Lời gan ruột của thầy giáo dậy cấp 3 góp ý với giáo dục nước nhà

31/08/2014 07:29
Hoàng Văn Bằng
(GDVN) - "Rà soát lại chất lượng các cấp học, giữ cho bằng được cán bộ giáo viên chất lượng" là kiến nghị thầy Bằng muốn gửi tới lãnh đạo ngành giáo dục và chính phủ.

Xuất phát từ nền giáo dục nước ta hàng chục năm nay đang lay hoay với cải cách, có nhiều đề án, công trình được đưa ra, có nhiều chủ trương đã và đang thực hiện...nhưng tất cả đều không có khả thi, chuyển biến chậm và nặng về khẩu hiệu tuyên truyền.

Thầy giáo Hoàng Văn Bằng - giáo viên Trường THPT Lương Đắc Bằng - Thanh Hóa thông qua Báo điện tử Giáo dục Việt Nam để gửi bức thư chứa chan tâm huyết nghề dạy học của mình tới lãnh đạo ngành giáo dục và chính phủ.

Báo Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu những quan điểm, ý kiến và nguyện vọng cá nhân này của thầy Bằng.

Đổi mới yếu tố con người

Nền giáo dục của chúng ta hiện nay rất cần thiết phải cải cách, song không chỉ cải cách về giáo dục mà chúng ta cần phải cải cách toàn diện xã hội, bởi giáo dục là sản phẩm của xã hội, xã hội cần gì thì giáo dục làm ra những sản phẩm đó. Vì vậy, cũng giống với mọi mặt của xã hội, ta không thể cải cách toàn diện một cách sạch trơn hay vội vàng mà phải được tiến hành chậm và chắc. Tức là phải được cân nhắc giữa tính hiện đại và hiện thực, nhu cầu xã hội với con người được đào tạo ở nhà trường, đáp ứng hiện tại và tương lai xa....

Lời gan ruột của thầy giáo dậy cấp 3 góp ý với giáo dục nước nhà ảnh 1

Ảnh minh họa

Hiện nay trong dạy học, có nhiều phương tiện hỗ trợ hoặc trợ giảng đắc lực cho dạy học : truyền hình, mạng thông tin, máy trình chiếu...song, không thể có phương tiện nào có thể thay được yếu tố người thầy « Thầy giỏi mới có trò giỏi » hay «  không thầy đó mày làm nên ». Một số thập kỷ gần đây, do yêu cầu giáo viên lớn, Bộ giáo dục đã có chỉ đạo tuyển ồ ạt, các trường sư phạm mở ra càng nhiều để thu hút sinh viên, không tính đến chất lượng và lâu dài cho giáo dục, sinh viên sư phạm tuyển vào các trường sư phạm chỉ 13, 14, 15 điểm, thậm chí 0 hay 1 điểm toán vẫn trở thành giáo viên dạy toán cấp III. 

Với chất lượng đầu vào thấp thì chủ trương cải cách của nghành có diễn ra hàng ngàn lần cũng thất bại. Những yếu kém này không phải là không biết, ai cũng biết, chỉ mỗi Nhà nước và Bộ giáo dục không chịu biết. Vì vậy, muốn cải cách được giáo dục trước hết phải giải quyết được yếu tố con người, giống như các nước trên thế giới hiện nay đang làm, đặc biệt là Nhật Bản, Singapore...Chúng ta cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần « giáo dục là quốc sách » nhưng chỉ nói suông.

Lời gan ruột của thầy giáo dậy cấp 3 góp ý với giáo dục nước nhà ảnh 2Chính phủ chỉ đạo giải quyết hàng loạt vấn đề nóng trong giáo dục

(GDVN) - Các đề án về đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân; chương trình và SGK; phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là những nội dung được bàn luận.

Để có thể nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo, Nhà nước Bộ giáo dục nên làm quyết liệt ngay lập tức :

- Rà soát lại chất lượng các cấp học trong cả nước, giữ cho bằng được cán bộ giáo viên chất lượng, kiên quyết đào thải hoặc chuyển công tác cho những cán bộ giáo viên yếu kém.

-  Đồng thời, các địa phương phải báo cáo số liệu thiếu giáo viên để bổ sung, kiên quyết phải tuyển được đội ngũ giáo viên chất lượng, giao cho 2 hoặc 3 trường ĐHSP đào tạo.

