Di dời linh vật sư tử đá Trung Quốc ra khỏi đền, chùa trước tháng 12

27/08/2014 07:51
Gia Linh
(GDVN) - Sáng 26/8, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có buổi họp báo về 'Tình hình thực hiện nhiệm vụ Văn hóa Thể thao Du lịch trong 8 tháng đầu năm 2014.

Trong buổi họp báo, vấn đề được giới truyền thông quan tâm nhất là hiện tượng sư tử đá Trung Quốc và một số di vật ngoại lai được bày biện tràn lan tại các đền, chùa trên cả nước.

Sư tử đá ngoại lai có mặt ở hầu hết các đền, chùa Việt Nam
Sư tử đá ngoại lai có mặt ở hầu hết các đền, chùa Việt Nam

Trả lời những thắc mắc của báo giới về vấn đề này, ông Nông Quốc Thành - Cục Phó Cục Di sản Văn hóa cho biết:

‘Trong 2 năm vừa qua, Bộ trưởng cũng đã có chỉ thị không được đưa các hiện vật vào đền, chùa. Chuyện các đền chùa ở địa phương có đưa những hiện vật không phải trong di tích vào là không hợp lệ. Trong cuộc kiểm tra vừa rồi của Thứ trưởng Bộ văn hóa cũng đã khuyến cáo các cơ sở, cá nhân phải đưa các hiện vật ra khỏi đền, chùa trước tháng 12’.

Còn việc xử lý các hiện vật sau khi di rời khỏi các đền chùa theo Cục Phó cục Di sản Văn hóa thì để ở đâu là do chủ nhân tự lo. Tuy nhiên, giới truyền thông cho rằng nếu chủ nhân của những hiện vật đó, đã hiến tặng các đền chùa và không có nhu cầu lấy lại thì sẽ xử lý như thế nào? Trước câu hỏi này, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho rằng, việc di dời ra khỏi di tích, những nơi công cộng là phải làm triệt để. Còn để ở nhà riêng là việc riêng của từng người tuy nhiên nếu có trường hợp xảy ra như trên thì Cục Di sản văn hóa cũng cần phải lên kế hoạch rõ ràng và chi tiết.

Trả lời câu hỏi về kế hoạch sẽ mở các lớp tập huấn cho các cán bộ để có thể phân biệt được sư tử ngoại lai với sư tử mang văn hóa bản địa có phù hợp không và có lãng phí tiền của không? Ông Nông Quốc Thành cho rằng, việc tập huấn của các cấp huyện là họ có quyền để tổ chức những hoạt động như vậy.

Giải thích thêm về kế hoạch này, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho rằng, ‘Việc tập huấn là tất nhiên, chỗ nào yếu thì phải làm và đừng sợ lãng phí. Nếu không biết thì phải tập huấn còn nếu biết rồi mà vẫn cố tình tập huấn thì mới lãng phí’.

Khi được hỏi về vấn đề xã hội hóa trong việc tu bổ, tôn tạo di tích đền chùa thì ở một số chùa chỉ cần làm từ thiện một số tiền nhất định là có thể được khắc tên vào thì có hợp lý không? Ông Nông Quốc Thành cho biết:

‘Việc xã hội hóa là một chủ trương đúng nhưng cũng có nhiều trường hợp công đức cũng chưa được chuẩn. Thực tế vẫn có nhiều cá nhân,  gia đình, dòng họ khi đưa các hiện vật vào trong di tích đều muốn tên tuổi, dòng họ mình được ghi tên tại di tích đó…Chúng tôi khi kiểm tra cũng đã yêu cầu các địa phương không được gắn tên lên các di tích, bởi các cá nhân hay tập thể cứ hiến một di tích rồi làm thế là không được mà nên tập hợp hết tất cả những danh sách đã công đức trong một giai đoạn nhất định rồi sau này sẽ làm một cái bia’.

Gia Linh