Sự khác biệt giữa người chống xâm lược và kẻ đi xâm lược

"5 ngón tay còn có ngón ngắn ngón dài, nhưng tất cả trên một bàn tay"

11/09/2014 06:00
Vũ Hải Thanh - Viện KHXHNVQS
(GDVN) - “Phục thù báo oán, đó là lẽ thường tình của người ta. Không thích giết người là bản tâm của người nhân nghĩa”.

Điểm qua các cuộc khởi nghĩa và kháng chiến đánh đuổi bọn đô hộ và xâm lược nước ta, có thể thấy tư tưởng nhân nghĩa của dân tộc ta thể hiện rất rõ ở tư tưởng “đánh đuổi” địch và đem lại độc lập, tự do cho dân tộc là chính, chứ hoàn toàn không phải là đánh tiêu diệt toàn bộ quân xâm lược, cũng không phải là những cuộc “tắm máu” kẻ thù để “rửa hận”… Mặc dù sau các trận chiến thắng oanh liệt, quân ta đã đập tan đội hình và sức chiến đấu của địch, thừa đủ khả năng dốc sức tiêu diệt toàn bộ kẻ xâm lược trên bờ cõi.

Trong buổi lễ chào cờ đầu tuần vào sáng 12/5/2014, 800 học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã xếp hình bản đồ Tổ quốc nhằm phản đối việc Trung Quốc trái phép đưa gian khoan vào vùng biển Việt Nam. (ảnh minh họa nguồn VTV)
Trong buổi lễ chào cờ đầu tuần vào sáng 12/5/2014, 800 học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã xếp hình bản đồ Tổ quốc nhằm phản đối việc Trung Quốc trái phép đưa gian khoan vào vùng biển Việt Nam. (ảnh minh họa nguồn VTV)

Trong cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý, sau các trận chiến diễn ra ác liệt dọc theo phòng tuyến sông Cầu. Quân Tống rơi vào tình thế bế tắc, tiến lui đều khó, có nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Tổng chỉ huy Lý Thường Kiệt xin với vua Lý chủ động mở lối thoát cho kẻ địch bằng việc giảng hòa để quân Tống rút về nước, kết thúc chiến tranh, khỏi tốn thêm xương máu của cả hai bên mà vẫn đạt được mục đích của chiến tranh.

"5 ngón tay còn có ngón ngắn ngón dài, nhưng tất cả trên một bàn tay" ảnh 2   

"Dùng người tài,hướng lòng dân một dạ không lìa để xây thành giữ nước"  

(GDVN) - Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân trong thế kỷ XX, đã viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này..."

Theo Lý Thường Kiệt, như thế: “không nhọc tướng tá, khỏi tốn thêm xương máu mà bảo toàn được tôn miếu”. Cách kết thúc chiến tranh này đã hoàn toàn chứng tỏ được mục đích chính nghĩa và lòng nhân ái trong chiến tranh giữ nước của triều đình nhà Lý cũng như của quân dân ta.

Thời Trần chống quân Nguyên, kẻ thù ba lần xâm lược, giết hại nhân dân ta, tàn phá đất nước ta, tội ác đến mức “trời không dung, đất không tha”. Trần Quốc Tuấn đã viết Hịch tướng sỹ, khơi dậy lòng căm thù giặc, quyết chiến đấu vì mục tiêu đầy tính nhân văn là bảo vệ quyền sống, quyền tự do, quyền hưởng hạnh phúc của nhân dân ta.

Thực tiễn lãnh đạo tiến hành cuộc kháng chiến, Trần Quốc Tuấn luôn luôn tính toán và chuẩn bị kỹ càng sao cho ít hao người tốn của nhất. Khi địch còn chủ động và quá mạnh, ông cho quân dân ta tạm rút lui, tránh mũi nhọn của địch, bảo toàn lực lượng. Quyết không chặn đứng ngay quân địch bằng mọi giá theo kiểu “dốc túi đánh nước cuối cùng”.

Từ đó, cơ động lực lượng tạo thế và chờ cho quân địch suy yếu vì thiếu lương thực, ôm đau bệnh tật do không hợp khí hậu, đồng thời đánh tiêu hao dần. Đến thời cơ khi ta mạnh hơn hẳn địch mới tổng phản công đánh đuổi chúng về nước, nhằm vừa đạt được mục đích kháng chiến vừa đỡ thương vong cho quân dân ta.

Để bảo vệ nhân dân, nhà Trần cho thực hiện kế “vườn không nhà trống”, đưa nhân dân lẩn tránh vào rừng không để giặc giết hại, hạn chế thương vong về người và thiệt hại về tài sản cho dân thường trong suốt cuộc kháng chiến.

