Metro VN bị “thôn tính”: Lời cảnh báo cho các đại gia siêu thị Việt

11/08/2014 07:12
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo ông Vũ Vinh Phú, doanh nghiệp bán lẻ trong nước có lý do để lo lắng trước làn sóng thâu tóm siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ của ông chủ người Thái...

Cú “xóa điểm” nghi án ngoạn mục của Metro Việt Nam

Không chỉ là tin đồn, hệ thống siêu thị Metro Việt Nam đã chính thức thuộc về tay ông chủ mới người Thái Lan - Dhanin Chearavanont, chủ tịch kiêm CEO của C.P Group.

Chủ tịch Tập đoàn Metro (Đức) cho hay, hãng đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú người Thái Lan Chearavanont về việc chuyển nhượng kinh doanh bán buôn 19 trung tâm Metro tại Việt Nam. Tổng giá trị của thương vụ là 879 triệu USD (khoảng 18.459 tỷ đồng) và dự kiến sẽ được hoàn tất đầu năm 2015.

Việc Metro Việt Nam bị bán cho BJC vẫn là dấu hỏi lớn nhất là khi Metro cùng với Big C (Pháp) đang chiếm thị phần tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Hiện Metro Cash&Carry Việt Nam có 19 trung tâm trên cả nước với 3.600 nhân viên. Trong tài khóa 2012-2013, doanh thu hoạt động của doanh nghiệp này tại Việt Nam đạt 692 triệu USD (14.500 tỷ đồng).

Không chỉ là tin đồn, chính thức hệ thống siêu thị Metro Việt Nam thuộc về tay ông chủ mới người Thái Lan với giá 879 triệu USD (khoảng 18.459 tỷ đồng)
Không chỉ là tin đồn, chính thức hệ thống siêu thị Metro Việt Nam thuộc về tay ông chủ mới người Thái Lan với giá 879 triệu USD (khoảng 18.459 tỷ đồng)

Tuy nhiên ở góc nhìn người trong ngành, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng việc Metro bị bán cho BJC lúc này không khiến ông bất ngờ. Metro bị bán cho BJC vì 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất Metro dù có 19 điểm bán hàng nhưng khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, Metro hướng đến là siêu thị bán buôn chứ không phải siêu thị bán lẻ, trong khi thực tế Metro vẫn bán lẻ khoảng 30%, đây là mâu thuẫn trong chiến lược kinh doanh của Metro

Thứ hai Metro đang bị dính nghi án chuyển giá. “Đây liệu có phải một cú xóa điểm ngoạn mục không? Hiệp hội bán lẻ Việt Nam đã chính thức đề nghị làm rõ nghi vấn chuyển giá của Metro vì 10 năm liên tục Metro liên tục kêu lỗ, không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong khi vẫn phát triển mở rộng mạng lưới.

Ai biết doanh số hàng năm của Metro là bao nhiêu? Ai biết giá thành hàng hóa, chi phí đầu vào bao nhiêu, tại sao lại lỗ…? Hoàn toàn những vấn đề này không minh bạch, chỉ Metro và tổng cục thuế mới biết. Vì vậy việc bán cho ông chủ mới, Metro nhằm xóa đi nghi án chuyển giá trốn thuế của mình”, ông Phú nhận xét.

Việc Metro bị bán cho ông chủ người Thái càng chứng tỏ đại gia siêu thị này không am hiểu thị trường Việt Nam bằng Thái Lan.

Thực tế Metro Việt Nam được bán cho BJC trong bối cảnh thua lỗ nhiều năm trong suốt hơn 12 năm hoạt từ 2002 đến 2014, Metro liên tục báo lỗ ngoại trừ năm 2010 doanh nghiệp này công khai khoản lãi 116 tỷ đồng.

Thua chính Thái Lan trên sân nhà

Được biết trước khi có cuộc thâu tóm Metro Việt Nam, Tập đoàn BJC của ông chủ người Thái Chearavanont đã “đánh bật” Family Mart Nhật Bản ra khỏi liên doanh Family Mart tại Việt Nam và nhảy vào thế chân. Chuỗi cửa hàng tiện lợi này được đổi tên thành B'mart. 

