để tìm cách loại bà Phượng khỏi chức danh Hiệu trưởng thì những người đang tìm cách thao túng ĐH Hoa Sen cũng không quên cãi vã chia phần. 

Ngay trong cuộc đại hội bất thường của ĐH Hoa Sen, ông Tô Ngọc Ngời, thành viên chủ tọa  một mặt nói: “Đại học Hoa Sen đã thực hiện đúng Luật giáo dục, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận”, nhưng thực sự tiền lại trở thành một trong những trọng tâm cuộc họp. Có cổ đông yêu cầu chia cổ tức đến 30%, sau những tranh cãi quyết liệt, mức cổ tức được biểu quyết là 20% -  cao nhất  từ trước đến nay. Phần thắng lần này lại nghiêng về phía kẻ có tiền. 

Cũng chính ông Ngời đã phát biểu: “Xét cho cùng, chúng ta đi tận cùng vấn đề thì ĐH Hoa Sen của ai? Và nếu nó thất bại thì ai chịu? Cổ đông chúng ta là những người bỏ tiền vào đó. Còn anh là giáo viên, hôm nay anh không dạy chỗ này thì mai anh dạy chỗ khác. Người lao động có thể mất việc nếu Hoa Sen không còn tồn tại và phát triển. Nhưng chúng tôi là những người bỏ tiền vào, nếu Hoa Sen sụp đổ, chúng tôi mất tiền”. (Tuổi trẻ Online 3/8/2014)

Nên nhớ TP. Hồ Chí Minh đã đổ vào ĐH Hoa Sen nhiều tỷ đồng để có một ngôi trường có thương hiệu như ngày nay, những người đến sau, góp thêm một ít vốn và cao giọng “ĐH Hoa Sen là của ai?” liệu có nhận thấy họ đang tranh thủ vơ váo, đang xúc phạm đội ngũ giáo viên và sinh viên nhà trường? Với những lời lẽ như thế, họ bộc lộ bản chất con buôn hơn là những người tâm huyết với giáo dục. 

Cuộc chiến ở các ĐH Hoa Sen, Hùng Vương, Chu Văn An… cho thấy chủ trương xã hội hóa giáo dục, mặc dù là một chủ trương đúng song đang bị lợi dụng. Sự lợi dụng này một mặt dựa vào những điều khoản chưa chặt chẽ, chưa cụ thể của luật pháp, mặt khác cũng có phần tiếp tay của cơ quan quản lý. Cách thức mà Thanh tra Bộ GD&ĐT đã làm ở ĐH Chu Văn An và ĐH Hoa Sen không có gì khác hơn là áp dụng một tiêu chuẩn kép cho cùng một đối tượng là lãnh đạo các trường này.

Nhìn rộng ra một chút, những nhà giáo tâm huyết bỏ công xây dựng trường đa số không có cái nhìn sắc bén của người buôn bán. Sang năm, theo kế hoạch sẽ bỏ thi tuyển sinh đại học, phải chăng đây là cơ hội vàng để cạnh tranh chiếm chỗ, để kinh doanh văn bằng đại học. Sẽ là thế nào nếu giới có tiền áp đặt quyền lực lên nhà giáo và nhà quản lý, biến môi trường giáo dục thành nơi mua bán văn bằng hợp pháp? khi bỏ tiền ra đầu tư, nhà đầu tư sẽ nắm quyền quyết định hoạt động của trường và điều không mong đợi tất sẽ đến, đó là họ sẽ lấn át những sáng lập viên, bóc lột sức lao động của đội ngũ giáo viên, cán bộ nhân viên và cũng chẳng có chế tài nào hạn chế được lòng tham của họ. 

Điều đáng tiếc là sự thụt lùi của chủ trương xã hội hóa giáo dục này lại được thực hiện đúng quy định của luật pháp, thông qua đại hội cổ đông.

Nhiều người tâm huyết với giáo dục đang hết sức lo lắng chuyện các trường CĐ-ĐH NCL hoạt động như doanh nghiệp. Sự lo lắng càng tăng thêm khi cơ quan quản lý thay vì giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh lại có biểu hiện chống lưng cho sai phạm tiếp tục tồn tại.
Đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà, không thể chỉ bằng các chủ trương, chính sách mà trước hết cần đổi mới chính những con người đang thực hiện chủ trương đổi mới./.

Nguồn trích dẫn:

[1] Cuộc chiến pháp lý trong trường đại học tư thục, TuầnViệtNam-Vietnamnet 10/7/2012
[2] ĐH tư thục: Bao giờ mới... "ngừng chiến"? TuầnViệtNam-Vietnamnet  4/12/2012

TS. Dương Xuân Thành