5 sự kiện xã hội nổi bật tuần qua

21/09/2014 15:08
Diệu Linh (Tổng hợp)
(GDVN) - Cán bộ tòa mặc cả tiền chạy án; Bão số 3 khiến nhiều ngôi nhà và cửa hàng bị tốc mái; Tướng Chung giải cứu con tin...là các sự kiện xã hội đáng chú ý tuần qua.

Bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng

Đêm 16/9, bão số 3 (Kalmaegi) với sức gió giật cấp 10 đi vào Quảng Ninh, Hải Phòng. Tại TP Hải Phòng đã bị mất điện trên diện rộng. Bão đã đổ bộ với sức gió lên tới cấp 7, cấp 8, giật cấp 9 cấp 10. Hầu hết các tuyến đường tại TP Hải Phòng đều bị ngập lụt, mọi hoạt động kinh doanh buôn bán bị ngưng trệ. Trên các tuyến đường, người dân di chuyển phải dắt xe vì gió ngày càng mạnh lên. Mặc dù công tác phòng chống bão đã được chuẩn bị kỹ từ trước, nhưng tại một số công trình xây dựng, nhà dân ở vùng ven TP Hải Phòng đã có tình trạng tốc mái, rất may không có thiệt hại về người.

Còn tại Móng Cái (Quảng Ninh) hệ thống lưới điện bị tê liệt từ đêm cho tới sáng nay vẫn đang tìm cách khắc phục. Rất nhiều gốc cây bị gió bật lên, nhiều mái nhà bằng tôn và các cửa hàng tạp hóa bị bão kéo xô lệch. Hàng loạt mái tôn ở các nhà dân bị gió lốc cuốn văng ra đường. Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường trong trung tâm thành phố bị ngập sâu, giao thông chia cắt.

Bão làm tốc nhiều mái tôn và các cửa hàng tạp hóa ở Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh TNO.
Bão làm tốc nhiều mái tôn và các cửa hàng tạp hóa ở Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh TNO.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều tỉnh ở khu vực miền Bắc có mưa và mưa lớn kéo dài. Đặc biệt mưa lớn kéo dài từ đêm 17 đến sáng 18/9 đã khiến 16 xã, thị trấn của huyện Phú Lương (Thái Nguyên) bị ảnh hưởng, hàng trăm ha lúa và cây màu bị ngập nước, nhiều hộ dân bị cô lập. Nhiều tuyến đường, đặc biệt là đoạn Quốc lộ 3 đi qua địa bàn thị trấn Giang Tiên tiếp giáp với xã Phấn Mễ và đoạn Km31 rẽ sang tỉnh lộ 268 bị ngập sâu gây ách tắc giao thông cục bộ.

Do nước từ trên nguồn đổ về nhiều, bể lắng của Công ty Phát triển miền núi thuộc địa phận xóm Huyền Thông, xã Động Đạt bị vỡ. Một cháu bé 4 tuổi ở xóm Cao Sơn, xã Sơn Cẩm bị nước cuốn trôi và đã tìm thấy thi thể.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung giải cứu con tin

Ngày 16/9, Công an Hà Nội nhận được tin báo nhà tại số nhà 401, E6, Khu tập thể Thanh Xuân Bắc có một đối tương đang dùng dao chốt cửa khống chế một phụ nữ và hai cháu nhỏ. Đối tượng là Trần Thanh Bình (SN 1985), trú tại khu 7, phường Quang Trung, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Đích thân Giám đốc Công an Hà Nội - Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã đến hiện trường để thuyết phục đối tượng hạ vũ khí. Thiếu tướng Chung đã trực tiếp thuyết phục đối tượng 3 lần, đối tượng Bình đã đồng ý cho một mình Tướng Chung vào nhà, đồng thời yêu cầu yêu cầu cho gặp vợ con đối tượng sẽ đầu hàng. Sau khoảng 7 phút thuyết phục, đối tượng đồng ý cùng Tướng Chung ra ngoài và đầu thú.

Chiều 18/9, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an khen thưởng chiến công xuất sắc của CA TP Hà Nội trong vụ giải cứu con tin, bắt giữ đối tượng, bảo đảm an toàn cho người dân.
Chiều 18/9, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an khen thưởng chiến công xuất sắc của CA TP Hà Nội trong vụ giải cứu con tin, bắt giữ đối tượng, bảo đảm an toàn cho người dân.

Tại cơ quan công an, Trần Thanh Bình khai đã có 1 vợ và 1 con nhỏ 5 tháng tuổi. Hai vợ chồng đều làm ở công ty kho vận đá bạc Quảng Ninh. Vợ làm công nhân, Bình làm bảo vệ Cty. Do bức xúc, làm bảo vệ hèn nên muốn làm bảo vệ, muốn làm công nhân, vợ và gia đình không đồng ý cho làm công nhân, bỏ nhà lên Hà Nội từ 31/8 tìm việc, mang theo 4 triệu đồng. Khám xét nơi ở trọ của Bình, Công an thu giữ thêm 1 súng bắn đạn bi và 118 viên đạn, 1 côn 3 khúc, 1 bình xịt hơi cay.

