Tái diễn nạn đổ trộm bùn lấp nghĩa trang tại Hà Nội

23/09/2011 08:42
Theo Nguyễn Long/An ninh thủ đô
Sau vụ “đổ bùn lấp nghĩa trang” tại quận Hà Đông thì tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội, tình trạng này tiếp tục tái diễn.
Nạn nhân của vụ “chôn” nghĩa trang lần này là nhiều hộ dân của thôn Cáo Đỉnh.
Dưới những cọc tre này là các ngôi mộ bị vùi lấp
Dưới những cọc tre này là các ngôi mộ bị vùi lấp

Bỗng dưng… mất mộ

Thôn Cáo Đỉnh có một khu nghĩa trang nhỏ nằm ngay dưới chân dốc bờ Nam cầu Thăng Long. Vì tiếp giáp với đường Phạm Văn Đồng và diện tích không lớn nên từ nhiều năm nay, nghĩa trang này không còn được sử dụng vào việc hung táng, tuy nhiên tại đây vẫn còn hàng chục ngôi mộ đã sang cát từ nhiều năm trước, phần lớn là mộ tổ của người dân địa phương. 

Sáng 22-9, nhiều hộ dân của thôn đã vô cùng bất ngờ khi phát hiện toàn bộ phần mộ của thân nhân mình hiện táng tại nghĩa trang này đã bị vùi lấp dưới cả trăm mét khối bùn đất phế thải. Cụ Đặng Văn Điền gần 80 tuổi - một hộ dân thôn Cáo Đỉnh đau xót: “Nhà tôi có 7 ngôi mộ của các cụ tổ an táng tại đây nhiều đời. Bây giờ một nửa trong số đó không biết nằm ở chỗ nào vì bùn đất đã vùi kín cả.

Vì nghĩa trang nằm cách xa thôn hơn 2km nên mãi tới hôm nay chúng tôi mới biết. Tất cả đã bị san phẳng mất rồi”. Cụ Điền đã huy động khá đông anh em, con cháu có mặt tại nghĩa trang hợp sức tìm kiếm, nhưng tất cả đều bất lực bởi với sức người thì không cách gì có thể khai quật lại những ngôi mộ được. Thêm nữa, mấy trận mưa vừa rồi cũng khiến bùn đất chảy ra, lèn chặt vào mọi ngóc ngách, khoảng trống”.

Theo những thông tin người dân cho biết thì khu nghĩa trang này vốn là một bãi đất trũng. Có nơi thấp hơn mặt đường Phạm Văn Đồng tới hơn 2m. Vì thế, để đổ đất san phẳng được nghĩa trang như hiện nay, người ta phải huy động tới hàng chục xe tải hạng nặng loại 15 hoặc 25 tấn.

Tất cả những việc đổ đất lấp nghĩa trang nói trên đều được thực hiện vào ban đêm nên đến khi người dân phát hiện ra thì mọi sự đã rồi. Ông Nguyễn Văn Quý, cũng trú tại thôn Cáo Đỉnh hiện đang như ngồi trên đống lửa: “Gia đình tôi có 4 ngôi đã bị vùi hoàn toàn. Cứ nghĩ tới các cụ đang nằm kia, tôi xót ruột lắm mà không biết làm cách nào. Thật tình tôi cũng không hiểu tại sao người ta lại có thể nhẫn tâm làm cái việc thiếu tình người đến thế”.

Theo ông Quý thì việc này đã xảy ra được gần một tuần. Ngày nào ông cũng ra đây túc trực hy vọng chính quyền có cách nào đó giúp người dân tìm lại được mộ người thân.  Cũng túc trực với ông Quý là ông Đỗ Văn Quyền.

Nhà ông Quyền thì may mắn hơn bởi mấy ngôi mộ của gia đình ông mới bị vùi một nửa, bia mộ vẫn còn nhô lên khỏi mặt đất. “Có lẽ chúng tôi sẽ phải huy động người nhà, con cháu ra đây canh cả đêm để phòng ngừa người ta đổ trộm” - ông Quyền lo lắng.

Hiện nay, để nhận biết vị trí những ngôi mộ đã bị các xe tải đổ đất lấp kín, người dân chỉ còn cách áng chừng rồi dùng cọc tre đóng lên trên mặt đất để đánh dấu. Chưa có thống kê hiện có tất cả bao nhiêu ngôi mộ bị vùi, nhưng con số đó chắc chắn không ít bởi tại thời điểm chúng tôi có mặt tại nghĩa trang đã có ít nhất 20 hộ gia đình ra đây tìm mộ. Buồn thay, nghĩa trang của thôn Cáo Đỉnh giờ chỉ còn là bãi đất đỏ quạch với những cây cọc tre dựng đứng như những dấu chấm than trên nền đất trống.

Những ngôi mộ may mắn chỉ bị vùi một nửa Trách nhiệm thuộc về ai? Khu nghĩa trang của thôn Cáo Đỉnh vốn nằm trong dự án cải tạo nút giao thông Nam Thăng Long. Theo những hộ dân có phần mộ thân nhân bị vùi lấp cho biết thì cách đây khoảng hơn 1 tháng, họ được UBND xã Cáo Đỉnh thông báo làm thủ tục kê khai mồ mả để di dời và giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, sự việc mới chỉ dừng lại ở đó, người dân chưa được hỗ trợ, cũng chưa được thông báo kế hoạch sẽ di chuyển mồ mả tới đâu thì đã xảy ra việc làm trên.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Khiêm - Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh cho biết: “Xung quanh chủ trương di dời những ngôi mộ của người dân thôn Cáo Đỉnh nằm trong phần cải tạo nút giao thông, UBND xã đã yêu cầu các hộ tiến hành kê khai để nhận hỗ trợ.

Theo quy định thì với những ngôi mộ đã xây sẽ được hỗ trợ 5,5 triệu đồng còn mộ đất là 4 triệu đồng. Tuy nhiên, người dân không đồng ý với phương án này và đang đòi tăng kinh phí hỗ trợ với từng loại, cụ thể mộ xây là 7 triệu đồng và mộ đất là 5 triệu đồng. Câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ thì sự cố xảy ra”.

Cũng theo ông Khiêm cho biết thì: “Dự án cải tạo nút giao thông Nam Thăng Long do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đơn vị thi công nào đã trực tiếp đổ đất lấp các ngôi mộ của dân thì chúng tôi không nắm được bởi việc đó là do chủ đầu tư đi thuê. Riêng đối với một số ngôi mộ bị lấp, UBND xã đã tổ chức họp với các hộ dân tìm cách tháo gỡ.

Tổng cộng có hơn 40 hộ có liên quan tới phần mộ tại nghĩa trang này”. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tìm giải pháp giúp đỡ người dân tìm lại mộ thân nhân, ông Khiêm nhận định: “Đây là trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải. Ngôi mộ nào đã bị đất vùi lấp thì họ phải có trách nhiệm thuê máy móc múc bùn đất lên để tìm chứ xã thì không có nguồn lực và kinh phí để giải quyết việc này”.

Hiện vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm xung quanh việc đổ đất lấp mộ của người dân thôn Cáo Đỉnh. Dù với bất kỳ lý do gì đi chăng nữa thì việc xâm hại đến mồ mả nhân dân cũng là việc làm không thể chấp nhận được. Báo An ninh Thủ đô sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và gửi đến bạn đọc những thông tin tiếp theo. 
Theo Nguyễn Long/An ninh thủ đô