Đau bụng vào viện mà phải chết: Bệnh nhân đã được "điều trị" thế nào?

15/08/2014 07:10
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Dưới đây là toàn bộ diễn biến, quá trình điều trị cho bệnh nhân Huy, người mà trước đó Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin tử vong vì… truyền nước.

Ngày 13/4, Báo Giáo dục việt Nam đã thông tin vụ bệnh nhân Phạm Quốc Huy (SN 1986, trú tại thôn Miếu Thờ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tử vong khi đang truyền nước tại Khoa truyền nhiễm, bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn. Đây là cái chết có nhiều bất thường bởi gần 10 ngày trôi qua chưa biết anh Huy chết vì nguyên nhân gì.

Anh Huy vào viện vào lúc hơn 12h sáng ngày 4/8 với biểu hiện sốt nhẹ, buồn nôn và đi ngoài nhiều lần. Sau khi khám, bác sỹ kết luận Huy bị rối loạn tiêu hóa, cúm và sốt, chỉ cần tiếp 2 chai nước là sẽ khỏe, mai được ra viện.

Thế nhưng, khi đang truyền dở chai nước thứ 2, anh Huy bỗng có biểu hiện co giật, chân tay run lẩy bẩy, lạnh toát toàn thân, môi tím bầm, sau đó ít lâu thì tử vong.

Anh Huy mất đã được gần 10 ngày nhưng nguyên nhân tử vong vẫn đang chờ kết luận từ cơ quan điều tra và pháp y.

Theo phản ánh của gia đình, từ lúc Huy mất, ngoài ông Tuấn (Phó giám đốc bệnh viện, là hàng xóm với gia đình) đến viếng, còn đâu ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn chẳng có lời nào hỏi thăm, chia buồn.

Bên cạnh đó, phía gia đình nạn nhân cho rằng, trong quá trình điều trị, y bác sỹ tại Khoa làm việc không nhiệt tình, thường tỏ thái độ khó chịu với người nhà bệnh nhân.

Để độc giả thấy rõ hơn câu chuyện, chúng tôi xin trích đăng một phần bản báo cáo của bệnh viện Sóc Sơn lên cấp trên, dù thực ra nó giống với bản tường trình hơn.

Quá trình diễn biến

Lúc 00h15p ngày 4/8/2014, bệnh nhân Huy vào khoa truyền nhiễm trong tình trạng: Tỉnh, sốt cao, chảy nước mũi, đau đầu, tim phổi bình thường, bụng mềm. Huyết áp 120/80mmHg. Mạch 100l/ph. Nhiệt độ 39.2 độ C. Chẩn đoán: Hội chứng Cúm – Rối loạn tiêu hóa.

Đau bụng vào viện mà phải chết: Bệnh nhân đã được "điều trị" thế nào? ảnh 1Đau bụng đi ngoài, vào viện mà… phải chết

Bệnh nhân Huy được truyền thuốc Natriclorua 0,9% và Kaliclorua vào tĩnh mạch. Ngoài ra, có tiêm thêm một ống Metoclopramid 10mg. (Metoclopramid được dùng để điều trị một số dạng buồn nôn và nôn do đau nửa đầu - PV).

Một số thuốc kèm theo: Napharalgan codein x 01 viên/lần (Uống khi sốt cao).

ORS x 1000ml (uống dần).

Lúc 4h25p ngày 4/8/2014: Bệnh nhân đang nằm đột nhiên lên cơn co giật toàn thân, trợn mắt. Sau cơn giật bệnh nhân không tỉnh, tím toàn thân, thở ngáp, nhiệt độ 40.4 độ C.

Y lệnh: Ép tim ngoài lồng ngực.

Thở Oxy, O2 3 lít/phút

Adrenalin 01mg x 01 ống/lần x 03 phút/lần

Tổng số: 35 ống

Lúc 4h40p: Bệnh nhân không tự thở, tím môi, đầu chi, mạch quay không bắt được.

Mời hội chẩn Bác sỹ Tuấn trực lãnh đạo

Y lệnh: Đặt nội khí quản đường miệng, ống số 7.5 có đèn soi thực quản. Cố định 22cm CRT, bóp bóng Ambu, tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực.

Lúc 4h50p: Bệnh nhân thở theo bóp bóng, mạch quay không có, đồng tử trái khoảng 4mm, phải khoảng 2mm.

Y lệnh: tiếp tục ép tim, lồng ngực.

Sốc điện ngày: Lần 1 (150J), lần 2 (200J).

Lúc 5h30p: Bệnh nhân bất động, thở theo bóp bóng nội khí quản đồng tử 2 bên giãn to, phản xạ ánh sáng mất.

Y lệnh: Tiếp tục cấp cứu, giải thích tình trạng của bệnh nhân cho gia đình.

Lúc 5h45p: Bệnh nhân bất động, thở theo bóp bóng nội khí quản. Toàn thân tím, đồng tử hai bên giãn to, phản xạ ánh sáng mất, điện tim là đường đẳng điện.

Lúc 6h20p: Bệnh nhân bất động, toàn thân tím tái, đồng tử giãn to, không tự thở, mạch không bắt được. Điện tim lần 2 là đường đẳng điện

Kết luận: Bệnh nhân tử vong.

Trên đây là một phần nội dung trong báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn gửi cho Sở Y tế về trường hợp anh Huy tử vong. Trong báo cáo này có nhiều từ ngữ mang tính chuyên môn. 

Tuy nhiên, chúng tôi xin phép được trích đăng báo cáo của bệnh viện về quá trình điều trị bệnh cho anh Huy từ lúc vào viện cho đến khi tử vong. Qua đó để những người có chuyên môn có thể phân tích, đánh giá nguyên nhân khiến anh Huy tử vong là gì?./ 

VIẾT CƯỜNG