Mẹ Lê Văn Luyện rơi vào trạng thái hoảng loạn

22/09/2011 09:33
Theo Thiên Long/Đời sống và Pháp luật
Từ sau ngày gây án, 2 đứa em của sát thủ Lê Văn Luyện về sống tại nhà của ông bà nội và người bác gái bị bệnh tâm thần.

Ngay sau khi gây ra vụ thảm sát tiệm vàng Ngọc Bích gây chấn động dư luận cả nước, sát thủ Lê Văn Luyện đến ngay nhà cô ruột Lê Thị Định ở Lạng Sơn nói là đến chơi, nhưng thực chất là để ẩn nấp, trốn tránh sự truy bắt của các cơ quan pháp luật.

Chính sự suy nghĩ nông cạn của kẻ sát nhân này đã đẩy người cô ruột của y dính vào vòng lao lý, bị cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố về tội danh "Che giấu tội phạm".

Cô chú đuổi cháu ra khỏi nhà, cháu sẽ... tự tử?!

Xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn ngày giữa thu, tiết trời mát mẻ. Năm nay không có nước nên vợ chồng  Lê Thị Định chỉ cấy 2 sào ruộng, 2 sào còn lại gia đình quyết định trồng ngô thâm canh gối vụ. Cũng giống như nhiều hộ nông dân khác ở thôn Nà Tồng, gia đình  Định quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nhưng cuộc sống vẫn còn khốn khó, chạy ăn từng bữa.

Tuy nghèo khó, nhưng vợ chồng  Định sống đầm ấm với 2 đứa con (cháu gái lớn 8 tuổi, cháu trai bé 5 tuổi) ngoan hiền. Thế rồi một ngày, cuộc sống của gia đình người nông dân này đang yên ấm nơi núi rừng Xứ Lạng, ít người biết đến bỗng chốc đảo lộn một cách phũ phàng.

Nhiều người dân quanh vùng không thể hiểu nổi vì sao người đàn bà thuần nông Lê Thị Định lại dính dáng đến vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang gây chấn động dư luật suốt thời gian qua.

Trải lòng với PV, Lê Thị Định bắt đầu câu chuyện "hoạ vô đơn chí" của gia đình mình bằng giọng buồn buồn: “Gia đình tôi có 6 anh chị em, bố Lê Văn Luyện là anh thứ hai, tôi là em út. Các anh chị em của tôi làm ăn sinh sống chủ yếu ở quê nhà Bắc Giang, tôi lấy chồng xa ở Lạng Sơn, gia đình kinh tế khó khăn, cộng thêm sức khoẻ tôi ốm yếu luôn nên thỉnh thoảng mới có điều kiện về thăm gia đình.

Chị Định cũng kể thêm, “cách đây 4 năm (năm 2007), tôi bị ốm nặng phải nằm viện, mấy anh chị em tôi ở Bắc Giang bảo nhau lên Lạng Sơn thăm tôi, hôm đó Lê Văn Luyện cũng đi cùng. Bẵng đi một thời gian, ngay sau hôm xảy ra vụ thảm sát ở tiệm vàng Ngọc Bích,  Luyện có lên nhà tôi chơi, nói là thăm cô chú và các em. Là cô cháu trong nhà, vợ chồng tôi sửa soạn mâm cơm thịnh soạn đón cháu, mọi người ăn nói vui vẻ. Luyện cho biết mọi người trong gia đình ở Bắc Giang vẫn khoẻ và gửi lời hỏi thăm đến cô chú và các em".

Khi nghe PV đề cập câu hỏi khi nào chị biết cháu mình phạm tội? thì Định nói lảng sang chuyện khác. Hỏi là hỏi vậy thôi, chứ thật ra qua nguồn tin riêng, chúng tôi cũng phần nào nắm rõ sự tình. Theo đó, khi biết cháu mình phạm tội giết người, cướp của tại tiệm vàng Ngọc Bích, do sự thiếu hiểu biết pháp luật, phần vì thương đứa cháu ruột, người cô ruột đã không trình báo sự việc này với cơ quan chức năng, mà cho cháu ở lại trong nhà mình. Tuy nhiên, Định cho biết đã khuyên Lê Văn Luyện về Bắc Giang đầu thú, nhưng  Luyện đã từ chối, nói câu đại ý là: Nếu cô chú đuổi cháu ra khỏi nhà thì cháu sẽ tự tử(?!).

Mẹ hung thủ Lê Văn Luyện tâm lý hoảng loạn

Đó là lời tâm sự đầy đắng cay của bị can Lê Thị Định nói với PV. Đang từ một người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", chưa một ngày dính dáng đến pháp luật, nay chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, không tố giác đứa cháu ruột phạm tội giết người, cướp của tại tiệm vàng Ngọc Bích, Lê Thị Định đã bị cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố về tội danh "Che giấu tội phạm".

