Mỹ ủng hộ Tân Tổng thống, ngầm phê phán Thủ tướng Iraq

12/08/2014 11:10
Việt Dũng
(GDVN) - Thủ tướng Iraq Maliki tuyên bố sẽ khởi kiện Tân Tổng thống Iraq Fuad Masum không đề cử ứng viên Thủ tướng, nhưng Mỹ tuyên bố ủng hộ ông Fuad Masum.
Tân Tổng thống Iraq Fuad Masum
Tân Tổng thống Iraq Fuad Masum

Thủ tướng Iraq Maliki ngày 10 tháng 8 cho biết, ông sẽ khởi tố Tân Tổng thống Fuad Masum vi phạm Hiến pháp và đã điều lực lượng an ninh đóng ở Baghdad.

Tối ngày 10 tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố cho biết, hoàn toàn ủng hộ Tân Tổng thống Fuad Masum. Cùng ngày, một số nhân viên ngoại giao Mỹ rút khỏi Baghdad và Erbil, Quân đội Mỹ tiếp tục tiến hành không kích đối với tổ chức vũ trang cực đoan.

Đêm ngày 10 tháng 8, trên đài truyền hình, Thủ tướng Iraq Maliki tuyên bố, ông sẽ sử dụng tư cách Thủ tướng, chính thức kiện Tổng thống Fuad Masum vi phạm Hiến pháp lên tòa án liên bang.

Ông Maliki cho rằng, ông Fuad Masum không đề cử đúng hạn ứng cử viên Thủ tướng và tiến hành thành lập nội các, không chỉ vi phạm Hiến pháp mà còn có thể gây “hậu quả nghiêm trọng” cho toàn vẹn lãnh thổ và độc lập quốc gia. Ông cho biết, bản thân sẽ không chịu khuất phục bởi sức ép, sẽ không từ bỏ nhiệm kỳ Thủ tướng thứ ba của mình.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4 năm nay, “Liên minh nhà nước pháp trị” do ông Maliki lãnh đạo đã giành được đa số ghế. Theo Hiến pháp Iraq, Quốc hội khóa mới sẽ bầu ra Tổng thống, sau đó Tổng thống ủy nhiệm cho đảng chiếm đa số ghế trong Quốc hội đề cử Thủ tướng và thành lập nội các. Ngày 24 tháng 7, ông Fuad Masum trúng cử Tổng thống Iraq nhiệm kỳ mới, nhưng ông trì hoãn để cho ông Maliki thành lập nội các.

Thủ tướng Iraq Maliki
Thủ tướng Iraq Maliki

Việc Thủ tướng tuyên bố kiện Tổng thống cũng phản ánh tình trạng bế tắc chính trị hiện nay của Iraq. Do các phe phái bất đồng tương đối lớn, việc thành lập chính phủ mới tiếp tục trì hoãn.

Nhiều đảng phái trong Quốc hội thậm chí không đồng ý để ông Maliki lần thứ ba làm Thủ tướng. Việc chính quyền Trung ương yếu kém và việc thành lập nội các mới bị trì hoãn đã tạo điều kiện và cơ hội cho tổ chức cực đoan ở Iraq trỗi dậy.

Đối với tình hình này, ngày 10 tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố cho biết, kiên quyết ủng hộ Tân Tổng thống Fuad Masum. Tuyên bố cho biết, Mỹ đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển của tình hình, đồng thời duy trì trao đổi với các nhà lãnh đạo Iraq. Mỹ phản đối bất cứ hành vi nào lạm dụng pháp luật.

Tuyên bố còn cho biết, Mỹ sẽ ủng hộ Iraq thành lập một tân chính phủ mang tính bao dung. Một chính phủ đại diện cho ý nguyện các phe phái của Iraq tiếp tục tấn công ISIS.

Trong một tuyên bố khác, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, xét tới tình hình an ninh hiện nay, Mỹ quyết định tạm thời rút một phần nhân viên ngoại giao khỏi sứ quán ở Baghdad và lãnh sự quán Erbil, chuyển sang lãnh sự quán Basra và khu vực như Amman.

Mỹ không kích mục tiêu của các phần tử vũ trang ISIS Iraq
Mỹ không kích mục tiêu của các phần tử vũ trang ISIS Iraq

Tuyên bố còn cho biết, việc rút nhân viên lần này sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của Sứ quán ở Baghdad và lãnh sự quán Erbil. Tuyên bố còn cảnh báo công dân Mỹ rằng, tình hình Iraq hiện nay vẫn “rất nguy hiểm”, công dân Mỹ có nguy cơ bị bắt cóc và tấn công bạo lực.

Ngày 10 tháng 8, Mỹ tiếp tục tiến hành không kích ở khu vực Erbil. Nguồn tin từ Bộ tư lệnh Trung tâm, Quân đội Mỹ cho biết, Mỹ cùng ngày điều động máy bay chiến đấu và máy bay không người lái tiến hành vài đợt không kích đối với nhân viên vũ trang ISIS, đã phá hủy vài xe ô tô.

Việt Dũng