Việt Nam yêu cầu thêm từ "nghiêm trọng" vào tuyên bố về Biển Đông

11/08/2014 13:58
Hồng Thủy
(GDVN) - Dự thảo ban đầu không có từ "nghiêm trọng", nhưng sau đó đã được thêm vào trong phiên bản cuối cùng theo yêu cầu của Việt Nam.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh làm trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và Diễn đàn An ninh khu vực ARF. Ảnh: VOV.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh làm trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và Diễn đàn An ninh khu vực ARF. Ảnh: VOV.

Kyodo News ngày 10/8 đưa tin, Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về những căng thẳng trên Biển Đông trong một tuyên bố chung đưa ra chiều Chủ Nhật tại Naypyidaw, Myanmar.

Trong lúc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi một lập trường hung hăng với yêu sách chủ quyền lãnh thổ (vô lý, phi pháp) của họ trong khu vực, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã bày tỏ lo ngại. Dự thảo ban đầu không có từ "nghiêm trọng", nhưng sau đó đã được thêm vào trong phiên bản cuối cùng theo yêu cầu của Việt Nam.

Tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải cũng như hàng không ở Biển Đông, thúc giục các bên giải quyết căng thẳng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với nguyên tắc được luật pháp quốc tế thừa nhận.

Dự thảo ban đầu cũng bao gồm nội dung thể hiện mối quan tâm của ASEAN về những căng thẳng hiện nay trên biển Hoa Đông, nhưng nội dung kêu gọi các bên liên quan ở Hoa Đông "kiềm chế các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng và thay đổi hiện trạng" đã bị xóa trong tuyên bố chính thức.

Theo các nhà ngoại giao, một số nước thành viên ASEAN có quan hệ thân với Trung Quốc như Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan đã yêu cầu rút bỏ nội dung này trong khi Philippines, Singapore và Việt Nam yêu cầu giữ lại. Indonesia và Malaysia không bày tỏ thái độ về vấn đề này, quan chức ngoại giao giấu tên nói với Kyodo News.

Vấn đề Biển Đông cũng bao trùm nội dung Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), trong đó nhiều Ngoại trưởng đề cập đến yêu cầu cấp thiết phải có một cơ chế giảm nguy cơ tính toán sai lầm thông quan tham vấn và thực hiện các biện pháp hòa bình tránh các tình huống có thể leo thang thành khủng hoảng.

Họ cũng nhấn mạnh rằng các nước trong khu vực phải chịu trách nhiệm đảm bảo sự an toàn của tuyến hàng hải huyết mạch toàn cầu. Cách tiếp cận đơn phương và ngày một hung hăng của Trung Quốc mà điển hình nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã dẫn đến một mối quan ngại ngày càng gia tăng trong khu vực.

Hồng Thủy