“Điểm danh” cán bộ dính líu tới vụ án oan chấn động Hà Nội

14/11/2014 06:48
XUÂN QUANG - THÁI HÀ
(GDVN) - Trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án Vũ Ngọc Dương, có 2/3 thẩm phán đồng ý y án sơ thẩm. .Vậy họ là ai?

Trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 21/12/2012, TAND thành phố Hà Nội đã xử phạt bị cáo Dương 30 tháng tù giam về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Tiếp đó, ngày 10/9/2013, tại phiên xử phúc thẩm, TAND Tối cao đã ra quyết định y án sơ thẩm đối với Vũ Ngọc Dương về tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Bị cáo Dương sau đó bị tuyên phạt 30 tháng tù (bản án số bản án số 565/2013/HSPT ngày 10/9/2013).

Người thân nạn nhân trải lòng trước án oan Vũ Ngọc Dương
Người thân nạn nhân trải lòng trước án oan Vũ Ngọc Dương

Cũng trong phiên xử phúc thẩm, tại bản án sơ thẩm, phần tranh tụng còn nhiều vấn đề chưa được cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ. Do vậy, quyết định của các thẩm phán tại phiên tòa thể hiện sự khác biệt. Theo đó, thẩm phán Chủ tọa phiên tòa ông Hoàng Văn Hạnh đã bỏ phiếu hủy án sơ thẩm. Hai thẩm phán còn lại là Nguyễn Huy Chương và Hà Thị Xuyến đã bỏ phiếu y án.

Như vậy, theo quy định, kết quả bản án phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa, để xác định một người có hành vi phạm tội hay không phạm tội.  Nguyên tắc tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số (Điều 17 Bộ luật Tố tụng Hình sự). 

Điều này có nghĩa là đã có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng xét xử HĐXX quyết định bị cáo Vũ Ngọc Dương phạm tội. Do đó, bản án phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm, bác bỏ kháng cáo của Vũ Ngọc Dương.

Cho rằng anh Dương bị kết án oan, gia đình nạn nhân đã làm đơn tố cáo gửi Cục điều tra, VKSND Tối cao, đề nghị điều tra lại vụ việc.

Trong đơn tố cáo, gia đình nạn nhân cho rằng điều tra viên Đỗ Hữu Ngọc, công tác tại Công an huyện Đông Anh đã ép anh Vũ Ngọc Dương ký khống vào các biên bản hỏi cung, tạo ra hồ sơ không đúng sự thật để kết tội bị can “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. 

Mặt khác, thông qua Cơ quan cảnh sát điều tra, ông Vũ Ngọc Long (bố Dương) phải trả oan 100 triệu đồng cho Trung tâm Dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh. Ngoài ra, Vũ Ngọc Dương còn bị Nguyễn Thị Thanh Vân giả mạo 2 giấy vay nợ của các cá nhân khác, để chiếm đoạt số tiền 197 triệu đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng chỉ ra rằng, toàn bộ hồ sơ vụ việc đều do nhân viên Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh làm giả, sau đó vu khống cho ông Vũ Ngọc Dương. Việc các cơ quan chức năng tiến hành tố tụng đã khởi tố, bắt tạm giam, truy tố và xét xử đối với ông Vũ Ngọc Dương là có dấu hiệu oan sai.

Ngày 10/11, Cục điều tra, VKSND Tối cao đã có công văn số 310/VKSNDTC-C6 (P3) gửi Tòa án và Công an thành phố Hà Nội đề nghị xem xét việc tạm hoãn thi hành án đối với anh Vũ Ngọc Dương 

"Hiện tại, cơ quan chức năng đã đề nghị kháng nghị theo trình tự tái thẩm 2 bản án trên. Đồng thời sẽ làm rõ những hành vi vi phạm trong hoạt động tư pháp dẫn đến việc khởi tố bắt tạm giam, truy tố, xét xử oan sai, để có biện pháp phòng ngừa”, một điều tra viên Cục điều tra VKSND Tối cao cho biết.

Báo điện tử GDVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

XUÂN QUANG - THÁI HÀ