Giáo sư Phạm Phụ: Hoa Sen là đại học siêu lợi nhuận

08/09/2014 06:35
Xuân Trung
(GDVN) - “Yếu tố truyền thống văn hóa cho – tặng của phương đông không giống phương tây, chính vì vậy nói đại học không vì lợi nhuận là chưa chính xác”.

Trên đây là ý kiến của GS. Phạm Phụ (Trường Đại học Bách khoa – ĐH QG TP.HCM) khi nhận định về mô hình đại học không vì lợi nhuận tại Việt Nam.

Đã chia cổ tức là trường lợi nhuận?

Theo GS.Phạm Phụ, dấu hiệu cơ bản nhận biết trường hoạt động không vì lợi nhuận sẽ có ba điều kiện: Không có cổ đông, tài sản của trường là tài sản của cộng đồng, không phải của nhà nước, cũng không thuộc về cá nhân nào. Tài sản này được đóng góp bởi các nhà mạnh thường quân và không chia lợi nhuận cho bất cứ ai. Điều nữa, học phí bình quân sẽ thấp hơn chi phí. Điều thứ ba, theo GS. Phạm Phụ trường không vì lợi nhuận phải được quản lý bởi mội Hội đồng ủy thác, hội đồng này bao gồm những chính khách, những nhà giáo có tâm huyết, những học giả chứ không phải là những người đóng góp vốn.

Ngược lại, đối với những trường hoạt động vì lợi nhuận sẽ có cổ đông, học phí bình quân cao hơn chi phí, Hội đồng quản trị chủ yếu là những người góp vốn. 

Giáo sư Phạm Phụ: Hoa Sen là đại học siêu lợi nhuận ảnh 1

GS. Phạm Phụ (ĐH QGTPHCM).

Ví dụ, đối với một trường đại học tư có chia cổ tức với mức xấp xỉ lãi suất ngân hàng là không vì lợi nhuận? Điều này theo GS. Phụ là chưa đúng. Ngay cả đối với một công ty có lãi suất hàng năm đạt khoản 30%, nhưng chỉ chia 5%, còn lại 25% tái cấu trúc và như vậy công ty vẫn là siêu lợi nhuận.

Do đó, GS. Phạm Phụ khẳng định: “Ở Việt Nam cho tới giờ phút này không có một trường tư thục hay dân lập nào là không vì lợi nhuận. Bởi đối với một trường không vì lợi nhuận phải có những truyền thống cho, tặng. Cho tặng lại nằm ở vấn đề truyền thống và văn hóa và phải xây dựng nhiều năm may ra mới có”.

Giáo sư Phạm Phụ: Hoa Sen là đại học siêu lợi nhuận ảnh 2Giáo dục Đại học Việt Nam: Lợi nhuận hay phi lợi nhuận?

(GDVN) - Phi lợi nhuận không có nghĩa là không có lợi nhuận, mà là việc mỗi tổ chức ứng xử như thế nào với khoản lợi nhuận thu được.

Cũng theo chia sẻ của GS. Phạm Phụ, ở Việt Nam rất hiếm những người bỏ tiền ra đầu tư cho giáo dục mà lại không nghĩ tới chuyện thu lợi. Không nhiều những mạnh thường quân như ở Mỹ và Nhật bản, khi mà họ đầu tư cho giáo dục chỉ cần danh tiếng của mình.

“Ở Mỹ có những người có 2-3 tỷ USD nhưng họ chỉ để cho con cháu họ 1 tỷ USD, còn lại họ sẽ cho một trường đại học nào đó, lúc này tài sản thuộc sở hữu cộng đồng” GS. Phụ cho biết.

Chính vì vậy, GS. Phạm Phụ khẳng định yếu tố truyền thống, văn hóa là yếu tố rất cơ bản để hình thành một thói quen quyết định trường có hoạt động không vì lợi nhuận hay vì lợi nhuận. 

Trước mắt chấp nhận trường vì lợi nhuận

Trước nhiều quan điểm và ý tưởng cho rằng, việc chuyển ngay các trường đang hoạt động vì lợi nhuận sang mô hình không vì lợi nhuận sẽ gặp nhiều khó khăn, do vướng mắc cơ chế và nhiều chính sách khác. Do đó có thể thời gian đầu các trường hoạt động vì lợi nhuận, rồi sau đó chuyển dần sang mô hình không vì lợi nhuận? GS. Phạm Phụ bày tỏ, vấn đề này rất khó, bởi ở Việt Nam trường hoạt động theo mô hình lợi nhuận, trong đó Hội đồng quản trị đang có bất đồng nhau chủ yếu vẫn là vấn đề chia tiền. GS. Phụ không tin ở Việt Nam lại có người có tiền, đem tiền đó cống hiến cho xã hội, bởi theo ông vì chúng ta chưa có truyền thống đó.