-  Để thu hút được nguồn lực này tốt hơn, mang ý thức trách nhiệm và tính tự nguyện, phải song song tiến hành nâng cao đời sống giáo viên ( chế độ lương công tác, lương hưu, chế độ phụ cấp...phải đảm bảo lương đặc biệt cao nhất trong các bậc lương hành chính ).

-  Sinh viên vào các trường sư phạm phải đăng ký chấp nhận sự điều động, không được luân chuyển, ưu tiên cho người địa phương (giống như tuyển an ninh, tránh chạy việc).

Làm lại công tác kiểm tra, đánh giá học sinh

Lâu nay công tác tuyển chọn mang hình qua loa đối với cán bộ Nhà nước, chủ yếu là tuyển con em cháu cha, hoặc bôi trơn bằng chạy chọt ; Đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước thì tuyển chọn đúng người tài, đúng việc. Vì vậy, kiểm tra đánh giá là một khâu cực kỳ quan trọng, nó vừa kiểm định được chất lượng 2 chiều giữa dạy và học, đồng thời tránh được hiện tượng tiêu cực trong học tập cũng như trong xã hội việc làm. 

Trong thực tế hiện nay qua các kỳ thi, không đánh giá được năng lực học sinh, kỳ thi nào học sinh cũng đỗ 100% hoặc thấp hơn một chút. Nếu kéo dài tình trạng này người học sẽ mất niềm tin, mọi thứ đều ngang bằng với nhau, cuối cùng người tài không được sử dụng, còn người dốt thì vừa được ăn lại được nói lại được gói, được đùm. 

Cần làm một số việc:

- Tổ chức nghiêm ngặt các kỳ thi, đặc biệt cuối cấp học ( lớp 9, lớp 12, đại học). Bộ giáo dục đang có chủ trương giảm nhẹ các kỳ thi bằng việc tổ chức một kỳ thi chung tránh gây áp lực cho học sinh và đỡ tốn kém...Tôi không đồng tình với quan điểm này, áp dụng vấn đề này chỉ hợp với sinh viên đại học, còn với học sinh trung học phổ thông các cấp do các em chưa ý thức được vấn đề học tập, học đi đôi với tương lai sau này, thì việc thường xuyên kiếm tra đánh giá, với điểm số cụ thể sẽ giúp cho giáo viên, học sinh và phụ huynh định hướng được viêc dạy- học, để điều chỉnh và tự điều chỉnh quá trình dạy học. 

Nếu không thường xuyên kiểm tra sẽ để lại hậu quả lớn, những người làm công tác hạy học như chúng tôi thấy rõ điều này, học sinh sẽ chơi nhiều hơn, nói chuyện nhiều hơn, rủ rê đi chơi nhiều hơn, giáo viên và phụ huynh sẽ bó tay trong việc giáo dục học sinh.

- Công nhận đỗ 100% cho học sinh ở kỳ thi tốt nghiệp các cấp, đặc biệt là ở cấp 1, 2 (trừ học sinh quá yếu kém hoặc khuyết tật). Tuy nhiên, đối với học sinh cấp THPT và Đại học phải có sự phân loại rõ ràng. Học sinh THPT, chỉ công nhận cho 70% số học sinh có điểm cao nhất vào trường Đại học, số còn lại cấp chứng chỉ ( tương đương với bằng tốt nghiệp) cho các em đi học nghề. Đối với đại học, cho 70% số học sinh tốt nghiệp THPT vào học theo sự lựa chọn các trường, tuy nhiên ở mỗi khoa ở các trường đại học chỉ công nhận bằng đỏ đối với những học sinh suất sắc (20%), học sinh này được nhà Nước ưu tiên làm việc công chức, hoặc kỹ sư cao cấp, người nhà Nước không được nhận ngoài những đối tượng này (số cử nhân này chỉ những khoa, hay trường ĐH có đủ khả năng), số học sinh còn lại 80%, được tư nhân tư bản mua theo quy luật thị trường thuận mua vừa bán.

Lời gan ruột của thầy giáo dậy cấp 3 góp ý với giáo dục nước nhà ảnh 3Chính phủ thống nhất giữ hệ giáo dục phổ thông với 12 năm

(GDVN) - Hệ thống giáo dục phổ thông trước mắt vẫn giữ nguyên 12 năm đã nêu trong Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Tổ chức các kỳ thi, chấm thi vẫn tổ chức theo 3 chung như trước đây, các cán bộ điều động coi thi, chấm thi phải làm tốt nhiệm vụ, trong phòng thi vẫn duy trì kiểm soát lẫn nhau, có thể mỗi tỉnh sẽ thành lập một số cụm thi có lắp máy quay. 