Khi kết thúc kháng chiến, cách xử lý thưởng phạt cũng thể hiện rất rõ tính nhân văn, nhân ái của triều Trần. Người có công lớn nhỏ đều được thưởng. Tuy nhiên, có một trường hợp tuy có công lớn nhưng không được thưởng là Hưng Trí Vương (con trai Trần Quốc Tuấn) vì khi đã có chiếu của vua để cho quân Nguyên tháo chạy, tha chết cho chúng mà còn chặn đường đón đánh. Khi giặc rút chạy, bỏ lại một hòm tờ biểu của những kẻ hàng giặc, vua Trần đã không truy cứu mà sai đem đốt đi để yên lòng người lầm lỗi.

Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, Nguyễn Trãi là người có công lớn, không những về tài thao lược quân sự mà còn củng cố và nêu cao tính nhân văn nhân nghĩa cho quân dân ta trong cuộc kháng chiến này.

Với quan điểm “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, Nguyễn Trãi luôn căn dặn, giáo dục quân khởi nghĩa phải “hun đúc điều nhân nghĩa”, thấy mục tiêu của cuộc khởi nghĩa là đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, giành lại cuộc sống hòa bình, ấm no cho nhân dân ta.

Ông luôn chú trọng đến việc hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho quân dân ta và thậm chí là cả cho quân địch. Mục tiêu là đánh đuổi địch, chứ không phải là đánh tiêu diệt, nên Nguyễn Trãi chủ trương bao vây, diệt viện, tạo thế, dụ hàng địch.

Trừ những trận địch ngoan cố liều chết chống trả, nghĩa quân mới buộc phải đánh tiêu diệt: Trận Chi Lăng, Xương Giang thây chết đầy đường, máu trôi đỏ nước.

Nhiều trận quân ta đủ sức công thành, diệt gọn quân Minh, nhưng đánh thành thì hao tổn xương máu quân sỹ. Với lại theo Nguyễn Trãi “lấy thù trả thù, tai vạ không thôi”, “quyết sống mái” sẽ “làm khổ cho quân sỹ hai nước”.

Vì vậy, bao vây dụ hàng làm cho địch thế cùng lực kiệt, tinh thần sa sút phải nhận đầu hàng. Lúc kẻ thù đã “sợ chết tham sống mà thực muốn cầu hòa” thì “ta lấy toàn quân làm cốt mà cho dân được nghỉ”. Đó là “mưu kế cực kỳ sâu xa”. Mở đường cho giặc, dụ hàng chúng: “Nếu như muốn kéo quân về nước, thì cầu đường sửa xong, thuyền ghe sắm đủ, thủy lục hai đường, tùy theo ý muốn mà đưa quân ra cõi, yên ổn muôn phần”[1].

Cuối cùng, những đòn quân sự, binh vận… đã làm quân Minh tan dã tinh thần chiến đấu và lâm vào nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Tướng sỹ ta cùng nhân dân, trước tội ác “ngút trời” của giặc, nhiều người bị địch giết  hại cha mẹ, bà con… xin với Lê Lợi, đợi quân địch rút ra khỏi thành sẽ đánh một trận lớn, giết sạch quân giặc để nguôi mối hận của trời đất, của thần và người, để an ủi những linh hồn vô tội oan uổng, để rửa nỗi nhục của nước nhà, để hả tấm lòng của trung thần nghĩa sỹ.

Lê Lợi khuyên mọi người rằng: “Phục thù báo oán, đó là lẽ thường tình của người ta. Không thích giết người là bản tâm của người nhân nghĩa. Vả lại người ta đã hàng mà còn giết thì không có gì không lành hơn nữa. Để hả mối giận một sớm mà mang tiếng giết hàng muôn đời, thì sao bằng để sống ức vạn người mà hết mối họa chiến tranh cho hậu thế, khiến sử xanh ghi chép, nghìn thủa lưu thơm, như thế chẳng là lớn sao?”[2].

Rồi hạ lệnh các tướng giải vây cho địch, thả tù binh, cấp cho năm trăm chiến thuyền cùng lương thảo, để cho 30 vạn quân Minh an toàn rút về nước. Sau đó vua ta nhún nhường dâng biểu tạ lỗi với vua Minh, nhà Minh trả lại đất đai. Từ đấy dứt mối can qua, khôi phục bờ cõi.

Năm 1771, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra mang đầy đủ mục đích chính nghĩa, tư tưởng bác ái và hành động đầy tính nhân văn, dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Trong chiếu lên ngôi, Nguyễn Huệ đã nêu rõ mục đích dẹp loạn cứu dân: “Trẫm là người áo vải ở Tây Sơn, không có một thước đất, vốn không có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn, mong mỏi được vua hiền để cứu đời yên dân, vì vậy trẫm tập hợp nghĩa binh, mặc áo tơi, đi xe cỏ… cốt ý quét sạch loạn lạc, cứu vớt dân trong vòng nước lửa”[3].

Dẫn quân ra đến Tam Điệp, Quang Trung nói với các tướng lĩnh về sự tin tưởng vào chiến thắng nhanh chóng của quân ta song ông đã tính xa hơn, sau khi đánh đuổi xong giặc Thanh, phải tìm cách hòa giải với chúng để tránh họa binh đao sau này cho nhân dân ta.

