Bắc Ninh: Lập chợ gỗ trái phép, doanh nghiệp thu cả tỷ đồng/năm?

01/10/2014 08:18
Hải Ninh
(GDVN) - Quy hoạch là đất cây xanh nằm trong Khu công nghiệp làng nghề, tuy nhiên doanh nghiệp tự ý cho tiểu thương mở chợ gỗ trái phép.

Ngày 31/12/2003, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 1702/QĐ-CT về việc thu hồi hơn 296.000m2 đất (nông nghiệp, thùng ao và chuyên dùng) tại xã Đồng Quang (nay là phường Đồng Kỵ và phường Trang Hạ), thị xã Từ Sơn để giao cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương nghiệp (ITD) do bà Trần Thị Xuân Yến làm Giám đốc thuê xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Quang đạt tiêu chuẩn môi trường. Thời gian cho doanh nghiệp thuê là 50 năm.

Ngày 20/10/2010, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 240/QĐ-SXD về việc phê duyệt điều chỉnh một số nội dung trong quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp làng nghề Đồng Quang. Theo đó, quy hoạch sử dụng đất gồm có: Đất xây dựng sản xuất, giới thiệu sản phẩm (53,52%); Đất công cộng, dịch vụ (10,37%); Đất cây xanh, mặt nước (13,35%); Đất giao thông (22,49%); Đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật (0,27%).

Chợ gỗ trái phép tấp nập người mua, kẻ bán!
Chợ gỗ trái phép tấp nập người mua, kẻ bán!

Trong quy hoạch thì Khu công nghiệp làng nghề không có phần đất để xây dựng chợ gỗ. Tuy nhiên, thực tế, từ đầu năm 2014 đến nay, giữa Khu công nghiệp lại ngang nhiên xuất hiện chợ gỗ có diện tích hàng nghìn mét vuông. Theo người dân phản ánh, vị trí mà dự án quy hoạch trồng cây xanh giờ đây bỗng chốc “biến” thành chợ gỗ trái phép.

Không thể nói đây là điểm tập kết gỗ.
Không thể nói đây là điểm tập kết gỗ.

Tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho thấy, giữa khu công nghiệp đang xuất hiện một chợ gỗ “chình ình” có diện tích hàng nghìn m2, hàng chục ki ốt, cảnh người xe ra vào mua bán tấp nập…. Nhiều loại gỗ, đủ kích cỡ được các tiểu thương bày bán công khai nhưng không có bất cứ cơ quan nào giám sát, kiểm tra.

Các tiểu thương tại khu chợ cho biết, người đứng ra cho họ thuê và thu tiền hoạt động trong khu chợ là bà Lan, người dân phường Đồng Kỵ (Từ Sơn).

Nhiều loại gỗ có giá trị được bày bán trong khu chợ trái phép.
Nhiều loại gỗ có giá trị được bày bán trong khu chợ trái phép.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lan (từng là Ủy viên Hội đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB Khu công nghiệp làng nghề Đồng Quang) cho biết: “Đấy là diện tích vườn hoa nhưng chưa giao đất cho dân nên tôi thuê lại làm bãi tập kết gỗ tạm chứ không phải chợ. Chúng tôi chỉ thu phí trông gỗ, thỏa thuận giữa hai bên. Chúng tôi tự bỏ tiền ra để xây dựng dãy nhà trú nắng, trú mưa…”.

Xe ra vào tấp nập tại khu chợ gỗ trái phép.
Xe ra vào tấp nập tại khu chợ gỗ trái phép.

Trả lời về chợ gỗ “mọc” giữa khu công nghiệp làng nghề, ông Nguyễn Hữu Tứ, Phó Chủ tịch UBND phường Trang Hạ (TX.Từ Sơn) bức xúc cho biết: "Hôm trước họp trên Chi Cục thuế thị xã Từ Sơn, tổng kết là chợ gỗ (trái phép), doanh nghiệp thu về tới 700 triệu đồng từ đầu năm đến nay. Chúng tôi và Chi Cục thuế ra khu chợ thu thuế thì họ nói không biết chủ và không ai nhận là chủ nên không thu được đồng thuế nào cho Nhà nước. Hình thức là một ông đứng ra thuê lại của Công ty ITD, sau đó chia thành từng ki ốt để cho tiểu thương thuê bán gỗ. Nếu xây dựng không đúng quy hoạch thì phường cũng không có thẩm quyền ra can thiệp. Tuy chợ nằm trên địa bàn nhưng UBND phường có được quản lý gì đâu?".

Vì sao doanh nghiệp lại ngang nhiên mở được chợ gỗ trái phép trên đất Khu công nghiệp làng nghề? Người dân đang nghi ngờ có sự bảo kê, bao che, dung túng của một số lãnh đạo Thị xã Từ Sơn trong vụ việc này.

Ngày 24/9, phóng viên đến trụ sở UBND TX.Từ Sơn để liên hệ và xác minh sự việc, nhưng không có bộ phận nào tiếp báo chí. Theo hướng dẫn của một cán bộ văn phòng, chúng tôi đặt giấy giới thiệu và nội dung làm việc tại phòng Chánh văn phòng UBND TX.Từ Sơn. Tuy nhiên, đến nay UBND TX.Từ Sơn vẫn chưa có phản hồi về nội dung làm việc.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ngày 13/8/2014, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (C47) và Lực lượng Cảnh sát cơ động (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) - Bộ Công an được huy động tham gia cuộc vây bắt và khám xét, bắt giữ Nguyễn Ngọc Minh (hay còn gọi là Minh Sâm), Giám đốc Công ty Đại An là “trùm” buôn gỗ khét tiếng ở tỉnh Bắc Ninh - cùng 8 đồng phạm.

Trong số 9 nghi phạm bị bắt giữ, đáng chú ý có Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh Sâm); Nguyễn Thành Hưng (tức Hưng Sóc), Giám đốc Công ty TNHH Thành Hưng Bắc Ninh (trụ sở 2 công ty đều tại Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Cơ quan CSĐT xác định, đây là 2 đối tượng cầm đầu băng nhóm xã hội đen tại Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.

Tính từ năm 2000 tới nay, mỗi năm Minh Sâm đưa về Công ty Đại An từ 3.000 đến 7.000m3 trắc, còn các loại gỗ khác thì không tính. Để khỏi bị phát hiện, Công ty Đại An đã tập kết gỗ từ Lào và Campuchia về khu vực biển Hà Tiên (Kiên Giang), sau đó đưa lên tàu thủy vận chuyển về cảng Hải Phòng và về kho Công ty Đại An tại Từ Sơn. Để dễ bề chi phối thị trường gỗ quý, Minh “Sâm” đã lập hẳn một khu chợ gỗ ở khu vực Phù Khê, rộng hơn 10.000m2 mà Minh “Sâm” mua và cho các hộ buôn bán gỗ thuê làm cơ sở giao dịch. Minh Sâm còn lập cả trạm cân trái phép để dễ dàng tính toán phí với các đầu nậu buôn gỗ. Minh Sâm gần như độc quyền cả đầu vào lẫn đầu ra ở khu vực chợ gỗ này.

Hải Ninh