3 việc lớn của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sau hơn 1 năm ngồi "ghế nóng"

12/08/2014 07:00
Hồng Minh
(GDVN) - Quyết liệt, mạnh mẽ Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng được ghi nhận đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý giá, tăng thu ngân sách, giảm thủ tục thuế.

Tháng 5/2013 với 71,2 % phiếu tán thành, Quốc hội đã bầu ông Đinh Tiến Dũng - nguyên Tổng kiểm toán nhà nước - giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trải qua hơn 1 năm, những lo lắng cho tân Bộ trưởng ông Đinh Tiến Dũng tạm qua đi khi bằng nỗ lực quyết tâm, nhiều vấn đề tồn tại của ngành Tài chính đang được tháo gỡ.

Thời điểm ông Đinh Tiến Dũng được bầu giữ ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính, kinh tế khó khăn, ngân sách sụt giảm, ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính vẫn nóng từng ngày với những sức ép lớn. Trong khi người tiền nhiệm của ông - nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ - cũng chỉ ngồi ghế nóng trong thời gian ngắn ngủi trước khi được phân công nhiệm vụ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời"
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời"

Từ năm 2008, Nghị định số 118/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính đã xác định nhiệm vụ của Bộ là cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, bao gồm: ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, tài sản nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Tính liên ngành trong công việc là một trong những đặc thù trong công việc của Bộ Tài chính. Cho dù theo quy định chung của pháp luật, thông thường mỗi bộ chỉ có 4 thứ trưởng, thì riêng Bộ Tài chính đã có tới 9 thứ trưởng, tính thêm Bộ trưởng là 10 nhân sự lãnh đạo cấp cao.

Một bộ máy lớn, đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng quản lý nhà nước về mặt tài chính, trong khi đó hầu hết chi phí quan trọng đều xẻ từ nguồn ngân sách, nhiệm vụ của tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là làm gì để hài hòa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, các lợi ích quốc gia và các lợi ích ngành, địa phương… 

Sau một năm ngồi “ghế nóng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng được ghi nhận đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, điều hành giá cả thu - chi ngân sách, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó là những tuyên bố mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính ngành thuế và hải quan.

Có thể liệt kê 3 kết quả thành công nhất mà Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cùng ngành tài chính đã làm được.

Thứ nhất quyết liệt điều hành giá sữa bột cho trẻ em. Mặc dù 21/6 mới là thời điểm các doanh nghiệp sữa phải áp dụng quy định mới về trần giá sữa, song ngay từ đầu tháng 6, nhiều sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm giá, mức giảm từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn đồng/hộp. 

Như vậy sau bao năm chỉ tăng, đây là lần đầu tiên giá sữa bột giảm, “cây đũa thần” giá trần sữa của Bộ Tài chính giúp rất nhiều gia đình của Việt Nam có thể tiết kiệm một phần không nhỏ chi phí sinh hoạt mà vẫn đảm bảo con em mình được sử dụng sữa đảm bảo chất lượng.

Đánh giá kết quả này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận tại phiên chất vấn ngày 11/6: “Về công tác kiểm soát giá, Quốc hội hoan nghênh Bộ Tài chính, Chính phủ đã có những biện pháp cần thiết tổ chức thực hiện Luật Giá của Quốc hội mới ban hành năm ngoái và công tác kiểm soát giá đã có tăng cường. Đề nghị Bộ trưởng và các ngành liên quan tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp tới đời sống của người dân để chúng ta có biện pháp kiểm soát giá cả, có biện pháp bình ổn thị trường cho những mặt hàng này, đảm bảo quyền lợi của người dân”. 

Thứ hai tăng thu ngân sách, kiểm soát giá cả, lạm phát là một trong những kết quả của ngành Tài chính dưới sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sau một năm nhậm chức. Kế thừa và tiếp nối những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt của những lãnh đạo tiền nhiệm, công tác thu, chi ngân sách cũng đã đạt được những kết quả tích cực. 

Theo đó, nhiệm vụ thu ngân sách năm 2013 được dự báo hụt nặng, song cuối năm đã vượt thu 0,7%. Đánh giá về kết quả này, Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm nhận xét, khả năng tăng thu, tận thu của ngành Tài chính là rất tích cực, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với vô vàn khó khăn, doanh nghiệp thua lỗ, giải thể, phá sản hàng loạt. 

Sự chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp của ngành Tài chính một lần nữa được khẳng định bằng hàng loạt những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại tại Bình Dương, Hà Tĩnh do một số đối tượng quá khích gây ra.

Đó là chỉ đạo ngành Thuế, Hải quan bố trí cán bộ, làm thêm giờ để thực hiện ngay việc giảm, giãn một số loại thuế, tạo điều kiện thông quan trong trường hợp doanh nghiệp cần nhập khẩu bổ sung thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu. Đó là chỉ đạo cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm làm việc với các doanh nghiệp bảo hiểm thống kê thiệt hại, bồi thường bước đầu cho doanh nghiệp.

Thứ ba cam kết giảm thủ tục hành chính thuế và hải quan, vấn đề thủ tục thuế lâu nay gây bức xúc cho doanh nghiệp đã được đích thân Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải đáp trong chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời".

Trước đó, tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ Nghị quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó tập trung mạnh mẽ vào nội dung cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bắt đầu từ tháng 9/2014, nếu thực hiện được các giải pháp này sẽ giảm 290 giờ kê khai nộp thuế trên tổng số 537 giờ theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB) trong năm 2012 vừa qua.

Bộ cũng sẽ rà soát bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây khó khăn phiền hà cho người nộp thuế, giảm thời gian kê khai và nộp thuế. Về giảm thời gian thông quan của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, phấn đấu từ nay đến ngày 15/8 các văn bản sẽ có hiệu lực, phấn đấu giảm thời gian cụ thể là 201 giờ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi các chỉ tiêu kê khai thuế giá trị gia tăng, phấn đấu giảm 156 giờ. Tiếp đến là khắc phục sự khác biệt giữa doanh thu kế toán và doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm được khoảng 35 giờ. Cùng với đó là khắc phục khác biệt sự ghi nhận giữa chi phí kế toán với chi phí tính thuế giảm được khoảng 10 giờ và đẩy mạnh kê khai nộp thuế điện tử sẽ giảm được khoảng 23 giờ.

Mặt khác Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ và ngày 7/8/2014 đã ký và gửi sang Bộ Tư pháp để thẩm định Nghị định sửa một số nội dung Nghị định của Chính phủ. Theo đó, sẽ giảm được khoảng 88 giờ đối với số lần kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp theo quy định hiện nay là 17 lần trong 1 năm sẽ giảm còn 5 lần trong 1 năm. 

Đã từng thành công trong công tác quản lý giá, tăng thu ngân sách... người dân đang tin tưởng dưới sự điều hành của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thành công với việc giảm thủ tục thuế và hải quan cho doanh nghiệp ngày trong tháng 9 tới, giúp doanh nghiệp có điều kiện sản xuất kinh doanh tốt hơn.

Hồng Minh