10 công dân Việt Nam đang sinh sống trong vùng dịch Ebola

12/08/2014 07:04
Hồng Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Theo báo cáo của cơ quan sứ quán Việt Nam tại Nigieria, đến nay trong số 10 công dân đang ở trong vùng dịch, chưa có trường hợp nào có biểu hiệu mắc bệnh...

Sẽ có vắc xin chống vi rút Ebola vào năm 2015

Tờ Tuổi trẻ đưa tin, chuyên gia WHO Jean-Marie Okwo Bele phụ trách mảng vắc xin cho biết hãng dược Anh GlaxoSmithKline sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin chống vi rút Ebola vào tháng tới.
 
“Kể từ khi đại dịch xảy ra, chúng tôi đã áp dụng quy trình khẩn cấp. Do đó có thể hi vọng vắc xin chống vi rút Ebola sẽ có mặt vào năm 2015”, chuyên gia Bele cho biết.
 
Phó tổng giám đốc WHO Marie-Paule Kieny cảnh báo vắc xin chống Ebola nào cũng sẽ không được được kiểm tra và thử nghiệm một cách kỹ càng trước khi được đưa ra thị trường như các loại vắc xin khác.
 
WHO sẽ phải hạ các tiêu chuẩn thử nghiệm để cho phép vắc xin chống vi rút Ebola. Ví dụ loại vắc xin này chỉ cần cho kết quả tốt ở một nhóm nhỏ người trải qua thử nghiệm là sẽ được tung ra thị trường để đối phó với đại dịch ở Tây Phi.

Dù vậy bà Kieny cho biết sẽ phải thử nghiệm vắc xin một cách cẩn trọng hết mức có thể nhằm ngăn chặn nguy cơ sử dụng thuốc có nhiều tác dụng không thể lường trước. “Nếu chúng ta sử dụng một cách mù quáng thì sẽ không xác định được vắc xin có tác dụng hay không”, bà Kieny cảnh báo.
 
Hiện các hãng dược đang thử nghiệm một số vắc xin chống Ebola. Trong đó loại thuốc ZMapp của hãng  Mapp Biopharmaceutical đã cho thấy những kết quả tích cực.

Xác định nạn nhân đầu tiên của đại dịch Ebola


Tờ Chinhphu.vn đưa tin, các nhà nghiên cứu dịch bệnh Ebola mới đây cho biết, bệnh nhân đầu tiên phát tán dịch bệnh Ebola rất có thể là một bé 2 tuổi tại thành phố Gueckedou phía Đông Nam Guinea.

Đây được xem là điểm nằm trên ngã 3 biên giới của các nước Guinea, Sierra Leone và Liberia và cả 3 quốc gia này đang là những điểm nóng nhất với đại dịch Ebola.

Em bé 2 tuổi người Guinea đã chết ngày 6/12 năm ngoái. Rất nhanh sau đó, gia đình của bé và các y tá, bác sĩ đều chết sau hàng loạt triệu chứng sốt, nôn mửa và tiêu chảy khó hiểu. Dịch bệnh Ebola chỉ được nhận diện 3 tháng sau đó.

Thời điểm em bé tử vong, các bác sĩ địa phương không ghi nhận đây là trường hợp nhiễm Ebola, tuy nhiên với các biểu hiện nôn mửa, tiêu chảy và sốt, các nhà khoa học tin rằng đây chính là điểm khởi đầu của đại dịch.

Không dừng lại ở gia đình xấu số, trong đám tang của bà cậu bé, nhiều người đến đưa tang đã chạm vào thi thể và 2 trong số họ đã đem virus ra khỏi làng Guéckédou về nơi mình sinh sống.

Dần dần virus cứ thế lan đi. Mãi đến khi các chuyên gia y tế phát hiện kẻ giết người là virus tử thần Ebola thì dịch bệnh đã lan tới ít nhất tám thị trấn trong vùng. Guéckédou là khu vực nằm ở biên giới với cả Sierra Leone và Liberia. Do đó, virus Ebola đã có đường tiến vào cả ba quốc gia Tây Phi.

Hiện nay, các cơ quan chức năng chưa thể xác minh được nguyên nhân nhiễm bệnh của nạn nhân số 0, các khả năng đã được đưa ra như ăn phải hoa quả nhiễm khuẩn hoặc lây lan qua động vật nhưng chưa thể xác định cụ thể.

10 công dân Việt Nam đang sinh sống trong vùng dịch Ebola

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Ebola chiều 11/8, đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho rằng, dịch Ebola hết sức nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm và tỷ lệ tử vong cao. Do đó, Chính phủ đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành liên quan phải quyết tâm ngăn chặn dịch vào Việt Nam.

Trong trường hợp có dịch vào Việt Nam, Bộ Y tế phải phối hợp với các bộ ngành liên quan lên phương áp đối phó nhằm ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó trưởng phòng Quan hệ lãnh sự, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho biết, hiện có 15 công dân Việt Nam đang sinh sống ở Nigieria - 1 trong 4 quốc gia đang chịu nhiều tổn thất của dịch bệnh Ebola. Trong đó, có 5 công dân ở ngoài vùng dịch và 10 công dân ở trong vùng dịch.

Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan sứ quán Việt Nam tại Nigieria, đến nay trong số 10 công dân đang ở trong vùng dịch, chưa có trường hợp nào có biểu hiệu mắc bệnh do virus Ebola.

Đánh giá về sự việc trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Cục Lãnh sự phải tiếp tục theo dõi sát các trường hợp đang sinh sống ở những nước có dịch, để kịp thời có hướng điều trị, chăm sóc cũng như cách ly, tránh tình trạng lây lan cộng đồng.

Tại 3 quốc gia còn lại (Maroc, Guinea, Siriea Leone), Bộ Ngoại giao đã có công điện đến các đại sứ quán hướng dẫn cho các công dân Việt Nam sinh sống tại đó tích cực chủ động phòng chống dịch.

Đồng thời, yêu cầu các đại sứ quán cập nhật số công dân đang sinh sống ở các quốc gia có dịch báo cáo về Bộ. Nếu có các trường hợp bất thường phải có báo cáo kịp thời. Đặc biệt, trong trường hợp xấu nhất, có thể rút nhân viên ngoại giao về nước.

Đối với ngành du lịch, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Bộ VHTTDL) cho biết, đến thời điểm này, dịch bệnh Ebola ít nhiều có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành, hiện không có du khách ở Việt Nam sang các nước Tây Phi, số người sang khu vực này chủ yếu là đối tượng xuất khẩu lao động.

Ngoài ra, số lượng khách du lịch ở Tây Phi đến Việt Nam cũng rất ít, chủ yếu là những trường hợp quá cảnh, đi qua Việt Nam để sang Thái Lan hoặc một số nước khác trong khu vực.

Đến nay, Bộ VHTTDL đã tạm dừng đưa khách đến quốc gia có dịch, đồng thời đã chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn có biện pháp phòng chống, tránh lây lan mà vẫn đảm bảo hoạt động của ngành.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Cục quản lý lao động nước ngoài (Bộ LĐTBXH) cho biết, Cục đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp không đưa lao động sang vùng có dịch hoặc có khả năng lây lan dịch; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp nhắc nhở lao động đang ở vùng dịch cần chủ động có biện pháp phòng ngừa, nếu có vấn đề cần thông báo ngay với người sử dụng lao động, cơ quan y tế để được cách ly, hỗ trợ kịp thời.

Hồng Anh (Tổng hợp)