La Viện kêu gọi Đài Loan bảo vệ cái gọi là "tổ tông để lại"

20/09/2014 08:45
Đông Bình
(GDVN) - La Viện đặc biệt lo ngại về chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ ở khu vực, đòi Trung Quốc phải có chiến lược "tái tái cân bằng", trong đó có hợp tác với Đài Loan.
La Viện, phó hội trưởng Hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc (nguồn Tin tức bình luận Trung Quốc - báo Hồng Kông)
La Viện, phó hội trưởng Hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc (nguồn Tin tức bình luận Trung Quốc - báo Hồng Kông)

Tờ "Tin tức bình luận Trung Quốc" Hồng Kông ngày 19 tháng 9 đăng bài viết phỏng vấn La Viện, phó hội trưởng Hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc tuyên truyền xuyên tạc cho rằng, máy bay quân sự Mỹ đến gần do thám và "kích động" các nước xung quanh hình thành "vòng vây ngăn chặn" đối với Trung Quốc là một biểu hiện hành vi không hữu nghị, thậm chí "đối đầu".

Theo kiến nghị của La Viện, đối với hành động thông qua "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" phá vỡ tình hình Biển Đông này của Mỹ, Trung Quốc cần phải áp dụng phương thức "tái tái cân bằng chiến lược" để bảo vệ cái gọi là "chủ quyền Biển Đông".

Đồng thời, ông ta còn kêu gọi hai bờ (Trung Quốc và Đài Loan) bất kể tồn tại bất đồng chính trị lớn thế nào, khi đối mặt với cái gọi là "nước ngoài xâm lược Biển Đông", thì "con cháu Viêm Hoàng hai bờ cần đứng ở góc độ đại nghĩa dân tộc cùng bảo vệ Tổ quyền" (quyền lợi tổ tiên – Trung Quốc không có quyền lợi này ở vùng biển dưới đảo Hải Nam).

Phê phán Mỹ bá quyền

Đặt vấn đề "máy bay quân sự Mỹ đến gần do thám thể hiện thái độ bá quyền", bài báo cho rằng, khi tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN vào tháng 8 năm nay (2014), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thúc đẩy Ngoại trưởng các nước ASEAN ra tuyên bố bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" đối với tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông.

Sau vài hôm, máy bay trinh sát P-8 Mỹ đã "không thông báo, bay vào Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông Trung Quốc tiến hành đến gần do thám", Trung Quốc cử máy bay chiến đấu tiến hành chặn lại, Lầu Năm Góc Mỹ bày tỏ phản đối.

Đối với vấn đề này, La Viện cho rằng, máy bay quân sự Mỹ tới tấp đến khu vực duyên hải Trung Quốc tiến hành do thám cự ly gần, có thể gọi là "nghiện nhìn trộm". Đây cũng là một trong 3 trở ngại lớn tồn tại lâu dài trong quan hệ quân sự Trung-Mỹ.

Ông cho rằng, Trung Quốc từng nhiều lần đưa ra vấn đề này với Mỹ, nhưng Mỹ không chỉ không có bất cứ thức tỉnh nào, trái lại ngày càng táo tợn, thậm chí phản đối Trung Quốc tiến hành giám sát máy bay quân sự của hộ ở "cửa nhà mình". 

Trong quan hệ này hoàn toàn là một thái độ "bá quyền", "giống như toàn thế giới này là của bố, bố sẵn sàng đến đâu thì đến" (La Viện dùng ngôn từ ngông cuồng giữa một thế giới văn minh hiện đại).

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ (ảnh minh họa)
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ (ảnh minh họa)

Theo La Viện, Trung Quốc tiến hành cảnh giới và theo dõi, lấy chứng cứ đối với máy bay quân sự đến gần do thám, điều này là "quyền lợi hợp pháp" của Trung Quốc. Nhưng, Mỹ lại cảm thấy không thoải mái đối với vấn đề này, còn đưa ra phản đối.  La Viện nói thêm: "Chúng ta nhìn thấy họ cả gan, nhưng chưa nhìn thấy họ ngang ngược".

Theo La Viện, hiện nay hai nước Trung-Mỹ đã đạt được đồng thuận, muốn xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới”, cốt lõi của nó chính là bình đẳng, tôn trọng, cùng có lợi, cùng thắng, không xung đột, không đối đầu. 

Trung Quốc rất coi trọng hai chữ "bình đẳng" trong quan hệ nước lớn kiểu mới, bởi vì trong quan hệ quốc tế không có chúa cứu thế, cũng không có "anh cả" tự nhiên. Nếu Mỹ đến, Trung Quốc phải nhượng bộ và ở một tư thế thấp thì bản thân điều này chính là một sự không cân bằng.

