Vừa tắm biển vừa lo bị cá mập 'đớp'

23/09/2011 07:12
Uyên Thu/Sài Gòn Tiếp thị
Du khách ngày càng lo ngại khi gần đây ngư dân liên tiếp bắt được cá mập gần bờ biển thành phố Quy Nhơn, Bình Định.
Đến nay đã có mười người bị cá mập tấn công khi đang tắm ở gần bờ biển Quy Nhơn. Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ người tắm biển trước nguy cơ bị cá dữ tấn công.
Cá mập ngày càng vào gần bờ
Một góc của bãi biển Quy Nhơn. Ảnh: Uyên Thu
Một góc của bãi biển Quy Nhơn. Ảnh: Uyên Thu
Vụ cá dữ tấn công người tắm biển ở thành phố Quy Nhơn đầu tiên xảy ra hồi tháng 7.2009. Từ đó đến nay, ngư dân liên tục bắt được cá mập ở khu vực biển gần bờ này. Tuần qua, chỉ trong bốn chuyến đánh giã cào gần bờ liên tiếp, hai tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Luyến (ngụ phường Trần Phú, thành phố Quy Nhơn) đã bắt được bảy con cá mập sọc trắng tại khu vực biển gần Hòn Đất, thuộc phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn.
Theo nhận định của một số ngư dân, có thể khu vực biển trên là “ổ” cá mập vừa sinh sản. Các vụ cá dữ tấn công người tắm biển ở thành phố Quy Nhơn cũng xảy ra ngày càng gần bờ hơn.

Thậm chí, có vụ chỉ cách bờ 5m. Chẳng hạn, vụ cá mập rượt cắn bà Trương Thị Tánh (60 tuổi), bà Nguyễn Thị Thu Thảo (58 tuổi) xảy ra trong mùa hè năm trước. Từ tháng 7.2009 đến nay, đã có hơn mười người bị cá mập tấn công khi đang tắm ở gần bờ biển Quy Nhơn; riêng mùa hè năm 2010, có tám trường hợp bị cá dữ tấn công, trong đó nhiều người bị thương nặng.
Vừa tắm biển vừa lo cá mập
Hiện chưa có cơ quan chức năng nào thống kê số lượng người tắm biển, du khách đến với thành phố Quy Nhơn giảm bao nhiêu sau khi bờ biển này xuất hiện nhiều cá mập và nhiều người tắm biển bị thương do cá mập tấn công. Ông Trần Văn Dự (ngụ phường Lê Hồng Phong, thành phố Quy Nhơn) nói: “Thấy người ta liên tục bắt được nhiều cá mập ở gần bờ và không ít người tắm biển bị cá tấn công, phần lớn người tắm biển đều e ngại.

Trước đây, nhiều người có thể bơi ra xa hàng trăm mét, bây giờ họ ngại, chủ yếu tắm gần bờ”. Một số khu vực đã bắt được cá mập trước đây gần phường Ghềnh Ráng, nay thường hay vắng người.
Bà Trúc Tâm, quản lý một khách sạn ven biển Quy Nhơn nói: “Nhiều du khách tỏ ra lo ngại khi tắm biển. Do đó, chúng tôi trấn an, hướng dẫn họ chọn các khu vực tắm an toàn”. Tuy nhiên, ông Đinh Khắc Diện, phó giám đốc sở Văn hoá – thể thao và du lịch Bình Định, nói: “Hiện tượng cá mập xuất hiện nhiều, chưa ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch của tỉnh”.
Chưa xác định nguyên nhân
Một con cá mập bắt được gần bờ biển Quy Nhơn. Ảnh: Uyên Thu
Một con cá mập bắt được gần bờ biển Quy Nhơn. Ảnh: Uyên Thu

Lý giải hiện tượng cá mập xuất hiện ngày càng nhiều gần bờ Quy Nhơn, nhiều ý kiến cho rằng, các lồng bè nuôi thuỷ sản là “thủ phạm” dẫn dụ cá mập vào gần bờ; ngoài ra hàng trăm tàu thuyền neo đậu ở khu vực này làm rơi vãi nguồn thức ăn thu hút cá mập.

Ông Nguyễn Hữu Hào, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định, nhận định: “Vùng biển Quy Nhơn có nguồn thức ăn dồi dào, nên nhiều đàn cá mập trắng kéo nhau vào để sinh sản”. Không đồng tình với ý kiến này, các nhà khoa học thuộc viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, thực tế có nhiều nơi ven biển Việt Nam cũng nuôi thuỷ sản, tàu thuyền cũng neo đậu gần bờ, nhưng chưa có hiện tượng này. Mặt khác, nếu lồng bè nuôi thuỷ sản là mồi nhử, thì nhiều loài cá khác cũng có thể vào chứ không riêng cá mập.
Chính vì thế, từ tháng 8.2010 đến nay, viện Hải dương học Nha Trang đã phối hợp sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học hiện tượng cá dữ tấn công người tắm biển ven bờ Quy Nhơn và đề xuất các giải pháp phòng ngừa”.

Để phục vụ nghiên cứu đề tài này, các nhà khoa học thuộc viện Hải dương học Nha Trang đã tổ chức sáu chuyến khảo sát và đã câu được hai con cá mập ở gần bờ biển Quy Nhơn. Song, đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận nguyên nhân vì sao cá mập xuất hiện nhiều ở vùng biển này.
“Kết quả nghiên cứu bước đầu có thể khẳng định vùng biển Quy Nhơn đang có nhiều cá mập. Nhưng, để lý giải về nguyên nhân cá mập hay xuất hiện nhiều tại vùng biển này, cần tổ chức nghiên cứu thêm nhiều yếu tố khác như: địa hình vùng biển, đặc điểm nguồn nước… Từ đó, chúng tôi mới có thể đề xuất các giải pháp phòng tránh cá mập tấn công, bảo vệ người tắm biển”, ông Võ Văn Quang, phó phòng nguồn lợi động vật có xương sống biển, viện Hải dương học Nha Trang, nói.
Uyên Thu/Sài Gòn Tiếp thị