Trần Hổ: Tàu ngầm hạt nhân Mỹ uy hiếp Trung Quốc ở Biển Đông

20/09/2014 09:13
Việt Dũng
(GDVN) - Phát biểu của thuyền trưởng tàu ngầm Mỹ phát đi nhiều thông điệp, Mỹ sẽ triển khai dày đặc lực lượng tàu ngầm ở khu vực thời gian tới để răn đe Trung Quốc.
Mỹ cải tạo một phần tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio thành tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Mỹ cải tạo một phần tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio thành tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Tân Hoa xã ngày 19 tháng 9 đăng bài viết của chuyên gia quân sự Trung Quốc Trần Hổ, cho rằng, gần đây, thuyền trưởng tàu ngầm hạt nhân USS Michigan là Pearson tiết lộ với truyền thông cho biết, biển Hoa Đông, Biển Đông, Philippines - những khu vực này giống như sân sau của Mỹ, điều này đã gây chú ý rất lớn trên báo chí Trung Quốc.

Trần Hổ cho rằng, phát biểu này có rất nhiều thông điệp đáng chú ý, trước hết là Mỹ tại sao vào lúc này lại buông ra thông tin này?

Việc chỉ huy tàu ngầm Quân đội Mỹ trả lời phỏng vấn báo chí là điều ít gặp, tàu ngầm chủ yếu thực hiện nhiệm vụ bí mật, cho nên việc tiết lộ cho bên ngoài hoàn toàn không nhiều. Hơn nữa, hiện nay, Mỹ để cho thuyền trưởng tàu ngầm USS Michigan trả lời phỏng vấn báo chí rõ ràng không phải là tùy tiện, như vậy mục đích của họ là gì?

Theo bài viết, hiện nay, Mỹ một mặt muốn ứng phó với cuộc khủng hoảng Ukraine, mặt khác muốn tiến hành một cuộc chiến tranh chống khủng bố mới, ứng phó tình hình Iraq, đồng thời muốn bảo vệ phương châm chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, rõ ràng lúc này Mỹ cần áp chế đối với Trung Quốc, hình thành sự "uy hiếp" mạnh mẽ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cho nên có thể lý giải, thuyền trưởng tàu ngầm Mỹ lúc này phát biểu như vậy chủ yếu là để bảo đảm thực hiện mục tiêu ở châu Á-Thái Bình Dương, một mặt phát đi tín hiệu uy hiếp mạnh mẽ đối với Trung Quốc, mặt khác nói với một số nước xung quanh rằng khu vực này vẫn là phạm vi ảnh hưởng của Mỹ, muốn "đi nhờ xe" ở khu vực này, muốn gần “người lắm tiền” thì phải tìm Mỹ, phải đi theo Mỹ.

Khoang phóng tên lửa hạt nhân chiến lược của tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio Mỹ
Khoang phóng tên lửa hạt nhân chiến lược của tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio Mỹ

Từ góc độ những người yêu thích quân sự, dư luận còn quan tâm tàu ngầm Michigan đến đây làm gì, đang "đi dạo" hay là một hoạt động thường xuyên?

Điều này có liên quan đến tính chất của bản thân tàu ngầm hạt nhân USS Michigan, chiếc tàu ngầm này là một chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio được cải tiến, lớp Ohio vốn là tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa chiến lược, thực hiện nhiệm vụ tấn công chiến lược.

Vài năm trước, Mỹ đã cải tiến 4 tàu ngầm lớp Ohio, chuyển đổi từ tàu ngầm tên lửa đạn đạo sang thành tàu ngầm tên lửa hành trình. Sau khi chuyển đổi, chiếc tàu ngầm gần 20.000 tấn này nhiều nhất có thể mang theo 154 quả tên lửa hành trình, hơn nữa còn có thể mang theo lực lượng đặc nhiệm, thực hiện các hành động bí mật và hành động tác chiến đặc biệt. Mỹ triển khai vũ khí cấp chiến lược này như vậy ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc.

Bài viết đặt câu hỏi: Mỹ triển khai tàu ngầm bí mật này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một hành động mang tính lâm thời hay thường xuyên?

Theo bài báo, nhìn vào thái độ của thuyền trưởng Mỹ, đến đây thực hiện nhiệm vụ theo dõi và một số nhiệm vụ bí mật, rõ ràng đây phải là một hành động thường xuyên. Nhìn vào phạm vi lớn hơn, tàu ngầm hạt nhân Mỹ hoạt động ở khu vực này e rằng cũng không chỉ có một chiếc tàu ngầm Michigan, những năm tới, khu vực này sẽ là khu vực hoạt động dày đặc của lực lượng tàu ngầm Mỹ.

Thuyền trưởng Mỹ phát biểu như vậy gây kích thích rất lớn đối với truyền thông, những người yêu thích quân sự, thậm chí các chuyên gia quân sự Trung Quốc, dẫn đến các loại phản ứng khác nhau.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio Hải quân Mỹ (nguồn mạng quân sự sina Trung Quốc)
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio Hải quân Mỹ (nguồn mạng quân sự sina Trung Quốc)

Theo bài báo, có người cho rằng, điều này bộc lộ rõ bộ mặt bá quyền của Mỹ, coi vùng biển cách xa lãnh thổ Mỹ ngàn dặm là sân sau của Mỹ thực sự là "ngang ngược". Nhưng chưa đủ, chỉ dựa vào "hỏa lực mồm" không đủ, phần nhiều hơn là dựa vào thực lực.

Có thể tưởng tượng, nếu tàu ngầm hạt nhân Mỹ xâm nhập vùng biển xung quanh Trung Quốc, sẽ bị Trung Quốc "phát hiện" bất cứ lúc nào, sẽ bị Trung Quốc “theo dõi”. Bài viết đặt câu hỏi, Trung Quốc có khả năng tiến hành xua đuổi nó và kết quả sẽ như thế nào?

Chỉ dựa vào "hỏa lực mồm" không đủ, thực lực rõ ràng là nhân tố quan trọng hơn. Với ý nghĩa này, không thể chỉ nhìn thấy thành tựu xây dựng quốc phòng của Trung Quốc những năm qua, mà cần nhận thức được những hạn chế và khoảng cách của Trung Quốc.

Theo bài viết, muốn bảo vệ cái gọi là "lợi ích an ninh quốc gia", không dựa vào "hỏa lực mồm", mà dựa vào thực lực, nhiệm vụ của Quân đội Trung Quốc là nặng nề và phải đi con đường dài.

Việt Dũng