Một sự ngẫu nhiên đáng nói, chồng của bị can này lại là người tố giác tội phạm Lê Văn Luyện cho cơ quan chức năng. Nghịch cảnh này khiến gia đình Lê Thị Định chao đảo trong hạnh phúc mong manh. "Gia đình tôi bị đảo lộn ghê gớm, hàng xóm xì xào bàn tán, mình nói ra chẳng ai hiểu mình? Gia đình làm ruộng, kinh tế khó khăn, đi lại Bắc Giang liên tục (gặp cơ quan CSĐT- PV), 2 đứa con ở nhà không ai trông nom và đưa đi học. Chưa bao giờ tôi khổ như thế này" - Lê Thị Định trải lòng.

Cũng theo bị can Định cho biết, từ sau ngày gây án, 2 đứa em của sát thủ Lê Văn Luyện về sống tại nhà của ông bà nội và người bác gái bị bệnh tâm thần. Mới đây, sau khi được trả tự do, mẹ của Lê Văn Luyện có về thăm 2 con tại nhà ông bà nội chớp nhoáng rồi khăn gói đi luôn. Tại đây bị can Định có gặp mặt mẹ Lê Văn Luyện và cho biết hiện chị dâu mình đầu óc có vấn đề (bị ảnh hưởng thần kinh- PV). Hiện tại mẹ Lê Văn Luyện sống chủ yếu ở bên đằng ngoại.

Theo một nguồn tin mới nhất, ngày 15/9 vừa qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Bắc Giang đã cử luật sư Trần Văn An- Cộng tác viên của Trung tâm tham gia bào chữa miễn phí cho bị can Lê Thị Định (đối tượng hộ nghèo). Hôm qua (ngày 20/9), luật sư Trần Văn An xác nhận thông tin qua trao đổi với bị can Lê Thị Đinh có thông tin mẹ hung thủ Lê Văn Luyện sau khi được thả về có biểu hiện tâm lý rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo sợ.

Luật sư An nêu quan điểm: "Dưới góc độ pháp luật, bị can Lê Thị Định rơi vào tình huống khó xử, mình che giấu tội phạm, trong khi đó chồng lại đi tố cáo tội phạm. Nếu xã hội không có cái nhìn cảm thông, cuộc sống của họ sẽ vô cùng khó khăn".        

'Lê Văn Luyện không hối hận về tội ác'
Mặc dù là luật sư bào chữa cho Lê Văn Luyện, nhưng qua tiếp xúc tại trại giam, luật sư Nguyễn Bá Ngọc thừa nhận, bị can không ăn năn, hối hận về tội ác. Nhiều khả năng chỉ mình Luyện gây án tại tiệm vàng Ngọc Bích.
Chiều 20/9, luật sư Nguyễn Bá Ngọc (Giám đốc Công ty Luật TNHH một thành viên số 1, tỉnh Bắc Giang) đã có buổi tiếp xúc đầu tiên với bị can Lê Văn Luyện. Ngoài luật sư Ngọc, ông Phạm Xuân Anh (Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang) cũng vừa được bổ sung chỉ định là người thứ hai bào chữa cho Luyện.
Sau buổi gặp, ông Ngọc cho biết những ngày bị tạm giam ở trại giam công an tỉnh, tinh thần của Luyện ổn định, ăn uống tốt. Luyện đồng ý để 2 vị luật sư bào chữa cho mình và kể lại quá trình gây ra vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích.
"Qua lời khai, nhận định ban đầu của tôi, vụ giết người tại tiệm vàng chỉ có một mình Luyện gây ra. Luyện không tỏ vẻ ăn năn hối hận trước tội ác tại tiệm vàng", vị luật sư có nhiều năm kinh nghiệm nói.
Ông Ngọc từ chối trả lời về việc hung thủ có khai trái chiều với nội dung từng trình bày với cơ quan điều tra hay không. Trước khi đưa ra xét xử, ông sẽ có nhiều buổi tiếp xúc nữa với thân chủ. Nếu có dựng lại hiện trường luật sư cũng sẽ tham gia chứng kiến.
Theo ông, phiên xử sắp tới hung thủ có nhiều tình tiết được giảm nhẹ như gây án khi chưa đủ 18 tuổi, khai báo thành khẩn, chưa phạm tội lần nào, song mức án khó có thể dưới khung hình phạt cao nhất - 18 năm tù.
Ngay khi hung thủ bị bắt, phía gia đình bị hại cũng được 2 luật sư Trần Chí Thanh và Phạm Văn Huỳnh (Văn phòng luật sư Tâm Đức, Hà Nội) nhận lời bảo vệ quyền và lợi ích miễn phí.
Theo Vnexpress
Theo Thiên Long/Đời sống và Pháp luật