Thương Tín: Tìm một người ngủ cùng một đêm, một tháng thì đơn giản

25/08/2014 09:39
Theo Dòng đời
"Tìm một người ngủ với mình một đêm, một tháng là điều đơn giản..." - Diễn viên Thương Tín.

Thương Tín - cái tên lừng lẫy một thời của điện ảnh Việt Nam vừa “tái xuất giang hồ” với một vai trong phim nhựa “Đoạt hồn” (đạo diễn Hàm Trần). Tâm sự với Dòng Đời, ông thổ lộ phải đến cái tuổi lục tuần ông mới tìm được hạnh phúc. Điều đó có thể bắt nguồn từ đứa con gái còn thơ, nhưng sâu xa hơn là một sự trải nghiệm từ tình yêu, cuộc đời và sự nghiệp...

Thương Tín mở đầu câu chuyện: Nếu so với thế hệ của tôi,  quả thật cuộc sống lúc ấy bình yên hơn, ai cũng toàn tâm toàn ý. Hồi trước làm nghệ thuật không có khái niệm kiếm tiền như bây giờ và cũng chẳng ai đặt tiền lên hàng đầu. Mọi người đều vui vẻ, vì đam mê, không phải như bây giờ cạnh tranh, thương lượng, chơi tiểu xảo, trả giá.

Thương Tín của hiện tại
Thương Tín của hiện tại

Chuyện “cơm áo gạo tiền” ngành nghề nào cũng có,  nhưng điều quan trọng là anh có còn đam mê, lửa nghề như xưa?

- Thật ra, lửa nghề cũng như giống bếp lửa bình thường. Khi đã nhóm bếp thì sẽ có lúc lửa cháy hồng, lúc cháy bùng lên hoặc dịu đi. Bếp lửa ấy luôn luôn thay đổi nên buộc  người diễn viên phải thích ứng. Tôi cũng vậy. Mỗi giai đoạn đều có sự thay đổi và tôi không ngoại lệ.

Tên tuổi Thương Tín trong làng điện ảnh không hề nhỏ. Bây giờ người ta có ưu tiên giá cao?

- Hồi trước, diễn viên đóng vai chính thì thù lao được chừng một chỉ vàng. Thực ra một chỉ vàng so với cuộc sống hồi đó cũng không làm được cái gì hết nhưng nhà nước chỉ đưa giá như vậy. Ai cũng đồng đều, được thì đóng, không được thì thôi. Bây giờ nhiều hãng phim ra đời, cạnh tranh nên giá cả phải thương lượng, kì kèo. Tôi cảm thấy nghệ thuật bị chi phối vì tiền bạc. Đồng ý xã hội phát triển kéo theo những ảnh hưởng khác. Và tôi thấy phim cũng không còn chất lượng nữa. Bây giờ người sản xuất phim làm càng nhanh để đỡ tốn chi phí. Diễn viên thì bị chi phối nhiều thứ. Hồi xưa quay phim chiến tranh là Bộ Quốc phòng lo hết. Còn bây giờ một viên đạn cũng phải trả tiền.

Thương Tín của ngày xưa.
Thương Tín của ngày xưa.

Những kỷ niệm vui trong sự nghiệp của anh?

- Kỷ niệm vui trong sự nghiệp thì nhiều nhưng có những cái xảy ra khiến mình phải nhớ là kỷ niệm làm phim ở Đà Nẵng. Hồi đó Đà Nẵng chỉ có một cây cầu duy nhất chứ không như bây giờ 8,9 cái cầu nên khi quay, dân chúng đi đến xem nhiều lắm. Lúc ấy, ai cũng lo chẳng may gãy cầu vì đông người quá. Những khi có xe cấp cứu, thân nhân không qua cầu được, họ chạy đi tìm diễn viên chửi, khiến chúng tôi phải chạy trốn.

Sau “Đoạt hồn” đang tạo cơn sốt ngoài rạp thì sắp tới anh tham gia phim gì?

- Phim sắp tới  là một câu chuyện về hai người lính,  nói lên thực trạng xã hội sau giải phóng. Những mặc cảm, kỳ thị, khó khăn, vất vả  họ đều phải nếm trải. Hai mảnh đời, hai số phận nhưng đều bị ám ảnh bởi nỗi đau của chiến tranh mang lại. Phim nói lên tính nhân văn,  rằng, chúng ta đang ở thời bình, bao nhiêu năm qua rồi nên hóa giải mọi hận thù. Hy vọng mọi người xem phim này sẽ có những suy nghĩ tích cực hơn trong cuộc sống.

Trong tình yêu, người từng được mệnh danh là đào hoa nhất làng điện ảnh như Thương Tín có lẽ cũng phải giơ tay đầu hàng gánh nặng tháng năm, tuổi tác.

- Tình yêu bây giờ bị ảnh hưởng xã hội nhiều lắm. Thời đó, khi yêu chỉ được nắm lấy tay thôi cũng đã thấy sướng, thấy vui nhưng bây giờ thì không. Mọi người đến với nhau còn vì một lợi ích nào đó hoặc chỉ để thỏa mãn bản thân chẳng hạn.

Ngay cả âm nhạc cũng vậy, có thể do tôi lớn tuổi rồi nên không hiểu nổi âm nhạc hiện nay. Nhạc xưa dễ chui vào từng ngóc ngách trong lòng người hơn, còn nhạc bây giờ không thể cho mình xúc cảm. Có thể là mình già, lạc hậu.

