Báo quân đội Trung Quốc: Mỹ không còn danh dự ở Iraq

12/08/2014 06:57
Việt Dũng
(GDVN) - Tình hình khu vực phức tạp, nội bộ Iraq mâu thuẫn, thực lực quân sự giảm đi, đồng minh ít ủng hộ, nội bộ Mỹ phản đối chiến tranh... đang chi phối hành động Mỹ.
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ (ảnh minh họa)
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ (ảnh minh họa)

Báo"Giải phóng quân" của TQ ngày 11 tháng 8 có bài viết cho rằng, Mỹ chỉ tiến hành không kích, không điều động lực lượng mặt đất, nhiều lần cho biết sẽ “không quay trở lại” có nhiều mặt “khó nói” ở phía sau.

Một là tình hình khu vực phức tạp, khó giải quyết. Hiện nay, nguyên nhân của tình hình bất ổn ở Iraq rất phức tạp: hậu quả từ việc Mỹ bỏ qua Liên hợp quốc phát động chiến tranh Iraq, các nước phương Tây ủng hộ phe đối lập Syria; trong nội bộ Iraq, chính quyền dòng Shia thực hiện chính sách chèn ép dòng Sunni không thỏa đáng đem lại cơ hội cho ISIS; do tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, các phần tử cực đoan trên thế giới ngày càng nhiều.

Trong tình hình này, một loạt nỗ lực xây dựng môi trường an ninh, hòa bình, ổn định khu vực của Chính phủ Mỹ đều rơi vào kết cục đáng hổ thẹn. Tình hình “thế chân vạc” giữa chính quyền dòng Shia, người Kurd và ISIS ở Iraq hiện nay dần dần hình thành. Mỹ đã nhận thức đầy đủ rằng, việc can thiệp quân sự từ bên ngoài một cách đơn thuần khó mà mang lại sự ổn định cho khu vực, không muốn “quay trở lại” là hợp lý.

Hai là thực lực giảm đi, lòng dân khó trái. Nếu tình hình khu vực phức tạp là nguyên nhân bên ngoài để Mỹ không sẵn sàng can thiệp, thì ngân sách tài chính “giật gấu vá vai” và những lời kêu gọi chống chiến tranh ở nội bộ Mỹ lên cao đã làm cho Mỹ từ chối điều động lực lượng mặt đất.

Binh sĩ Mỹ
Binh sĩ Mỹ

Mỹ buộc phải co cụm lực lượng trên phạm vi toàn cầu, trong 10 năm tới có kế hoạch cắt giảm 1.000 tỷ USD chi tiêu quân sự, khó có nguồn lực để xuất binh “quay trở lại” Iraq. Mặt khác, chiến tranh Iraq đã khiến cho vài nghìn binh sĩ Mỹ thiệt mạng, bị người dân phản đối sử dụng lực lượng mặt đất.

Trong bối cảnh đó, ngay từ năm 2013, Tổng thống Obama đã đưa ra chiến lược chống khủng bố mới “tấn công chính xác bằng máy bay không người lái, quan hệ đối tác hiệu quả, tiếp xúc ngoại giao và viện trợ”, trong khi đó, từ khi ISIS bắt đầu làm loạn đến nay, biện pháp ứng phó của Quân đội Mỹ luôn đi theo chiến lược này.

Ba là danh dự không còn, đồng minh khó tìm. Những năm gần đây, một loạt cuộc chiến tranh và hành động can thiệp đối với bên ngoài của Mỹ đã mất uy tín quốc tế và sức hiệu triệu của Mỹ. Anh, nước từng tham chiến Iraq đến “sứt đầu mẻ trán” cho biết, “sẽ không tham gia các hành động quân sự ở Iraq”, làm cho Mỹ mất đi một người ủng hộ trụ cột.

Đứng trước Iran, nước có thái độ tích cực trong vấn đề tấn công ISIS, Mỹ vừa khó từ bỏ ân oán lịch sử, vừa không muốn để đối phương tăng cường vai trò ảnh hưởng ở khu vực, hai nước trở thành đối tác hợp tác thực sự là vô vàn khó khăn. Như vậy, do không tìm được đồng minh, Mỹ từ chối “quay trở lại” Iraq, hầu như không có gì ngạc nhiên.

Binh sĩ Quân đội Mỹ
Binh sĩ Quân đội Mỹ
Việt Dũng