Vietnam Airlines bán cổ phần giá 22.300 đồng

07/10/2014 16:40
Hồng Minh
(GDVN) - Trong báo cáo nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2014 của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines.

Theo đó về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp trong Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ cho biết trong 9 tháng đầu năm đã chỉ đạo, hướng dẫn 10 Tổng công ty – công ty cổ phần   nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phần giá trị cổ phần nhà nước bán bớt theo mệnh giá (tổng số tiền: 1.123.576.546.590 đồng) và lập hồ sơ quyết toán chi phí cổ phần hóa, xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển đổi sang công ty cổ phần theo quy định. 

Riêng với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Bộ GTVT cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Bộ GTVT đã phê duyệt giá khởi điểm bán giá cổ phần lần đầu của Vietnam Airlines là 22.300 đồng. Bộ GTVT đang chỉ đạo, hướng dẫn Tổng công ty khẩn trương triển khai, thực hiện phương án cổ phần hóa được phê duyệt.

Vietnam Airlines bán cổ phần với giá 22.300 đồng/CP
Vietnam Airlines bán cổ phần với giá 22.300 đồng/CP

Ngoài Vietnam Airlines, 17 doanh nghiệp khác trong Bộ GTVT cũng nằm trong kế hoạch cổ phần hóa. Hiện đã phê duyệt phương án cổ phần hóa cho 06 Công ty; tổ chức thẩm định giá trị doanh nghiệp đối với 10 Đoạn quản lý đường thủy nội địa và Công ty Trục vớt cứu hộ Việt Nam. Các Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Hàng hải Việt Nam đã phê duyệt phương án cổ phần hóa cho 07 công ty trực thuộc.

Về công tác quản lý đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông trong 9 tháng đầu năm Bộ GTVT cho biết trong 9 tháng đầu năm 2014, Bộ đã hoàn thành đưa vào khai thác 50 công trình, dự án; riêng trong Quý III/2014, hoàn thành đưa vào khai thác 20 công trình, dự án như thông xe toàn tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu vượt Nút giao QL46 với đường sắt Bắc Nam, tỉnh Nghệ An; Cảng Cửa Việt... 

Tập trung triển khai nhiều giải pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB tất cả các dự án, bảo đảm tiến độ hoàn thành đoạn tuyến từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh trong năm 2014.

Tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư, phát triển KCHTGT, từ đầu năm 2014 đến nay, Bộ GTVT đã huy động được 34.297 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức BOT, đạt 107,1% kế hoạch năm.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về đổi mới doanh nghiệp, tái cơ cấu và CPH doanh nghiệp 9 tháng đầu năm.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về đổi mới doanh nghiệp, tái cơ cấu và CPH doanh nghiệp 9 tháng đầu năm.

Được biết trong năm 2014 Bộ GTVT dự kiến giải ngân 83.862 tỷ đồng, riêng trong 9 tháng đầu năm đã thực hiện 77.011,5 tỷ đồng, đạt 91,8%; giải ngân 75.140 tỷ đồng, đạt 89,6% kế hoạch năm 2014. 

Trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và trái phiếu Chính phủ (TPCP) được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm 2014 (35.509,146 tỷ đồng), thực hiện 45.884,6 tỷ đồng, đạt 129,2%; giải ngân 45.082,9 tỷ đồng, đạt 127% kế hoạch.
Nguồn vốn NSNN và TPCP ứng trước từ năm 2013 chuyển sang giải ngân trong năm 2014 (2.355 tỷ đồng) đã thực hiện và giải ngân 2.355 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Nguồn vốn NSNN và TPCP ứng trước kế hoạch năm 2015 (4.698 tỷ đồng): thực hiện 1.386,9 tỷ đồng, đạt 29,5%; giải ngân 1.318,1 tỷ đồng, đạt 28,1% kế hoạch.
Nguồn vốn ngoài ngân sách (41.300 tỷ đồng), thực hiện 27.385 tỷ đồng, đạt 66,3%; giải ngân 26.384 tỷ đồng, đạt 63,9% kế hoạch.

Đối với các dự án nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Kế hoạch giải ngân năm 2014 là 28.354 tỷ đồng), thực hiện 21.850 tỷ đồng, đạt 77,1%; giải ngân 22.110 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch.

Về tình hình tai nạn giao thông, Bộ GTVT cho biết trong 9 tháng đầu năm 2014 (từ ngày 16/12/2013 đến 15/9/2014), cả nước xảy ra 18.697 vụ, làm chết 6.758 người, làm bị thương 17.835 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 3.164 vụ (-14,47%), giảm 282 người chết (-4,01%), giảm 3.945 người bị thương (-18,11%).

Về tình hình ùn tắc giao thông Cục ĐBVN đã phối hợp với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác triển khai nhiều giải pháp giảm ùn tắc giao thông như xây dựng Đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu trung tâm thành phố, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ xe buýt, điều tiết giữa các phương thức vận tải… để từng bước giảm thiểu phương tiện cá nhân tham gia giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông. Từ đầu năm 2014 đến nay, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không xảy ra ùn tắc giao thông với thời gian trên 30 phút.

Hồng Minh