Cán bộ tòa mặc cả chạy án giữa công đường

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa, vào tháng 7/2014, Công an huyện Triệu Sơn đưa ra kết luận điều tra đối với ông Nguyễn Bá Quý – nguyên chủ tịch UBND xã Tiến Nông (Triệu Sơn, Thanh Hóa) phạm tội cưỡng đoạt tài sản.

Để “thanh minh” cho hành vi của mình, Ông Quý đã thuê luật sư Lê Quốc Hiền - Trưởng đoàn luật sư Lê Quốc Hiền (Thanh Hoá) bào chữa.

Ngày 19/8/2014, ông Quý đến Tòa án Nhân huyện Triệu Sơn đặt vấn đề nhờ Chánh án Lê Ngọc Hiệp giúp đỡ. Tại đây, một cuộc ngả giá “làm tiền” trắng trợn, hiếm gặp giữa cán bộ tòa án và bị can đã diễn ra giữa "thanh thiên bạch nhật". Toàn bộ các cuộc hội thoại “kỳ kèo bớt một thêm hai” này đã được ghi âm lại.

TAND huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Giáo dục Việt Nam
TAND huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Giáo dục Việt Nam

Vòng vèo qua các "kênh", ông Quý được hướng dẫn đến gặp ông Lê Sỹ Thuần - thư ký Toà án huyện Triệu Sơn. Ông Thuần cầm 10 triệu và hướng dẫn ông Quý: “Anh vứt xuống tỉnh 20 cái (tiền - PV), lo đây 10 cái, tổng 30 cái, được lòng trước khỏi mất lòng sau, chính xác 100%. Còn nếu anh không tin tôi thì anh cứ đi hỏi nơi khác, nhưng khi anh quay lại phải nâng lên một ít nữa, tính tôi rất thật...”.

Thấy số tiền “chạy án” quá cao, ông Quý xin xuống 20 triệu nhưng ông Thuần không đồng ý: “Tội cưỡng đoạt khoản 2... ai cứu được anh”. Trước hành vi “vòi” tiền trắng trợn của lãnh đạo, cán bộ Tòa án nhân dân huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), ông Quý đã làm đơn tố cáo và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết.

Mỗi năm có hàng nghìn tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam

Thông tin quan trọng này được đưa ra trong hội nghị sơ kết 10 năm triển khai thực hiện Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc, được tổ chức sáng nay 19/9, tại thành phố Đà Nẵng.

Nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc gây hấn, phá hoại ngay trên vùng biển Việt Nam.
Nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc gây hấn, phá hoại ngay trên vùng biển Việt Nam.

Trong 10 năm qua kể từ khi Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc có hiệu lực, các bộ, ngành và địa phương đã tổ chức tốt việc triển khai thực hiện Hiệp định. Cơ quan thực thi và cơ quan giám sát thi hành Hiệp định của hai nước đã phối hợp tổ chức tốt việc duy trì sản xuất và giữ gìn an ninh trật tự trên biển. Việc cấp phép tàu cá hoạt động trên vùng biển này đã được triển khai nghiêm túc, đa số tàu cá được cấp phép đều đảm bảo tuân thủ quy định của Hiệp định và đúng đối tượng.

Trong suốt 10 năm qua, Việt Nam chỉ có 44 tàu cá Việt Nam bị lực lượng kiểm tra, kiểm soát phía Trung Quốc đã bắt giữ và xử phạt. Trong khi đó, mỗi năm, có khoảng 1200 lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam để khai thác hải sản trái phép.

Rơi thang máy tại TP.HCM, 6 người trọng thương

Khoảng 18h30 ngày 19/9, Khoa cấp cứu bệnh viện quận 2 (TP.HCM) tiếp nhận 6 nạn nhân gồm các cụ Nguyễn Văn Thắt (79 tuổi), Lê Thị Vơ (83 tuổi), Nguyễn Thị Mai (65 tuổi), Nguyễn Hữu Vinh (72 tuổi), Nguyễn Thị Dung (74 tuổi) và anh Mai Văn Hướng (38 tuổi) trong tình trạng đa chấn thương, choáng… do bị rơi trong lồng thang máy từ trên cao xuống đất.

Sau vụ tai nạn rơi thang máy, các nạn nhân được đưa vào bệnh viện quận 2 cấp cứu. Ảnh: Dân trí.
Sau vụ tai nạn rơi thang máy, các nạn nhân được đưa vào bệnh viện quận 2 cấp cứu. Ảnh: Dân trí.

Đại diện Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Tân Lập, ông Phùng Quang Thắng cho biết, sự cố xảy ra vào giờ tan lễ (khoảng 18h20 cùng ngày). Do công trình nhà thờ chưa hoàn thiện, thang máy chưa sử dụng được nên các cụ già và anh Hướng đã sử dụng thang máy vận chuyển vật tư để di chuyển xuống. Do anh Hướng bất cẩn bấm nhầm nút vận hành tốc độ cao nên chiếc thang máy tự chế lao xuống, đập mạnh xuống đất khiến cả 6 người bị thương.

Sau đó 5 nạn nhân (là các cụ già) đã được chuyển về Bệnh viện nhân dân Gia Định và Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.

Diệu Linh (Tổng hợp)