Đàm Vĩnh Hưng: Tôi đâu đợi đến lúc U60 để theo kiểu 'dở ông dở thằng'

13/08/2014 08:02
Gia Linh
(GDVN) - 'Tôi phải tính toán chứ, đâu thể đợi tới lúc U50, U60 mà cứ diễn đồ lòe loẹt nhảy tưng tưng theo kiểu dở ông dở thằng được'.

Nhạc xưa lên ngôi trong nhiều cuộc thi tìm kiếm giọng hát, sao Hàn "lấn lướt" sao Việt ngay trên đất Việt khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Báo Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi thẳng thắn với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng về những vấn đề trên.

- Trong đêm thi trực tiếp thứ 2 của chương trình X-factor diễn ra vào cuối tuần qua (10/8), những thí sinh được bầu chọn nhiều nhất lại là thí sinh hát nhạc vàng, nhạc dân ca như Quang Đại, Hà Vân...theo anh lý do vì sao?

Tôi thấy điều này bình thường thôi mà, khán giả có quyền lựa chọn những gì họ thích chứ.

Những năm gần đây nhạc vàng đã chiếm một vị trí ở thế thượng phong tại các phòng trà cũng như các chương trình ca nhạc. Lý do thì khán giả là người biết rõ hơn tôi, nhưng theo tôi thì với các gameshow, giữa một rừng đầy rẫy những Hip-Hop, Ballad, Techno, Rock…thì bỗng dưng có một bài nhạc vàng được cất lên sẽ làm thay đổi đi biết bao nhiêu cảm xúc.

Không còn bị điếc tai, điếc óc hoặc phải đón nhận quá nhiều kỹ thuật bởi những ca khúc nhạc nhẹ, nhạc nước ngoài…tự nhiên sẽ có một sự dễ chịu, thư giãn đúng nghĩa để nghe, để hiểu nên dĩ nhiên hiệu ứng thuộc về những bài hát đó là cái chắc!.

'Tôi chỉ biết làm những gì nó chạy trong đầu mình thôi. Tôi phải tính toán chứ, đâu thể đợi tới lúc U50, U60 mà cứ diễn đồ lòe loẹt nhảy tưng tưng theo kiểu dở ông dở thằng được'.
'Tôi chỉ biết làm những gì nó chạy trong đầu mình thôi. Tôi phải tính toán chứ, đâu thể đợi tới lúc U50, U60 mà cứ diễn đồ lòe loẹt nhảy tưng tưng theo kiểu dở ông dở thằng được'.

- Nhưng anh có sợ sự lên ngôi của nhạc vàng trong một hai năm trở lại đây sẽ khiến Vpop bị ‘ghẻ lạnh’ trong thời gian tới?

Không đến nỗi thế, xu hướng nghe nhạc bây giờ được phân chia ra thành nhiều phần rất rõ rệt, không còn là tiếng nói chung nữa. Ngày xưa một bài hát mà nổi lên thì ai ai cũng có thể hát theo rõ ràng mà không kén chọn lứa tuổi. Còn bây giờ thì lứa tuổi nào sẽ chọn ‘đồ chơi’ cho riêng mình. Chắc chắn những người thành đạt sẽ không bao giờ mất thời gian với các giọng ca teen teen với những bài hát tầm tầm bậc trung nhưng những ca khúc đó lại luôn làm các khán giả trẻ phát điên.

Có phải vì thế mà mấy năm trở lại đây Đàm Vĩnh Hưng cũng đầu tư rất mạnh cho dòng nhạc xưa song song với dòng nhạc nhẹ?

Tôi chỉ biết làm những gì nó chạy trong đầu mình thôi. Tôi phải tính toán chứ, đâu thể đợi tới lúc U50, U60 mà cứ diễn đồ lòe loẹt nhảy tưng tưng theo kiểu dở ông dở thằng được. Chính vì thế tôi đã chuẩn bị cho mình những con đường phù hợp với mình.

Tôi có cả một dự án nghiêm túc cho nhạc xưa đàng hoàng chứ không làm theo phong trào, tôi có seri cho album nhạc xưa, có liveshow riêng cho dòng nhạc này.

- Nhưng anh nghĩ sao khi mà liveshow 'Khoảnh khắc vàng' diễn ra đêm 6/8, hội tụ 8 ngôi sao nhạc nhẹ hàng đầu của Việt Nam như: Mỹ Tâm, Quang Dũng, Thanh Thảo, Phương Thanh, Đan Trường...và Đàm Vĩnh Hưng nhưng vẫn ế vé? Anh có cảm thấy 'tự ái' không khi truyền thông đưa những thông tin 'thất bại' của mình?

Người ta đâu có nói sai đâu mà phải tự ái, chuyện thường tình thế thôi (cười).

- Liveshow trong nước thì ế ẩm phải hủy show hoặc chấp nhận hát với nhiều hàng ghế trống nhưng theo anh tại sao các tour diễn của sao Hàn Quốc vẫn thu hút được hàng nghìn khán giả? Nghệ sĩ Việt còn thiếu những yếu tố gì trong khi giọng hát và nhan sắc không thua kém ca sĩ các nước bạn?

Nghệ sĩ Hàn bao lâu mới đến Việt Nam một lần? Nghệ sĩ Việt bao lâu mới vắng mặt ở Việt Nam một lần?...Khán giả ngày nào cũng thấy ca sĩ như thấy con cá ngoài chợ có gì hấp dẫn và huyền bí nữa đâu.

Hơn nữa trào lưu Hàn vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh tại Việt Nam và một số nước châu Á và hầu như những show như thế thường là ít khi bán vé nên nhiều người đến xem là điều dễ hiểu. Họ có thương hiệu của nước họ tài trợ hoặc một sản phẩm mới nào đó bỏ tiền ra để mời các ngôi sao tới với mục đích quảng bá.

Chính vì thế việc miễn phí cho khán giả kéo nhau tới xem càng nhiều thì các thương hiệu sẽ được nhận diện dù ít hay nhiều. Nhưng chính vì thế mà dẫn đến tình trạng khán giả được xem miễn phí nhiều chương trình quá nên không mắc mớ gì họ phải bỏ tiền ra mua vé nữa.

Còn nghệ sĩ nước ta, nhiều người tài năng và xinh đẹp lắm chứ nhưng lại thiếu những điều sau đây so với các nghệ sĩ Hàn.

Thứ nhất công nghệ lăng xê và tôn vinh nghệ sĩ ở Việt Nam là 0 điểm trong khi ở Hàn người ta luôn làm quan trọng hóa mọi vấn đề liên quan tới 2 chữ nghệ sĩ (điều này bỗng nhiên giá trị của người ca sĩ lên cao thấy rõ).

Thứ 2, ca sĩ Việt Nam rất 'ghét' đi đúng giờ, đó là điều chúng ta 'hơn' các bạn Hàn một bậc rồi.

Thứ 3, nghệ sĩ Việt Nam không ai dám cởi áo để show cơ thể chuẩn để cuốn hút các fan vì cơ thể ở ta không chuẩn, chỉ được vài người nhưng lại không nổi tiếng nên cũng chẳng ai buồn xem. Nếu có muốn tập tành đua đòi với các bạn Hàn thì sẽ bị ném đá ngay là 'phản cảm', là 'xem thường khán giả', là không đúng 'thuần phong mỹ tục'...trong khi các nghệ sĩ Hàn cởi một cái là khán giả Việt Nam sẽ hét 5 phút, cởi thêm cái nữa là nửa rạp ngất xỉu vì sung sướng...

Gia Linh