- Người làm nhiệm vụ thi phải được trả công lao xứng đáng nếu có sai sót họ phải gánh trách nhiệm, tránh tình trạng « quyền rơm vạ đá ».

- Việc ra đề thi phải đảm bảo được 3 vấn đề «  hiểu, biết, vận dụng », vừa đảm bảo tính cơ bản, khoa học, thực tiễn.

- Kỳ thi TNTHPT phải tổ chức gần hết cho những môn đã học, tránh tình trạng học lệch, học tủ của học sinh, hay gây tâm lý xáo trộn hoặc hồi họp chờ môn thi, cách ra đề thi.

Xác định lại nội dung, chương trình phổ thông 

Theo nhận định chủ quan của bản thân tôi, giáo dục hiện nay đang xa rời mục đích mà ta đã đề ra « Giáo dục toàn diện, đảm bảo cả về tri thức lẫn nhân cách học sinh, những con người vừa hồng vừa chuyên ». Song, ở các cấp học hiện nay, giáo dục mang tính cục bộ, học sinh chỉ học 3 môn học chính là Toán, Lý, Hóa, các em không cần biết các môn xã hội, thể dục, hội họa, giáo dục giới tính, an toàn giao thông.... Đành rằng, trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần phục vụ CNH- HĐH đất nước, song chỉ cần đối với kỹ sư cao cấp và cán bộ thôi, số lượng ít này chỉ cấn học sinh chuyên ở các tỉnh là đủ rồi. 

Hiện tượng này càng trở nên nguy hiểm hơn khi mới đây Bộ giáo dục có chủ trương chọn môn thi Tốt nghiệp, nó dẫn tới tình trạng học tủ, học lệch học sinh. 

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Giáo dục cần làm rõ:

- Phải phân biệt rõ hình thức đào tạo chuyên ban và cơ bản. 

- Xác định những môn học cần thiết, bắt buộc đối với giáo dục chính khóa, không phân biệt môn này hay môn khác. 

- Nội dung kiến thức vừa phải, đảm bảo được « Biết, hiểu, vận dụng, thực tiễn’’. Tránh quá sức, nhồi nhét, tạo tâm lý sợ đối với học sinh, các em không cần phải đi học thêm, tốn kém tiền bạc đối với phụ huynh.

- Đối với học sinh chuyên sâu, xã hội cần làm rõ ngành nghề, những thuận lợi và khó khăn, để tạo tâm lý, niếm vui cho các em khi chọn một ngành nào đó, có thể các em sẽ trở thành những nhà khoa học. 

- Môn học ở trường THPT phải hướng tới học đi đôi với hành, tránh nhồi nhét nặng về lý thuyết hay giáo điều.

Cải cách SGK theo hướng thực tiễn cần gì

Cải cách sách giáo khoa gắn liền cải cách toàn diện giáo dục, song không phải cải cách sạch trơn hay vội vàng. Chúng ta đã trải qua rất nhiều lần cải cách sách giáo khoa, mỗi lẫn cải cách chúng ta đều dựa vào kinh nghiệm giáo dục của ta và thế giới, do đó không thể nói bộ sách giáo khoa cũ là yếu kém không đáp ứng được thực tiễn và vội vàng thay thế nó. 

- Cải cách sách giáo khoa phải đúc rút kinh nghiệm giáo dục trong nước, nền giáo dục hiện đại, phát triển hoặc trung bình của thế giới, phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam, đảm bảo không quá hiện đại nhưng không phải là thấp kém.

- Nội dung sách giáo khoa cực kỳ ngắn gọn, những nội dung mà thực tiễn cần, đảm bảo sự thống nhất chặt chẽ với khung chương trình thi, tránh học rất nhiều mà thi có một bài hoặc hai.

- Sách giáo khoa không cần mở rộng kiến thức, chỉ cần chuẩn nội dung, hàm lượng thời gian. Học sinh muốn mở rộng và nâng cao kiến thức, cần bổ sung thêm nhiều nguồn tài liệu vào thư viện các trường THPT.

Bên cạnh đó cũng cần cải cách dụng cụ dạy học theo hướng thực tiễn. Dụng cụ thí nghiệm cho các trường phổ thông đặc biệt là các trường nghề dang trở nên bất cập: cấp dụng cụ ồ ạt, không đồng bộ, thiếu chất lượng, không đáp ứng thực tiễn của xã hội, trường quá nhiều hay trường quá ít...

Hoàng Văn Bằng