“Tham nhũng vặt” ở trường học dạy học sinh điều gì?

26/09/2014 06:39
Anh Minh
(GDVN) - Trò tố thầy, thầy tố trò, còn đâu là môi trường giáo dục tôn sư trọng đạo, hai chữ “giáo dục” giờ đây phải được hiểu thế nào?

Cứ đến hẹn lại lên, đầu năm học mới cũng là lúc hàng loạt các sai phạm liên quan đến công tác thu – chi tại các trường được phụ huynh phản ánh, được báo chí đưa tin.

Ngoài khoản tiền quy định chung là học phí, các khoản phụ phí thu thêm cao gấp nhiều lần, tạo nên gánh nặng cho phụ huynh có con đang đi học.

Mỗi trường lại có nhiều hình thức khác nhau để “chia nhỏ” hoặc "vẽ" thêm thành nhiều loại tiền.

Trên danh nghĩa tự nguyện, thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, khoản thu “xã hội hóa”, tuy nhiên nhiều phụ huynh phải đóng tiền “tự nguyện” trong tình thế bắt buộc phải đóng.

“Tham nhũng vặt” ở trường học dạy học sinh điều gì? ảnh 1

Tác phẩm của tác giả Nguyễn Văn Dũng dự Cuộc thi vẽ tranh biếm về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí nói về gánh nặng giáo dục, (nguồn: MEC)

Với mỗi mục, số tiền mỗi học sinh phải nộp có thể vài trăm, thậm chí ít hơn vài chục nghìn đồng… Nhìn những con số này nếu có lạm thu nhiều người lầm tưởng là “tham nhũng vặt”, nhưng nếu cộng tất cả số tiền mỗi học sinh phải đóng đầu năm học lại là một con số không hề nhỏ lên đến hàng triệu, nhân với số học sinh một trường thì khoản tiền lên tới con số tiền tỉ.

Từ “tham nhũng vặt” đã trở thành “tham nhũng lớn”?

Chưa nói đến việc “lạm thu” gây bức xúc đối với phụ huynh, mà chính học sinh cũng bày tỏ sự bức xúc của mình.

“Tham nhũng vặt” ở trường học dạy học sinh điều gì? ảnh 2Hiệu trưởng trường Hùng Vương lên tiếng trước các cáo buộc của học trò

(GDVN) - Thầy Nguyễn Tấn Lộc khẳng định, các khoản thu của trường là minh bạch, nhưng do lỗi của giáo viên chủ nhiệm không giải thích cho các em hiểu.

Vừa qua, trước các khoản thu “vô lí” từ phía nhà trường – Trường THPT Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh), chính học sinh trong trường “tố cáo” với các cơ quan chức năng về việc trường đặt ra nhiều khoản thu vô lý bắt học sinh phải đóng như tiền bảo trì phòng máy tính, tiền hỗ trợ giáo viên, … mà Báo Giáo dục Việt Nam đã phản ánh đến độc giả.

Đúng sai thì chờ thanh tra giáo dục vào cuộc làm rõ, song học sinh sẽ học được gì trong môi trường giáo dục như vậy?. Học sinh tố trường (ở đây là chính các thầy cô đang dạy các em), thầy “tố” trò (hiệu phó nhà trường lên tiếng “học sinh suy đoán lung tung”), học sinh lại tiếp tục đưa ra các bằng chứng tố trường nói sai sự thật…

Trò tố thầy, thầy tố trò, thử hỏi còn đâu là môi trường giáo dục tôn sư trọng đạo, hai chữ “giáo dục” liệu còn đúng ý nghĩa?

Ở phía Nam thì thế, còn ở phía Bắc, giữa thủ đô Hà Nội, thầy Nguyễn Đình Lập, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, huyện Thanh Oai còn không ngần ngại thừa nhận tiêu cực. Thầy bảo ở trường thầy, có chuyện dạy thêm, xáo trộn lớp để được quà cáp. Song chuyện ấy, đâu chỉ có ở trường thầy, mà phổ biến "trường nào cũng có". Cái khoản "quà cáp" mà thầy Lập bảo là nhỏ, là vặt, thực ra các bậc phụ huynh tố cáo đều là tiền triệu cả.

Thầy tạo tình huống để được quà cáp thì các bậc phụ huynh phải ứng xử thế nào đây?

Trong môi trường giáo dục, học sinh lẽ ra phải được học điều hay lẽ phải, học làm người, tôn trọng thầy cô thì nay phải tiếp xúc và chứng kiến với thực tế tiêu cực này.

Hành động của thầy cô khiến học sinh không còn tôn trọng, thầy phải là tấm gương sáng cho trò noi theo thì thầy lại trở thành một tấm gương xấu. Mà chắc chắn, không ai mong muốn một thế hệ tương lai sẽ học theo những tấm gương này cả.

Kể cả khi những “bức xúc” về các khoản thu vô lý được trả lại như trường hợp tại Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, P8, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, nhà trường phải trả lại cho các phụ huynh khoản tiền 600 nghìn đồng đã thu với mục đích sơn trường, tiền mái che, tiền ép giấy khen…  thì những “vết sẹo” sẽ vẫn còn, ấn tượng không tốt của phụ huynh hay của chính học sinh về ngôi trường mình đang theo học sẽ còn mãi.

Anh Minh