Tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của TQ sẽ trang bị 27 máy bay J-20?

11/08/2014 06:39
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc hoàn thành thiết kế bản vẽ, bước vào giai đoạn chế tạo, tốc độ phát triển nhanh, tương lai có thể trang bị J-20, hậu thuẫn cho yêu sách chủ quyền...
Tàu sân bay Liêu Ninh hiện có của Hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh hiện có của Hải quân Trung Quốc

Tân Hoa xã ngày 9 tháng 8 đưa tin, sau khi tàu sân bay Liêu Ninh đi vào hoạt động, việc chế tạo tàu sân bay nội địa của Trung Quốc lại thu hút sự phỏng đoán và tranh cãi của dư luận, nhất là sau khi Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Jonathan Greenert đến thăm Trung Quốc và lên thăm tàu sân bay Liêu Ninh gần đây.

Sự ra đời bước vào thời điểm đếm ngược?

Tờ "Kanwa Defense Review" Canada gần đây cho rằng, bản vẽ tổng thể tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc đến gần giai đoạn "đóng băng".

Tức là hoàn thành thiết kế bản vẽ, là giai đoạn không còn tiếp tục tiến hành điều chỉnh lớn về công nghệ, bước tiếp theo là bàn giao bản vẽ cho nhà máy, điều này có nghĩa là thời gian biểu chế tạo tàu sân bay của Trung Quốc bước vào thời điểm "đếm ngược".

Truyền thông Mỹ thông qua hình ảnh vệ tinh được công bố gần đây phân tích cho rằng, tại một nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải, có một vật thể trông như tàu sân bay đang được chế tạo.

Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Jonathan Greenert, người vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, gần đây cũng cho biết, Trung Quốc đang chế tạo chiếc tàu sân bay thứ hai và sẽ triển khai trong tương không xa.

"Hiện nay, tàu sân bay Liêu Ninh duy nhất hiện có của Trung Quốc vẫn nằm trong quá trình phát triển, họ sẽ chế tạo một chiếc tàu sân bay khác, tốc độ có thể sẽ tương đối nhanh".

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông (ảnh tư liệu)
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông (ảnh tư liệu)

Theo báo Canada: "Mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng một lực lượng hải quân tầm xa. Đến năm 2020, Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu tàu Liêu Ninh hiện nay, 2 tàu sân bay nội địa đang chế tạo và hơn 120 tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, tạo ra hậu thuẫn mạnh mẽ cho yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng biển Tây Thái Bình Dương giàu tài nguyên dầu khí, bảo vệ các tuyến đường hàng hải - nơi xuất nhập khẩu của Trung Quốc phải lệ thuộc".

Nhà nghiên cứu lâu năm Fisher, Trung tâm đánh giá quốc tế và chiến lược ở Washington, Mỹ suy đoán, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ sở hữu 4 - 5 tàu sân bay, sau đó sẽ còn tiếp tục chế tạo, sở hữu 10 tàu sân bay sẽ là đỉnh cao tham vọng vài chục năm tới của Trung Quốc.

Tốc độ phát triển nhanh, có khoảng cách với Mỹ

Đối với lực lượng tàu sân bay mà Trung Quốc đang xây dựng, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Jonathan Greenert cho rằng, Trung Quốc vẫn có khoảng cách rất lớn so với Mỹ: Hiện nay, một chiếc tàu sân bay của Mỹ thông thường có thể cất, hạ cánh 100 máy bay trong một chiến dịch, trong khi đó Trung Quốc hiện nay chỉ có thể cất hạ cánh 10 máy bay.

Ngày 8 tháng 8 năm 2014, máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay động cơ hạt nhân USS George Bush tiến hành không kích lực lượng ISIS của Iraq
Ngày 8 tháng 8 năm 2014, máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay động cơ hạt nhân USS George Bush tiến hành không kích lực lượng ISIS của Iraq

Trước khi có thể sử dụng thành công tàu sân bay tiến hành các chiến dịch quân sự, Quân đội Trung Quốc còn cần làm nhiều việc hơn. Nhưng, về tốc độ phát triển tàu sân bay, Trung Quốc "đang phát triển với bước đi nhanh chóng".

Về thiết kế tàu sân bay nội địa, Đô đốc Jonathan Greenert suy đoán, "tàu sân bay mới tương tự tàu Liêu Ninh, áp dụng cất cánh kiểu nhảy cầu, hơn nữa trọng tải của chúng tương tự nhau, khoảng 65.000 - 70.000 tấn".

Tờ "The Straits Times" Singapore vừa cho rằng, tàu sân bay mới sẽ được Hải quân Trung Quốc chế tạo "dài toàn bộ 320 m, lượng giãn nước theo thiết kế là 85.000 tấn. Tàu Liêu Ninh dài toàn bộ 300 m, lượng giãn nước 67.000 tấn".