Hồi đó nghe thấy sến nhưng lại rất dễ thương: “Khi không em nhốt anh trong đợi chờ”….

Chờ đợi đôi khi cũng là hạnh phúc. Thương Tín đã tìm thấy điều hạnh phúc của riêng mình như chính câu hát trên?

- Ngày xưa khi đi quay phim, tôi được đến làng chài. Ở đó chỉ toàn trẻ con và phụ nữ,  còn đàn ông, thanh niên đi biển, có người ra đi, mãi mãi ở ngoài khơi xa. Cuộc sống người ta mất mát nhiều thứ và trong đó có cả hạnh phúc. Tôi hỏi một bác: “Ngoại ơi, hồi xưa ngoại có yêu ai không? Ngoại có thấy hạnh phúc không?”.

Và câu trả lời là: “Không”. Cuộc sống của họ như được lập trình sẵn, chấp nhận lớn lên, cha mẹ đặt đâu ngồi đấy, chỉ biết làm lụng vấp vả, lo cho con chứ không hề có sự rung động, yêu thương, hiểu nhau. Tôi thấy cuộc sống của họ thiệt thòi quá nhưng nghĩ lại mình cũng vậy thôi. Ngay cả bản thân tôi, tìm một người ngủ với mình một đêm, một tháng là điều đơn giản nhưng để tìm một người bên cạnh mình để hiểu, chia sẻ với mình những buồn vui trong cuộc sống thì lại không dễ dàng gì. Có những người tìm cả đời cũng không thấy, có thể chết rồi cũng không tìm thấy.  Người nào may mắn lắm mới thấy được. Tôi nghĩ rằng, cả đời người chỉ cần có được 10 năm hạnh phúc đã là quý rồi. Là vợ, là chồng với nhau có khi chẳng thật sự có hạnh phúc.

Bây giờ mọi người quá dễ dàng đến với nhau và dễ dàng rời xa nhau. Có thể họ đến với nhau vì cái gì đó. Nếu nói tôi đến tuổi này có hạnh phúc chưa thì tôi thật sự chưa tìm ra hạnh phúc của riêng mình. Có thể mình tham lam, đòi hỏi quá nhiều chăng? Tôi muốn có một người phụ nữ để tiếp thêm cho mình sức mạnh để bước những bước vững chãi trong cuộc đời.

Điều khủng khiếp nhất đối với Thương Tín?

- Trong đời tôi, thê thảm nhất chính là khi bước xuống một nơi nào đó xa lạ và trong suy nghĩ hiển hiện câu nói: “Ở đây chẳng có ai chờ mình”. Lúc đó buồn lắm vì sự xuất hiện của mình chẳng có giá trị, sự hiện hữu nào ở đây hết. Nhiều đêm ngủ gác tay lên trán suy nghĩ để nhớ về một ai đó nhưng lại chẳng có. Điều đó cho thấy, mình cần phải tỉnh táo chứ không sẽ bị cuốn vào ảo mộng, đi tìm một cái gì đó vô định, “tào lao” như bọt xà bông, sóng biển...

Bây giờ, hạnh phúc của tôi chính là đứa con nhỏ của mình. Mỗi lần tôi đi đâu là phải bắt mẹ nó bồng ra phía sau nhà để không thấy mặt thì mới đi được chứ không là nó khóc la ầm ĩ.

Anh nhìn thấy gì trong cuộc đời mình?

- Tôi thấy cuộc đời tôi lạ lắm. Tôi hơi duy tâm. Có những cái tôi tưởng chừng như đã được báo trước. Lúc trẻ mình không chiêm nghiệm được bây giờ lớn tuổi mình mới hiểu được. Giữa duyên và nợ vốn có một cái gì đó nối kết lại. Nếu không thì làm sao hai người xa lạ, kẻ Nam người Bắc lại yêu nhau, lấy nhau. Có một bộ phim Pháp đã diễn tả cảnh hai người xa lạ vô tình chạm nhau bằng ánh mắt, không lời ước hẹn mà họ đã chờ đợi nhau suốt mấy chục năm trời. Dường như tình yêu đã kết dính họ với nhau từ kiếp nào.

Hồi trước tôi lập gia đình không phải do yêu nhau, có tình cảm với nhau nên khi xảy ra bất cứ mâu thuẫn nào dù nhỏ nhặt cũng không thể nào giải quyết được nên mới dẫn đến việc chia tay, ly dị. Nhiều cặp vợ chồng dù có gây gổ với nhau nhưng vẫn không tan vỡ vì người ta có quá trình yêu thương, có nhiều kỷ niệm nên níu kéo họ lại.

Anh có cảm thấy buồn, tiếc nuối khi lớp khán giả trẻ sẽ lãng quên anh?

- Đôi khi tôi cũng cảm thấy một chút chạnh lòng nhưng mình phải chấp nhận. Thật sự thì tôi cũng chẳng có gì để buồn vì cái tuổi mình không còn bảo chứng phòng vé như trước nữa. Mỗi giai đoạn có một thần tượng khác. Thời bây giờ thì phải để lớp trẻ thay thế.

Tôi quan niệm là mình phải biết mình là ai, đang ở đâu thì mình mới sống được. Không thất vọng, không ảo tưởng . Làm sao cứ sống mãi với ý nghĩ mình là số 1…  Trong tình yêu cũng thế, sẽ có những lúc mình nhói đau, khiến mình nhớ nhung, sầu muộn nhưng rồi thời gian cũng khiến nó nhạt phai.

Theo Dòng đời