Báo TQ: Nhật đang sử dụng ngoại giao USD và xuất khẩu vũ khí

09/09/2014 08:27
Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)
(GDVN) - Ông Shinzo Abe chủ yếu là dựa vào biện pháp kép - “ngoại giao dollar” và “xuất khẩu vũ khí”, liên kết với nước khác bao vây Trung Quốc...
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) vừa có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với tư cách chủ nhà
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) vừa có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với tư cách chủ nhà

Tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc ngày 8 tháng 9 dẫn hãng tin Reuters Anh ngày 6 tháng 9 đưa tin, ngày 6 tháng 9 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu tiến hành chuyến thăm hai nước Nam Á. Ở khu vực vai trò ảnh hưởng của Nhật Bản chịu lép vế so với Trung Quốc này, nhà lãnh đạo Nhật Bản – người muốn gây ảnh hưởng toàn cầu – có ý định bảo vệ lợi ích của Nhật Bản.

Ông Shinzo Abe đến thăm sân sau của Ấn Độ sau khi ông vừa tổ chức hội đàm cấp cao với Thủ tướng Ấn Độ Modi với tư cách chủ nhà. Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản đã tiến trước một bước so với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Trung Quốc vốn có ý định thăm Ấn Độ và Sri Lanka vào cuối tháng này.

Quan chức ngoại giao nghỉ hưu Sri Lanka quan tâm đến chính sách ngoại giao của Nhật Bản, Nanda cho rằng: “Người Nhật Bản hiểu chúng tôi có ít nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc trên một số phương diện, vì vậy họ hy vọng chống lại ảnh hưởng này”.

Theo hãng AFP ngày 6 tháng 9, cơ quan viện trợ quốc gia Nhật Bản đã cho biết quan tâm tới xây dựng một cảng nước sâu ở miền nam Bangladesh. Từ sớm, Bangladesh từng bàn với Trung Quốc xây dựng cảng này. Bangladesh và Sri Lanka nằm ở dọc tuyến đường hàng hải kết nối giữa Trung Đông giàu tài nguyên với Đông Á. Trung Quốc từng hỗ trợ cho các nước dọc tuyến đường hàng hải quan trọng này xây dựng cảng biển.

Tờ “Yomiuri Shimbun” Nhật Bản ngày 7 tháng 9 cho rằng, từ khi lên cầm quyền, nội các Shinzo Abe thực hiện “ngoại giao quả địa cầu”, thực hiện ngoại giao cấp cao tích cực, cộng với hai nước Nam Á trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Shinzo Abe đã đến thăm 49 nước, đạt đỉnh cao số lượng nước đến thăm của nhiều đời Thủ tướng.

Tại Đối thoại Shangri-La 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố Nhật Bản sẽ phát huy vai trò lớn hơn trong khu vực
Tại Đối thoại Shangri-La 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố Nhật Bản sẽ phát huy vai trò lớn hơn trong khu vực

Theo bài báo, không cần nói cũng biết, Thủ tướng Shinzo Abe luôn tính toán đến việc Trung Quốc không ngừng bành trướng về kinh tế và quân sự. Chiến lược của Nhật Bản là liên kết với các nước xung quanh và các nước có liên quan, tìm kiếm cân bằng ảnh hưởng.

Kế tiếp sau chuyến thăm 10 nước ASEAN, lần này Thủ tướng Shinzo Abe lại muốn đến thăm 2 nước ở bờ biển Ấn Độ Dương, đây cũng là xuất phát từ một phán đoán: Để chống lại Trung Quốc – nước không ngừng thúc đẩy chiến lược biển, Nhật Bản cần tăng cường viện trợ cho các nước có liên quan.

Tờ “Liên hợp” Đài Loan ngày 5 tháng 9 cho rằng, ông Shinzo Abe thúc đẩy chiến lược “ngoại giao quả địa cầu”, chiến lược này cho rằng, quan hệ ngoại giao không chỉ quan tâm đến các nước xung quanh, mà phải nhìn tới toàn thế giới như quả địa cầu chuyển động, đồng thời vươn “vòi” của Nhật Bản tới mỗi góc của Trái đất.

Báo Trung Quốc cho rằng, “ngoại giao quả địa cầu” của ông Shinzo Abe chủ yếu là dựa vào biện pháp kép - “ngoại giao dollar” và “xuất khẩu vũ khí”, liên kết với nước khác bao vây Trung Quốc, nhằm củng cố vị thế “bá quyền châu Á” của mình.

Ông Shinzo Abe lấy “viện trợ phát triển chính phủ” làm tiên phong, lấy bán công nghệ vũ khí làm hậu thuẫn, vất vả tiến hành “ngoại giao song tuyến” – “viện trợ dollar” và “xuất khẩu vũ khí” ở toàn bộ châu Á. Chẳng hạn, tại hội nghị ASEAN vào năm 2013, ông Shinzo Abe quyết định cung cấp viện trợ kinh tế khổng lồ cho các nước ASEAN để đổi lấy họ chống lại Trung Quốc trong vấn đề Khu nhận biết phòng không.

Ông Shinzo Abe trong chuyến thăm Việt Nam ngày 16 tháng 1 năm 2013
Ông Shinzo Abe trong chuyến thăm Việt Nam ngày 16 tháng 1 năm 2013

“Vòng cung tự do và thịnh vượng” do nội các Shinzo Abe khóa trước đưa ra đã lấy chia sẻ dân chủ để hiệu triệu; nhưng “ngoại giao quả địa cầu” lần này lại lấy xuất khẩu công nghệ vũ khí làm biện pháp. Chẳng hạn, để tăng cường khả năng giám sát của Philippines đối với Quân đội Trung Quốc, đầu năm 2014, Nhật Bản tuyên bố tặng nhiều tàu tuần tra cho Philippines; tháng 6 năm 2014 tại Hội nghị Ngoại giao-Quốc phòng Nhật Bản-Australia, Nhật Bản tuyên bố sẽ xuất khẩu công nghệ tàu ngầm lớp Soryu cho Australia.

Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)