Nhật Bản muốn ký kết hiệp định viện trợ quân nhu với ASEAN?

05/11/2014 08:41
Việt Dũng
(GDVN) - Hiệp định ACSA sẽ bảo đảm cho hai bên cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và khí tài cho nhau, mục đích là ứng phó với thiên tai quy mô lớn và... Trung Quốc.
Hội nghị cấp cao Nhật Bản-ASEAN ở Brunei vào ngày 9 tháng 10 năm 2013
Hội nghị cấp cao Nhật Bản-ASEAN ở Brunei vào ngày 9 tháng 10 năm 2013

Nhật Bản muốn ký kết hiệp định viện trợ quân nhu với ASEAN

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 3 tháng 11 dẫn tờ "Sankei Shimbun"Nhật Bản ngày 2 tháng 11 đưa tin, Chính phủ Nhật Bản muốn ký kết "Hiệp định chi viện quân nhu lẫn nhau" (ACSA) với một số quốc gia ASEAN để bảo đảm giữa Lực lượng Phòng vệ và các quốc gia đối phương có thể cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và khí tài cho nhau.

Theo bài báo, hành động này nhằm tăng cường hợp tác trên phương diện ứng phó với thiên tai quy mô lớn, chẳng hạn thảm họa cơn bão ở Philippines tháng 11 năm 2013. Đồng thời, đối với chiến lược biển do Trung Quốc thực hiện, xây dựng quan hệ hợp tác nhiều cấp độ với các nước ASEAN cũng là một trong những mục đích của Nhật Bản.

Cơn bão tấn công Philippines năm 2013 đẫ khiến cho hơn 6.000 người thiệt mạng, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, Quân đội Mỹ và Quân đội Australia đã cùng thực hiện viện trợ khẩn cấp quốc tế. Dựa trên cơ sở hiệp định ACSA ký kết với hai nước Mỹ, Australia, máy bay vận tải C-130 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã nhận được tiếp tế ô xi hóa lỏng từ Không quân Mỹ, trong khi đó, tàu tiếp tế của Lực lượng Phòng vệ Biển cũng đã cung cấp tiếp tế xăng dầu cho tàu chiến của Hải quân Australia.

Với kinh nghiệm như vậy, để thúc đẩy hợp tác với quân đội các nước ASEAN - những nước liên tiêp xảy ra thiên tai, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc ký kết hiệp định ACSA. Tại hội nghị cấp Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản-ASEAN tổ chức vào ngày 7 tháng 10 năm 2014 tại Yokohama, Nhật Bản đã đề nghị triển khai đàm phán về việc ký kết ACSA, mục đích là "nâng cao năng lực ứng phó khu vực mang tính thực chất". Nghe nói, quốc gia cân nhắc trước tiên của Chính phủ Nhật Bản là Singapore - nước có năng lực cứu viện nước khác, và Philippines - nước liên tiếp xảy ra bão lụt.

Năm 2013, tàu sân bay trực thăng Ise lớp Hyuga Nhật Bản đến Philippines tham gia cứu nạn (ảnh tư liệu)
Năm 2013, tàu sân bay trực thăng Ise lớp Hyuga Nhật Bản đến Philippines tham gia cứu nạn (ảnh tư liệu)

Bắt đầu từ năm 2014, Nhật Bản làm nước chủ tịch liên hợp của Nhóm công tác chuyên gia cứu trợ nhân đạo, cứu nạn do Hội nghị Bộ Quốc phòng ASEAN mở rộng lập ra. Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch dựa vào cơ hội này tích cực triển khai công tác với các nước liên quan.

Thông qua ký kết hiệp định ACSA, khi cung cấp các vật tư như khí tài cho nhau, có thể miễn rất nhiều thủ tục phức tạp. Trong thời điểm xảy ra động đất lớn ở đông Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011, những thiết bị tắm rửa mà Thủy quân lục chiến Mỹ chuyển đến khu vực thiên tai cũng đã dựa vào hiệp định ACSA, cung cấp không hoàn lại cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Hiện nay, Nhật Bản chỉ ký kết hiệp định này với Mỹ và Australia. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đang triển khai đàm phán và nghiên cứu về phương diện này với Hàn Quốc, Canada, Anh, New Zealand, Pháp.

Nhật Bản-ASEAN sắp tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng

Trong một động thái liên quan, tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc ngày 14 tháng 10 dẫn hãng tin CNA Đài Loan cùng ngày đưa tin, ngày 14 tháng 10, tại Ủy ban an ninh Hạ viện Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Akinori Eto cho biết, Nhật Bản sẽ cùng với các nước thành viên ASEAN sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng vào ngày 19 tháng 11 tại Bagan, Myanmar.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản diễn tập (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản diễn tập (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)

Theo Bộ trưởng Akinori Eto, hội nghị này là một bước đi quan trọng tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai bên.

Tháng 12 năm 2013, tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề nghị tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản-ASEAN, sau đó các bên đã tiến hành phối hợp.

Nước chủ tịch luân phiên ASEAN Myanmar đã gửi lời mời tới Nhật Bản, hy vọng Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản có thể kết hợp với hoạt động Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tổ chức trong tháng 11, tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản-ASEAN.

Do Trung Quốc ngày càng có các hành động hung hăng trên biển Hoa Đông và Biển Đông, Nhật Bản và ASEAN hy vọng thông qua Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng để bàn về “pháp trị biển”, giải quyết hòa bình tranh chấp, trao đổi ý kiến, ngoài ra, cũng sẽ thảo luận khả năng hỗ trợ của Nhật Bản.

Việt Dũng