Do đó, trong hoàn cảnh Việt Nam theo GS. Phạm Phụ vẫn phải chấp nhận trường đại học vì lợi nhuận, nhưng kèm theo đó phải có Hội đồng ủy thác làm chức năng của Hội đồng quản trị gồm những chính khách, nhà giáo có tâm huyết…, Hội đồng này đóng vai trò kiểm soát trường để giữ một mức lợi nhuận thích hợp (từ 1,2-1,5 lãi suất ngân hàng).

Trao đổi thêm, GS. Phạm Phụ cho rằng một trường đại học tư thục tự tuyên bố bằng Quy chế để hoạt động không vì lợi nhuận là không đúng. 

Giáo sư Phạm Phụ: Hoa Sen là đại học siêu lợi nhuận ảnh 3Cần thiết ban hành sớm Điều lệ trường đại học, cao đẳng phi lợi nhuận

(GDVN) - Những mâu thuẫn trong nội bộ nhà trường bởi các cơ chế của nhà nước khiến nhiều trường ngoài công lập phát triển không ổn định, đòi hỏi có một Điều lệ riêng

Trở lại câu chuyện nội bộ trong Hội đồng quản trị của Trường Đại học Hoa Sen vừa qua, GS.Phạm Phụ khẳng định đây là hình thức hoạt động “siêu lợi nhuận” chứ không ở mức lợi nhuận vì thực tế trường có chia lãi suất.

Qua sự việc cụ thể này GS. Phạm Phụ cảnh báo rằng, nếu không có các tiêu chí, các cơ sở pháp lý của nhà nước thì tài sản của nhà nước sẽ thành tài sản tư nhân. 

Quan điểm của GS. Phạm Phụ, muốn có trường không vì lợi nhuận trước mắt cần có thời gian, lúc đó dần dần sẽ tạo thành văn hóa hiến tặng, kể cả các khâu liên quan tới chính sách. Trước mắt chúng ta chấp nhận trường đại học có vì lợi nhuận, tuy nhiên điều cần xem xét là mức lợi nhuận như thế nào cho phù hợp. 

“Vấn đề này tôi đã nói hơn 10 năm nay, đa số các trường đại học tư ở Châu Á là vì lợi nhuận, do đó phải có Hội đồng ủy thác để quản lý nhà trường” GS. Phụ nói.

GS. Phạm Phụ cũng cảnh báo, hiện nay có nhiều trường đại học tuyên bố không vì lợi nhuận nhưng trên thực tế hoạt động là vì lợi nhuận, thậm chí còn siêu lợi nhuận.

Đại học không vì lợi nhuận theo kiểu Mỹ

Theo đó, tài sản đóng góp của đại học Hoa Kỳ rất lớn, theo US News về tài chính trong năm 2012, đại học Harvard có tài sản đóng góp lớn nhất là 30,75 tỷ USD, đại học Michigan nguồn tiền đóng góp lớn nhất trong hệ thống trường công lập là 7,59 tỷ USD.

Trong tài sản đóng góp này, đáng kể nhất là năng lực gây quỹ, các trường đại học Hoa Kỳ rất giỏi gây quỹ để nâng giá trị tài sản đóng góp của trường.

Theo Bloomberg, số tiền đóng góp cho đại học Hoa Kỳ trong năm 2013 là 33,8 tỷ USD, trong đó đại học Stanford đứng đầu danh sách gây quỹ là 931,57 triệu USD và theo sau là đại học Harvard với 792,26 triệu USD.

Chi phí đào tạo cho một sinh viên Hoa Kỳ gần gấp đôi số tiền sinh viên đóng học phí, vậy nguồn tiền nào chi trả và nguồn tiền cho học bổng và nghiên cứu từ đâu? Tất cả là từ nguồn tài sản đóng góp của trường.

Trường đại học có hội đồng tài chính quản lý tài sản đóng góp và điều hành các chi tiêu của trường. Tài sản này không đi vào túi của cá nhân hay nhóm lợi ích, nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác phục vụ cho trường.

Phương cách tổ chức tài chính của đại học Hoa Kỳ vẫn ưu thế nhất thế giới và từ đó tạo ra nền giáo dục tốt nhất thế giới. Theo phương cách tài chính của Hoa Kỳ, hiện tại không có trường đại học tư thục nào của Việt Nam gọi là trường phi lợi nhuận.

Theo Trần Thắng (Chủ tịch viện Văn hóa - Giáo dục VN).

Xuân Trung