Ưu tiên an ninh quốc gia khi cho người nước ngoài nghiên cứu biển

22/10/2014 13:48
Ngọc Quang
(GDVN) - Đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT, trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.

Ô nhiễm môi trường biển và hải đảo có chiều hướng tăng

Việt Nam có chiều dài đường bờ biển trên 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng gấp khoảng ba lần diện tích đất liền, chứa đựng nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Biển có tính chất đặc thù, là không gian liên thông; tài nguyên biển có tính chất chia sẻ; chất lượng môi trường biển bị chi phối rất mạnh bởi các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, nhất là ở khu vực ven bờ…

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – ông Nguyễn Minh Quang, trong những năm qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Tuy nhiên, do tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu đang được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; còn thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển.

Rác trên bãi tắm ở Khu du lịch Bãi Cháy. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Rác trên bãi tắm ở Khu du lịch Bãi Cháy. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Mặt khác, các hoạt động trên biển có mối liên hệ, tác động nhất định đến nhau, cùng với tính chất liên thông của biển thì trong một số trường hợp, quản lý theo ngành, lĩnh vực với đặc điểm luôn tối đa hóa lợi ích của ngành, lĩnh vực mình mà không xem xét vấn đề khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo một cách tổng thể đã làm hạn chế sự phát triển chung, làm suy thoái nhiều loại tài nguyên, nhất là tài nguyên tái tạo; tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo có chiều hướng gia tăng; nhiều hệ sinh thái biển và hải đảo quan trọng đã bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn tới sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản.

“Hải đảo, đặc biệt là các hải đảo không có dân cư sinh sống là đối tượng địa lý gắn liền với biển, có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nhưng chưa có quy định cụ thể để quản lý tài nguyên hải đảo”, Bộ trưởng Quang nhấn mạnh.

Để khắc phục những bất cập nảy sinh trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo ngành, lĩnh vực, cần áp dụng một phương thức mới để quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đó là phương thức quản lý tổng hợp. 

Phương thức quản lý này có vai trò điều chỉnh hoạt động của con người để bảo vệ tính toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, duy trì và cải thiện năng suất của hệ sinh thái, qua đó, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, môi trường biển và hải đảo được bảo vệ; hài hòa được lợi ích của các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Đảm bảo an ninh và làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật trước Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết: “Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, trách nhiệm của UBND các cấp cho phù hợp; quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành ở trung ương có liên quan trực tiếp đến quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển. 

Đồng thời cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về vai trò, trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư trong khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển”.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị phải có quy định cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị phải có quy định cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Về quy định hành lang bảo vệ bờ biển, ông Phan Xuân Dũng cho biết, đây là nội dung mới lần đầu tiên được luật hóa, việc xác định chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển sẽ có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ và tác động đến các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.

"Nội dung quản lý này cần được quy định cụ thể trong Luật mà không nên giao Chính phủ quy định”, ông Dũng nhấn mạnh.

Về quy định cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, ông Phan Xuân Dũng cho biết, dự thảo luật chưa đề cập trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài xin phép thành lập tổ chức KH&CN 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân Việt Nam tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam; thiếu quy định các điều kiện để được cấp phép hay không cấp phép nghiên cứu khoa học.

“Vùng biển Việt Nam là chủ quyền Việt Nam có liên quan đến nhiều công trình quan trọng về quốc phòng và an ninh, do đó trong quá trình cấp phép nghiên cứu cần cân nhắc kỹ lưỡng và có quy định cụ thể để bảo đảm được bí mật quốc gia, an ninh, an toàn trên biển”, ông Dũng nói.

Ngọc Quang