Tướng TQ tham gia Chiến tranh Biên giới dễ thành Phó Chủ tịch Quân ủy

22/09/2014 10:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Theo Tập Cận Bình, kinh nghiệm tham chiến là một tiêu chí quan trọng trong xem xét, cất nhắc tướng lĩnh quân đội.
Trương Hựu Hiệp (giữa), thời kỳ còn đeo lon Trung tướng, ảnh: Đại Công Báo.
Trương Hựu Hiệp (giữa), thời kỳ còn đeo lon Trung tướng, ảnh: Đại Công Báo.

Bưu điện Hoa Nam ngày 22/9 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ cất nhắc 2 tướng quân đội là thân tín của ông làm Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, một động thái nhằm tăng cường chiến dịch chống tham nhũng, tăng tốc độ cải cách quân đội.

Các tướng này vẫn chưa có thông báo chính thức, nhưng nguồn tin nói với Bưu điện Hoa Nam rằng, Lưu Nguyên, Thượng tướng - Chính ủy Tổng cục Hậu cần và Trương Hựu Hiệp, Thượng tướng - Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị đều có cơ hội tốt. Ít nhất 1 trong 2 người này sẽ trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương kiểm soát quân đội trong hội nghị trung ương sắp tới.

3 nguồn tin độc lập cho biết có thể Lưu Nguyên sẽ được giao nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực kiểm tra - kỷ luật trong quân đội. Thậm chỉ cả 2 Lưu Nguyên và Trương Hựu Hiệp đều có thể làm cấp phó cho Tập Cận Bình trong Quân ủy trung ương để tạo thành một nhóm lãnh đạo cốt lõi các chỉ huy quân sự cao nhất.

Quân ủy trung ương hiện nay được dẫn dắt bởi Tập Cận Bình và 2 cấp phó, Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng, cả 2 ông được bổ nhiệm vào năm 2012. Thời kỳ Giang Trạch Dân nắm quyền, số lượng Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương dao động từ 2 - 4 sĩ quan.

Cả Lưu Nguyên và Trương Hựu Hiệp đều xuất thân từ "hạt giống đỏ", khái niệm để chỉ con cháu các lãnh đạo cấp cao, khai quốc công thần ở Trung Quốc và các cộng sự thân cận của Tập Cận Bình. Đề bạt cất nhắc 2 nhân vật này đã được thảo luận nhiều lần tại Bắc Kinh.

Trương Hựu Hiệp (trái) và Lưu Nguyên, ảnh: Bưu điện Hoa Nam.
Trương Hựu Hiệp (trái) và Lưu Nguyên, ảnh: Bưu điện Hoa Nam.

Lưu Nguyên là ứng viên hàng đầu vì ông ta là trung tâm kêu gọi chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội, Trương Hựu Hiệp thì có ưu thế vì kinh nghiệm tham gia chiến tranh (xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 - PV), một sĩ quan quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu cho biết.

Ông Nguyên là con trai Lưu Thiếu Kỳ, cựu Chủ tịch nước Trung Quốc đã từng bị Mao Trạch Đông thanh trừng. Lưu Nguyên được cho là người đứng sau sự sụp đổ của Cốc Tuấn Sơn, cựu Trung tướng - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.

Trương Hựu Hiệp là con trai Trương Tông Tốn, Thượng tướng và từng đảm nhiệm ghế Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Trương Hựu Hiệp là một trong số ít các tướng Trung Quốc đương nhiệm có kinh nghiệm chiến tranh bởi từng tham gia các cuộc chiến tranh (xâm lược) và xung đột ở biên giới Trung - Việt trong thập niên 1970, 1980.

"Đây là thời điểm Tập Cận Bình cần sử dụng người của mình trong quân đội", một nguồn tin khác cho biết. Quân đội Trung Quốc đã không tham chiến kể từ khi xâm lược Việt Nam trong những năm 1979 và thập niên 80, danh tiếng của nó đã bị làm hỏng bởi tham nhũng và thiếu huấn luyện mạnh mẽ.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì lực lượng sẵn sàng chiến đống. Theo Tập Cận Bình, kinh nghiệm tham chiến là một tiêu chí quan trọng trong xem xét, cất nhắc tướng lĩnh quân đội.

Trong chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979, Trương Hựu Hiệp khi đó đương là Phó tiểu đoàn trưởng, năm 1984 tiếp tục chỉ huy tấn công xâm lược biên giới Việt Nam với vai trò chỉ huy trung đoàn. Trương Hựu Hiệp được cho là một sĩ quan "có kinh nghiệm chiến đấu khá cứng".

Trương Hựu Hiệp cũng có mối liên hệ gần gũi thân thiết với gia đình Tập Cận Bình. Trương Tông Tốn từng là phó chỉ huy trưởng 1 đơn vị cùng với Tập Trọng Huân - cha Tập Cận Bình làm phó chính trị viên trong thời kỳ nội chiến.

Bạc Trí Duyệt, một nhà nghiên cứu từ viện Đông Nam Á của đại học Quốc gia Singapore cho biết, Trương Hựu Hiệp là một tướng vương hầu có kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Lưu Nguyên không có ưu thế này.

Hồng Thủy