Còn theo phân tích của tờ "Kanwa Defense Review", Trung Quốc đã có được bản vẽ thiết kế chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân thời kỳ Liên Xô cũ từ Ukraine, vì vậy suy đoán, tàu sân bay nội địa trong tương lai của Trung Quốc rất có thể trang bị động cơ hạt nhân.

Về trang bị máy bay chiến đấu cho tàu sân bay, tờ "The Straits Times" ám chỉ, tàu sân bay nội địa Trung Quốc sẽ có thể mang theo 1 liên đội bay hỗn hợp gồm 50 máy bay J-15B và các máy bay chiến đấu khác, liên đội bay này có thể gồm có máy bay chiến đấu J-15B, máy bay trực thăng cảnh báo sớm Z-8 hoặc Ka-31.

Máy bay chiến đấu J-15 tập cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh
Máy bay chiến đấu J-15 tập cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh

Trong tương lai, tàu sân bay nội địa Trung Quốc thậm chí có thể có khả năng tấn công tàng hình: Tàu sân bay mới sẽ mang theo 25 - 27 máy bay chiến đấu tàng hình J-20, dự kiến, loại máy bay chiến đấu này sẽ thay thế J-15B, trở thành máy bay chiến đấu tấn công của tàu sân bay thế hệ mới Trung Quốc.

Trang mạng "Strategy Page" Mỹ quan tâm đến hoạt động huấn luyện phi công tàu sân bay của Trung Quốc, cho rằng: "Trung Quốc đang lấy chương trình đào tạo nhà du hành vũ trụ làm nến tảng, tiến hành tuyển dụng và đào tạo phi công tàu sân bay. Ở đây bao gồm tìm kiếm ứng viên từ học sinh cấp 3 để khi họ tốt nghiệp cấp 3 thì có thể nhanh chóng bắt đầu chương trình huấn luyện lâu dài".

Thể hiện thực lực

Hãng AFP có bài viết "Tàu sân bay Trung Quốc thể hiện tham vọng hải quân" cho rằng: "Tàu sân bay là một tiêu chí của hải quân nước lớn", mục tiêu của Trung Quốc là vượt qua Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và cuối cùng sánh vai với Hải quân Mỹ. Điều này phải mất vài chục năm và vài tỷ USD để xây dựng nhiều cụm chiến đấu tàu sân bay.

Máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2011 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2011 Trung Quốc

Nhà nghiên cứu James Hardy và Lee Willett của tờ "Jane's Defense Weekly" Anh cho rằng, Quân đội Trung Quốc cũng ý thức được "ý nghĩa tượng trưng quan trọng của thực lực tàu sân bay trong giành lấy vị thế toàn cầu". Họ cho rằng, về trung và dài hạn, Trung Quốc sẽ muốn “tăng cường hiện diện trên toàn thế giới” để bảo đảm lợi ích của họ về tài nguyên, thị trường và hàng hải, “vì vậy cần triển khai hiện diện hải quân rộng”.

Tờ “Maeil Business Newspaper” Hàn Quốc cho rằng, Trung Quốc gần đây đang dùng các loại hình thức để kỷ niệm lịch sử năm Giáp Ngọ, không quên “quốc nhục”. Xây dựng hải quân được coi trọng hơn, chiếc tàu sân bay đầu tiên đã biên chế, dự kiến mục tiêu đầu tiên của họ chính là đoạt lấy đảo Senkaku từ tay Nhật Bản.

Trung Quốc đẩy nhanh cải tạo và chế tạo tàu sân bay làm cho truyền thông Nhật Bản lo ngại. Tờ “Nghiên cứu quân sự” Nhật Bản từng tưởng tượng ra tình huống - máy bay hải quân Trung Quốc cất cánh từ tàu sân bay, tấn công hệ thống phòng không của Nhật Bản.

Theo mô tả của bài báo, khi máy bay không rõ quốc tịch tiếp cận Khu nhận biết phòng không Nhật Bản khoảng 161 km, radar và máy bay cảnh báo sớm của Nhật Bản lập tức hướng dẫn cho máy bay chiến đấu cất cánh đánh chặn. Nhưng, hệ thống cảnh báo sớm trên không này rất khó ứng phó máy bay trang bị cho tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2012 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2012 Trung Quốc

Bài viết phỏng đoán, cụm chiến đấu tàu sân bay tương lai của Quân đội Trung Quốc có khả năng vượt qua chuỗi đảo Okinawa, tiến ra Thái Bình Dương, triển khai ở vùng biển quốc tế lân cận khu vực quần đảo Izu.

Máy bay chiến đấu J-20 cất cánh ở đó, chỉ cần vài chục giây là có thể bay vào không phận Nhật Bản, điều này sẽ làm chấn động hệ thống phòng không hiện có của Nhật Bản.

Trong khi đó, J-20 có tính năng tàng hình, sức chiến đấu trong tương lai không thể dự đoán, hệ thống phòng không của Nhật Bản cần tiến hành cải cách, nếu không sẽ chịu thiệt lớn trong tương lai.

Việt Dũng