Ông Dương Khiết Trì dọn đường cho hội nghị thượng đỉnh Việt - Trung?

28/10/2014 10:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Shannon Tiezzi bình luận, chuyến đi Việt Nam của Dương Khiết Trì chẳng đại diện cho một thiện chí nào, và thực tế cũng không cung cấp bất kỳ giải pháp nào mới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ảnh: SCMP.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ảnh: SCMP.

Tờ South China Morning Post của Hồng Kông ngày 28/10 bình luận, việc ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc sang Việt Nam lần thứ 2 trong 4 tháng qua là dấu hiệu cho thấy 2 nước muốn thiết lập lại mối quan hệ sau cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 (Trung Quốc đơn phương hạ đặt bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam, khiêu khích các lực lượng chức năng Việt Nam - PV).

Chuyến đi 1 ngày tới Việt Nam của ông Trì được xem như một động thái dọn đường cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi Bắc Kinh dự Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tuần tới, và dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị. Truyền thông Trung Quốc gọi chuyến đi của ông Trì là để dự cuộc họp Ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung.

Tuy nhiên một học giả Trung Quốc được cho là "thân cận với nguồn tin ngoại giao Việt Nam" nói với South China Morning Post rằng cuộc họp này được đề xuất để 2 nước giải quyết vụ khủng hoảng giàn khoan 981. Trương Minh Lượng, một chuyên gia về Đông Nam Á từ đại học Kỵ Nam, Quảng Châu cho biết, chuyến đi của Dương Khiết Trì có thể nhằm dọn đường cho cuộc gặp thượng đỉnh Việt - Trung giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và ông Tập Cận Bình bên lề APEC.

"Do sự mất lòng tin và các vấn đề căng thẳng trên Biển Đông khiến Việt Nam và Trung Quốc không thể trở nên gần gũi như những gì 2 nước tuyên bố. Nhưng quan hệ song phương có thể quay trở lại như trước sự cố giàn khoan 981 nếu trao đổi cấp cao diễn ra thường xuyên", ông Lượng bình luận.

Trong một động thái khác có liên quan, bình luận về động thái này trên The Diplomat ngày 28/10, giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc cho biết, chuyến đi Việt Nam của ông Dương Khiết Trì diễn ra đồng thời với chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 2 sự kiện này cho thấy Việt Nam "là một bậc thầy trong việc sử dụng các mối quan hệ đa phương với các cường quốc bên ngoài để bảo vệ bản thân khỏi những áp lực không mong muốn".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân thăm chính thức Ấn Độ trong hai ngày 27/10 và 28/10.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân thăm chính thức Ấn Độ trong hai ngày 27/10 và 28/10.

Sự nhanh nhẹn của Việt Nam để theo đuổi cân bằng đa phương đã được thử nghiệm trong tuần qua với 2 sự kiện tưởng như riêng biệt nhưng lại liên quan chặt chẽ với nhau này. Theo giáo sư Thayer, việc triệu tập cuộc họp Ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung 2 lần trong vòng 4 tháng là "chưa từng có". Lần họp đầu tiên diễn ra tại Hà Nội năm 2006, 2 năm sau mới họp lần 2 tại Bắc Kinh. 3 lần tiếp theo diễn ra luân phiên hàng năm tại Hà Nội và Bắc Kinh, mỗi năm một lần.

Carl Thayer cũng cho rằng có khả năng ông Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi về một hội nghị thượng đỉnh Việt - Trung bên lề diễn đàn APEC tuần tới trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở New Delhi thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn. Ấn Độ đã trở thành đối tác chiến lược thứ 3 của Việt Nam trong năm 2007, sau Nga năm 2001, Nhật Bản năm 2006 và trước Trung Quốc năm 2008.

Theo ông, chính sách quan hệ đối ngoại đa phương của Việt Nam đòi hỏi ngoại giao khéo léo để đảm bảo lợi ích của mỗi đối tác chiến lược. Mỗi đối tác chiến lược của Việt Nam cũng sẽ tự đánh giá rằng họ được nhiều hơn khi chơi với Việt Nam hơn là không tham gia hoặc đối đầu.  

Tuy nhiên Shannon Tiezzi, biên tập viên của The Diplomat chuyên về các vấn đề Trung Quốc ngày 27/10 bình luận trên tạp chí này, bà không mấy lạc quan về khả năng Việt Nam và Trung Quốc có thể vượt qua những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Chuyến đi Việt Nam của ông Dương Khiết Trì được thực hiện trên "đà tích cực" sau chuyến đi Bắc Kinh của Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Trước khi ông Trì sang Việt Nam, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận quan hệ Việt - Trung đã "gặp khó khăn tạm thời kể từ đầu năm nay", nhưng nó bắt đầu được cải thiện kể từ chuyến đi Bắc Kinh của ông Lê Hồng Anh hồi tháng 8.

Ông Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong cuộc gặp lần trước, sau khi diễn ra khủng hoảng giàn khoan 981.
Ông Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong cuộc gặp lần trước, sau khi diễn ra khủng hoảng giàn khoan 981.

Shannon Tiezzi bình luận, chuyến đi Việt Nam của Dương Khiết Trì chẳng đại diện cho một thiện chí nào, và thực tế cũng không cung cấp bất kỳ giải pháp nào mới cho vấn đề Biển Đông, rào cản lớn nhất trong quan hệ Việt - Trung. Hai bên cam kết "kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động làm phức tạp tình hình hoặc leo thang tranh chấp" hay tuân thủ DOC. Nhưng những điều này chẳng có tác dụng gì để ngăn chặn cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 vừa qua.

Tương tự như vậy, hoạt động đàm phán về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông không có gì mới. Hai bên chỉ nhắc lại  các nguyên tắc và nhận thức chung về phương hướng giải quyết các vấn đề trên biển đã thống nhất năm 2011. Hay việc thúc đẩy triển khai khảo sát chung tạo cơ sở đàm phán phân định vùng biển bên ngoài cửa vịnh Bắc Bộ 2 bên thống nhất trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Khắc Cường năm ngoái. Những thỏa thuận này không phát huy tác dụng gì để xoa dịu cuộc khủng hoảng Việt -  Trung trên Biển Đông vừa rồi.

Những thiệt hại cho quan hệ Việt - Trung mùa hè năm nay không phải vì 2 nước thiếu thỏa thuận chính trị hay các cơ chế truyền thông. Lý do thực sự theo Shannon Tiezzi là vì "2 bên nỗ lực khẳng định yêu sách của họ. Quan hệ Việt - Trung sẽ chỉ ổn định thực sự khi tính toán chính trị này thay đổi, nếu không nó vẫn sẽ bị tổn thương vì các vấn đề lãnh thổ".

Tuy nhiên trên thực tế quan hệ Việt - Trung trên Biển Đông căng thẳng là bởi Trung Quốc không ngừng bành trướng và thay đổi hiện trạng bất hợp pháp trên Biển Đông, xâm phạm vùng biển Việt Nam bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế cũng như những thỏa thuận 2 bên đã đạt được. Quan hệ giữa 2 nước chỉ có thể cải thiện thực sự nếu Trung Quốc từ bỏ tham vọng bành trướng lãnh thổ, độc chiếm Biển Đông, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông - PV.

Hồng Thủy