Nguyễn Huệ nói: “Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính toán sẵn. Chẳng qua mươi ngày có thể đuổi được người Thanh. Nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp mười lần nước mình, sau khi bị thua một trận ắt lấy làm hổ thẹn mà lo mưu báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào mà làm như vậy. Đến lúc ấy chỉ có lời lẽ mới dẹp được binh đao…”[4].

Và sau khi đánh tan hơn 20 vạn quân Thanh, Nguyễn Huệ đã cử người đóng giả mình sang chầu vua Thanh và tiến hành các biện pháp ngoại giao khác. Từ đó buộc nhà Thanh đã công nhận nền độc lập của nước ta; thay đổi cách nhìn về vị thế nước ta, tôn trọng chủ quyền và văn hóa An Nam trong quan hệ giữa hai nước; bỏ lệ cống người, vàng và trả lại 7 châu xứ Hưng Hóa bị nhà Thanh chiếm đoạt. Với biện pháp ngoại giao sắc xảo này đã mở ra cho dân tộc Việt Nam một thời kỳ độc lập, hòa bình, ổn định mới, loại trừ được mối hiểm họa ngoại xâm từ phương Bắc cho nhân dân ta dưới triều Tây Sơn.

Bước sang thế kỷ XX, lãnh tụ Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, người đại diện cho tinh hoa văn hóa dân tộc đã chủ trương tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc với tính nhân văn, nhân bản sâu sắc.

Trong cuộc cách mạng ấy, Bác Hồ và Đảng ta luôn chú trọng hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của cho quân dân ta. Cách mạng tháng Tám là một điển hình về cuộc khởi nghĩa ít đổ máu mà vẫn đạt được mục đích giành lại độc lập dân tộc.

Khi kháng chiến nổ ra, không thể tránh khỏi sự hy sinh, mất mát của chiến sỹ và nhân dân, Hồ Chí Minh rất đau xót: “Tôi rất đau lòng thương xót đồng bào lâm vào hoàn cảnh ấy, vì lũ thực dân hung ác, nhưng một phần cũng vì tôi, người phụ trách số phận đồng bào, chưa lập tức xua đuổi được loài thú dữ và cứu vớt ngay đồng bào ra khỏi địa ngục thực dân”[5].

Chủ trương xuyên suốt là “đánh đuổi quân xâm lược” và đánh đổ bọn chính quyền bù nhìn, tay sai cho chúng. Điều đó thể hiện rất rõ trong câu nói “đánh cho mỹ cút đánh cho ngụy nhào”. Chứ hoàn toàn không phải là đánh để tiêu diệt hoàn toàn, không phải là để giết hết kẻ thù xâm lược và tay sai của chúng.

Đối với những người lầm đường lạc lối trong chiến tranh, theo địch chống lại cách mạng, Người vẫn mong muốn thức tỉnh phần lương tri chỉ còn ít ỏi trong họ và đối xử khoan hồng độ lượng.

Người căn dặn: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng văn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhớ rằng đã là con lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc. Đối với đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”[6].

Ngày nay, Việt Nam đang đứng trước thử thách lịch sử phải bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nó nằm trong công cuộc đấu tranh lâu dài, gia khổ, song lại mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Đó là hành động bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân tộc Việt Nam, giữ gìn lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Là hành động bảo vệ quyền bình đẳng, lòng tự tôn dân tộc, thể diện quốc gia, phẩm giá con người Việt Nam, bảo vệ các giá trị văn hóa, văn minh chung của nhân loại - các giá trị được ghi nhận trong luật pháp quốc tế.

Đồng thời chống lại mọi âm mưu và hành động xâm lược biển đảo, giết hại bộ đội ta, chiếm đoạt chủ quyền và tài nguyên quốc gia của chúng ta. Tức là chống lại cái ác, cái dã man, cái tham lam bất chính (bất chấp luật pháp quốc tế) của nhà cầm quyền Trung Quốc, chống lại những gì phản văn hóa, văn minh.

Có lẽ chúng ta cần làm cho người Trung Quốc nhớ lại câu nói đầy tính nhân văn mà một nhà tư tưởng có ảnh hưởng hàng ngàn năm đối với nền văn hóa của họ là Khổng Tử, ông đã căn dặn người dân và đất nước của ông rằng: “Đừng làm cho người điều mà mình không muốn người làm cho mình”.

 

Tài liệu tham khảo:

 [1] Nguyễn Trãi, Toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr.120.

 [2] Nguyễn Trãi, Toàn tập, Sđd, tr.120.

 [3] Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê Nhất thống chí, Nxb Văn học, Hà Nội, 1964, tr.359.

 [4] Ngô Gia Văn Phái, Sđd, tr.360-361.

 [5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.560.

 [6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Sđd, tr.246.

Vũ Hải Thanh - Viện KHXHNVQS