“Sập bẫy” Upexim, hơn 70 tỷ đồng của PGBank sẽ “bốc hơi”?

24/09/2014 07:00
Duy Phong
(GDVN) - Cùng một tài sản nhưng người đứng đầu Công ty Upexim mang đi cầm cố, thế chấp với nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có PGBank.

PG Bank “sập bẫy” hơn 70 tỷ đồng

Để có được khoản vay từ Ngân Hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PG Bank), Công ty cổ phần Sản xuất - xuất nhập khẩu Lâm sản và hàng tiểu thủ công nghiệp (Công ty Upexim) đã thông qua chi nhánh tại Hà Nội do bà Nguyễn Bích Ngọc đứng đầu làm thủ tục giao dịch với PG Bank. Tại Biên bản họp HĐQT ngày 14/4/2011 của Công ty Upexim với nội dung: Theo biên bản họp HĐQT về việc đồng ý bảo lãnh vay vốn cho chi nhánh Công ty Upexim tại Hà Nội vay Ngân hàng PG Bank. HĐQT, Ban tổng giám đốc đồng ý dùng tài sản là bất động sản tại số 4-6 Hồ Tùng Mậu (TP.Hồ Chí Minh) để làm tài sản thế chấp với Ngân hàng PG Bank bảo lãnh cho hạn mức vay của chi nhánh đến 80 tỷ đồng.

Bằng những cam kết này, Upexim dễ dàng qua mặt PG Bank?
Bằng những cam kết này, Upexim dễ dàng qua mặt PG Bank?

Tại Công văn số 242/UP-CV ngày 06/9/2011 do ông Trương Vui, Tổng giám đốc Công ty Upexim ký gửi PG Bank ghi rõ: Theo Biên bản họp HĐQT ngày 14/4/2011 về việc bảo lãnh vay vốn tại PG Bank, Công ty Upexim đã có cam kết đến tháng 12/2012 sẽ đưa tài sản là bất động sản tại số 4-6 Hồ Tùng Mậu vào thế chấp tại PG Bank để bảo lãnh cho hạn mức vay vốn của chi nhánh Upexim (không vượt quá 80 tỷ đồng). Trong trường hợp Công ty Upexim không trả được các khoản nợ vay của PG Bank, Công ty Upexim cam kết bán tài sản là bất động sản thuộc sở hữu của Công ty tại số 4-6 Hồ Tùng Mậu để trả nợ vay cho PG Bank và giải chấp cho bà Nguyễn Bích Ngọc và bên thứ 3.

Đến ngày 05/9/2011, Tổng giám đốc Công ty Upexim Trương Vui ký bản Đối chiếu xác nhận công nợ ghi rõ: Tính đến ngày 30/8/2011, Công ty Upexim tại Hà Nội vay của PG Bank theo hạn mức tín dụng tất cả các khoản gốc và lãi phát sinh là 53 tỷ 750 triệu đồng. Công ty Upexim hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc trả nợ số tiền trên cho PG Bank.

Tại Tờ trình thẩm định khách hàng ngày 17/8/2012 của PG Bank chi nhánh Hà Nội xác nhận: Theo biên bản đối chiếu công nợ giữa Công ty Upexim và chi nhánh Upexim tại Hà Nội ngày 05/9/2011 tính đến ngày 30/8/2011, Công ty Upexim nhờ chi nhánh tại Hà Nội vay PG Bank theo hạn mức tín dụng cả lãi và gốc là 53 tỷ 750 triệu đồng. Công ty Upexim chịu trách nhiệm về khoản vay này; Theo Công văn số 242-UP-CV ngày 06/9/2011 của Công ty Upexim gửi PG Bank, Công ty Upexim cam kết nếu không trả được nợ sẽ bán tài sản là bất động sản của công ty tại số 4-6 Hồ Tùng mậu để trả nợ PG Bank.

Tại Báo cáo đánh giá rủi ro tín dụng độc lập của PG Bank ngày 26/2/2013 xác nhận: Tổng nghĩa vụ khách hàng (Upexim -Pv) phải thanh toán tính đến ngày 31/8/2013 là 72 tỷ 886 triệu đồng.

Nhiều ngân hàng cùng “sập bẫy”

Ngày 30/7/2014, Cơ quan Cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã phê chuẩn quyết định khởi tố thêm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 165 Bộ luật Hình sự đối với bị can Trương Vui, 55 tuổi, trú tại phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Upexim.

PG Bank và nhiều tổ chức, cá nhân cùng sập bẫy ông Trương Vui, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Upexim khi tin tưởng vào tài sản tại số 4-6 Hồ Tùng Mậu (TP.Hồ Chí Minh).
PG Bank và nhiều tổ chức, cá nhân cùng sập bẫy ông Trương Vui, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Upexim khi tin tưởng vào tài sản tại số 4-6 Hồ Tùng Mậu (TP.Hồ Chí Minh). 

Trước đó, bị can Trương Vui đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt xảy ra tại Công ty Upexim, Công ty Tradeco; Công ty Kim Cương Xanh; Ngân hàng Agribank Chi nhánh Sài Gòn; Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Chợ Lớn và Công ty cổ phần XNK Biên Hòa (Công ty Bihimex) tỉnh Đồng Nai. Số tiền bị can Vui đã chiếm đoạt của doanh nghiệp và ngân hàng nêu trên là hơn 300 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra, từ tháng 7/2010 đến tháng 4/2012, ông Vui đã dùng giấy tờ nhà và đất tại tòa nhà số 4-6 đường Hồ Tùng Mậu, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM có tổng diện tích khoảng 600m2, trị giá 200 tỷ đồng, đây là văn phòng của Công ty Upexim để quay vòng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều đối tác bằng những thủ đoạn tinh vi khác nhau như: Cho thuê kho chứa hàng, liên doanh bán cho người khác, thế chấp bảo đảm cho nhiều khoản vay tại nhiều đơn vị doanh nghiệp và ngân hàng.

Trong đó có việc bán diện tích nhà đất trên cho Công ty Kim Cương Xanh, ở quận 1, TP Hồ Chí Minh với giá 120 tỷ đồng, sau đó lại sử dụng giấy tờ khu nhà đất nêu trên thế chấp vay Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Sài Gòn vay 110 tỷ đồng… Bằng thủ đoạn tương tự, Vui còn chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của một số đơn vị khác.

Trong kết luận của Cơ quan điều tra không hề có tên “nạn nhân” là Ngân Hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex - PG Bank nên số tiền mà ông Trương Vui lừa đảo không dừng lại ở con số 300 tỷ đồng. Bởi còn 70 tỷ đồng của PG Bank ai phải trả và cán bộ tín dụng, lãnh đạo nào của PG Bank sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Duy Phong