La Viện cho rằng, quan hệ nước lớn kiểu mới được xây dựng như vậy chỉ có 2 khả năng: Một là phương thức thù địch, kẻ mạnh nhất định sẽ phát triển và nuốt chửng bạn, bởi vì kẻ yếu luôn phải nằm trong trạng thái bị đánh một cách bị động. 

Hai là đưa kẻ yếu vào hệ thống của họ, hai bên trở thành quan hệ giữa chủ và đầy tớ, làm việc theo gậy chỉ huy của Mỹ. Trong khi đó, hai phương thức này đều không phải là ý nghĩa của "quan hệ nước lớn kiểu mới", bởi vì quan hệ nước lớn kiểu mới trước hết phải bình đẳng.

La Viện cho rằng, Mỹ đưa ra chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", tuyên bố không phải ngăn chặn Trung Quốc, nhưng tới tấp "gây khiêu khích" với Trung Quốc, thậm chí lôi kéo các "đối tác nhỏ" (La Viện tỏ ý khinh thường các nước khác) xung quanh "kéo bè kéo cánh đánh Trung Quốc".

Theo La Viện, Mỹ tiến hành đến gần do thám Trung Quốc, kích động các nước xung quanh hình thành vòng vây ngăn chặn đối với Trung Quốc, những điều này đều là một loại đối đầu, ít nhất không phải là biểu hiện của hành vi hữu nghị.

 Bởi vì, khi Mỹ đứng trước các đồng minh như Anh hoàn toàn sẽ không áp dụng hành động đến gần do thám, sẽ càng không hình thành vòng vây ngăn chặn ở xung quanh họ.

Vì vậy, La Viện cho rằng, Mỹ nói "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ không phải là để ngăn chặn Trung Quốc" hoàn toàn không có sức thuyết phục, đến bản thân người Mỹ cũng đều sẽ không tin. Quân đội Trung Quốc cũng từng nhiều lần bày tỏ hoài nghi về mục đích đến châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

La Viện đặt câu hỏi: "Châu Á-Thái Bình Dương rốt cuộc có chỗ nào không cân bằng?". Rồi phán rằng, "chiến lược tái cân bằng" của Mỹ lấy mất cân bằng chiến lược" của nước khác làm tiền đề.

Trung Quốc lấn biển ở đá Gạc Ma, quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn mạng sina Trung Quốc ngày 18 tháng 9 năm 2014)
Trung Quốc lấn biển ở đá Gạc Ma, quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn mạng sina Trung Quốc ngày 18 tháng 9 năm 2014)

La Viện cho rằng, Trung Quốc áp dụng hành động "bảo vệ chủ quyền" ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tiến hành khảo sát, thăm dò và xây dựng hạ tầng cơ sở "bình thường" (Trung Quốc đang lấn biển bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam). 

Nhưng, Mỹ lại muốn "trói buộc chân tay" của Trung Quốc, đề xuất "phương án đóng băng", không cho phép Trung Quốc áp dụng các hoạt động "bảo vệ chủ quyền" tiếp theo, bản thân điều này là đang kéo bè kéo cánh.

La Viện bày "mưu kế" cho rằng: Đối với tình hình Biển Đông "đã bị các nước xung quanh phá vỡ" này, Trung Quốc phải áp dụng "chiến lược tái tái cân bằng", đây không phải là nhằm vào bất cứ nước nào, mà là vì cái gọi là nhu cầu "bảo vệ chủ quyền Biển Đông" của Trung Quốc, là vì cái gọi là "bảo vệ hòa bình và ổn định Biển Đông".

Đối với "hành vi không hữu nghị" ngang nhiên do thám đối với Trung Quốc của Mỹ, La Viện đề xuất, Trung Quốc cần phải có phản ứng thích hợp, bản thân điều này cũng là một loại "cân bằng chiến lược".

Kêu gọi hai bờ bảo vệ "cái tổ tông để lại"

Theo bài báo, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc luôn tích cực kêu gọi hai bờ tiến hành hợp tác, nhưng Đài Loan hoàn toàn “không có nhiều hưởng ứng”. 

Đối với vấn đề này, La Viện cho rằng, cùng gốc gác, cùng tổ tiên là ước số chung lớn nhất hiện nay của hai bờ, tuy chính kiến có khác nhau, nhưng bất kể như thế nào thì đều phải có sự đồng tình, tình cảm dân tộc.

Bởi vì: "Cho dù 100 năm sau, có yên ổn xuống mồ, hàng vạn năm sau, người ta khảo cổ phát hiện, mời chúng ta lên, xem DNA của chúng ta, ai cũng không thể trở thành người Mỹ hay người Nhật Bản, chúng ta vẫn là con cháu Viêm Hoàng. 