Phân tích vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú cho rằng các ông chủ người Thái đã âm thầm nghiên cứu thị trường bán lẻ Việt Nam từ hơn chục năm này. “Họ nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam qua hội trợ hàng Thái Lan ở các tỉnh thành phố, bằng việc bán hàng cho du khách người Việt khi đi du lịch tại Thái Lan, hay thông qua các cửa hàng bán hàng Thái tại Việt Nam”, ông Phú nhận định.

Một vấn đề nữa cho thấy cách làm bài bản chuyên nghiệp của Thái Lan trước khi thực hiện mua thương hiệu lớn như Metro: Ông chủ người Thái Chearavanont đã thử nghiệm kỹ, cụ thể sau khi thôn tính Family Mart, BJC đã tăng số lượng hàng Thái chiếm tới 70% tại hệ thống siêu thị này, lượng hàng Thái tiêu thụ tại đây tốt, người Việt ưa chuộng. Đây chính là cơ sở ban đầu cho cuộc thâu tóm Metro sau này.

Hàng hóa Thái Lan giá thành chỉ đắt hơn hàng Việt một chút nhưng chất lượng, mẫu mã được người tiêu dùng Việt ưa chuộng vì thế việc hàng Thái Lan dễ dàng thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam là điều tất yếu.

Từ những phân tích trên, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, nhiều siêu thị bán lẻ lớn tại Việt Nam đang có nguy cơ bị thôn tính rất lớn với siêu thị Việt Nam, hiện nay hầu hết doanh nghiệp nội co cụm để chống đỡ làn sóng tràn vào đầu tư của các tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới Lotte, E-Mart Co, Aeon, Auchan…

Cũng theo ông Phú, siêu thị Việt đang có 4 điểm yếu cố hữu từ lâu vẫn chưa được khắc phục:

Thứ nhất vốn nhỏ bé, vay lãi suất cao các nước 1% - 2%  mình dù hạ lãi suất vẫn trên 10%... như vậy về vốn đã thua. 

Thứ hai về chiến lược. Siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không có chiến lược rõ ràng. Mở siêu thị miễn sao bán được hàng không có chiến lược dài hạn.

“Đua nhau mở siêu thị theo kiểu phong trào thấy người ta mở siêu thị mình cũng mở siêu thị, bán được là tốt rồi. Anh không biết 5 năm, 10 năm nữa chuỗi siêu thị của mình đến đâu, chiếm lĩnh bao nhiêu thị trường, phân khúc khách hàng nào…Cái đấy không hề có”, ông Phú nói.

Thứ ba là quản trị doanh nghiệp yếu dẫn tới lãng phí, tiêu cực, hiệu xuất kém. “Tôi biết có những công ty bán lẻ quản lý siêu thị lỗ hàng 3 – 4 tỉ đồng mà chưa tìm rõ nguyên nhân. Cùng với đó nguồn nhân lực làm siêu thị kém không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp văn hóa kinh doanh phục vụ kém cả ngày không cám ơn được câu nào”, ông Phú cho biết.

Thứ tư liên kết siêu thị nội kém, câu chuyện 10 siêu thị cử người đi mua dầu ăn thay vì chỉ cần 1 siêu thị đi mua, cách làm ăn manh mún, mệnh ai nấy lo. Thực tế khi tham gia hiệp hội, ông chủ siêu thị Việt chỉ nghĩ cho vui còn sự hợp tác bắt tay nhau rất kém bản chất tiểu nông nằm ngay siêu thị Việt Nam vì thế sức mạnh tổng hợp của siêu thị Việt Nam không phát triển được.

“Trong khi đó BJC là tập đoàn lớn với hàng trăm siêu thị tại Thái Lan, họ có kinh nghiệm vốn liếng lớn, việc thâu tóm Metro không lo ngại bằng hậu kỳ khi họ cạnh tranh với siêu thị Việt. Tôi nghĩ không phải siêu thị Việt thua doanh nghiệp Đức, Pháp hay Mỹ mà thua chính người Thái trên sân nhà”, ông Phú nhận định.

Hoàng Lực