Vì vậy, tài sản và quyền lợi chung do tổ tiên để lại (tổ sản, tổ quyền) của chúng ta không thể mất đi, bất kể hai bờ có bao nhiêu bất đồng chính trị, khi tổ quyền của chúng ta bị xâm phạm, con cháu Viêm Hoàng hai bờ đều cần có tinh thần đại nghĩa dân tộc, từ bỏ hiềm khích, bảo vệ tổ quyền quốc gia" – La Viện kêu gọi.

Giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 Trung Quốc đã hạ đặt phi pháp ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014 (ảnh tư liệu minh họa)
Giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 Trung Quốc đã hạ đặt phi pháp ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014 (ảnh tư liệu minh họa)

Ngoài ra, La Viện còn lo ngại, hai bờ đã nhiều lần đề xuất xây dựng cơ chế lòng tin quân sự, kết thúc trạng thái đối đầu, khẩu hiệu cũng rất nhiều, nhưng tiến triển thực chất lại rất ít. "Chỉ nghe tiếng cầu thang, chưa thấy người đi xuống". 

Hiện nay, người Hoàng Phố thế hệ cũ ngày càng ít đi, thế hệ Hoàng Phố thứ hai, thứ ba cũng đã đến tuổi 60. Hai bờ cần có một ý thức cấp bách, vấn đề thống nhất và vấn đề khu vực không thể kéo dài mãi.

Theo La Viện, trong bối cảnh phát triển hòa bình hiện nay của hai bờ, cần làm nhiều việc thật. Nếu không sẽ "thẹn" danh hiệu Hoàng Phố. Đối với vấn đề này, La Viện đưa ra 3 kiến nghị thúc đẩy "hợp tác hai bờ trong vấn đề Biển Đông":

Thứ nhất, đối với vấn đề khẳng định chủ quyền đảo đá Biển Đông, hai bờ có thể tổ chức hội thảo, đưa ra các chứng cứ khác nhau của hai bên, hình thành tiếng nói chung, nhất trí cùng tuyên bố "tổ quyền" với bên ngoài. La Viện nói, tiếng nói chung sẽ lớn hơn tiếng nói của một bên, sức ảnh hưởng quốc tế cũng lớn hơn.

Thứ hai, về quân sự, hai bờ cũng cần tiến hành một số hợp tác cần thiết. La Viện nói, khi vấn đề lòng tin chính trị hai bờ chưa được giải quyết, hai bờ muốn tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông có độ khó nhất định. Nhưng, ít nhất hai bên có thể có thỏa thuận ngầm, chẳng hạn trong quá trình tuần tra của mỗi bên, một bên không nên gây phiền phức cho bên kia, thậm chí có thể cung cấp một số thông tin thuỷ văn, địa chất hoặc bảo đảm hậu cần cho đối phương.

Ngoài ra, các tướng lĩnh nghỉ hưu hai bờ của Hội đồng môn Hoàng Phố cũng có thể tiến hành một số nghiên cứu thảo luận kín. Một khi Biển Đông thực sự xảy ra khủng hoảng, hai bờ ít nhất có thể cung cấp kiến nghị tư vấn trong một số hành động.

Thứ ba, mô hình đầu tư xây dựng nhà máy, mở doanh nghiệp của Đài Loan ở Trung Quốc rất thành công. La Viện cho rằng, có thể vận dụng kinh nghiệm này trong "hợp tác trên biển". Chẳng hạn, tiến hành “khai thác chung” trên biển, hai bờ có thể thiết lập một số giàn khoan thăm dò. Nếu trong tương lai khắp Biển Đông đều có giàn khoan của Trung Quốc, khi đó, tình hình Biển Đông sẽ có một sự thay đổi rất lớn.

Ngoài ra, hai bên còn có thể xem xét cùng khai thác ngành du lịch Biển Đông, kinh nghiệm thành công của trung tâm du lịch quốc tế Maldives cũng có thể tham khảo cho Biển Đông. Hai bờ có thể áp dụng hình thức công ty liên doanh, xây nhà giàn ở Biển Đông, làm cho nó trở thành điểm thăm quan du lịch quốc tế v.v...

Tóm lại, hai bờ xây dựng lòng tin, "ngồi mà nói suông" không bằng liên kết, xuất phát từ điểm đan xen lợi ích hai bờ và điểm đồng thuận, áp dụng một số hành động thực tế, thúc đẩy phát triển vững chắc quan hệ hai bờ.

Đông Bình