"Đại yến thết khách và giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương"

17/11/2014 06:27
Hồng Thủy
(GDVN) - Tập Cận Bình bỏ phần lớn phương pháp tiếp cận nhẹ nhàng với các vấn đề quốc tế bằng cách sử dụng khéo léo hơn cây gậy và củ cà rốt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

South China Morning Post ngày 17/11 bình luận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã "chào hàng giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương" thông qua việc tận dụng hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh để cố gắng tập hợp các nhà lãnh đạo khu vực xung quanh ý tưởng "về sự tiến bộ và thịnh vượng chung".

Chỉ hai tuần sau khi nhậm chức, Tập Cận Bình đã dẫn theo 6 ủy viên thường vụ Bộ chính trị tham quan triển lãm "giấc mơ Trung Quốc" hay "phục hưng dân tộc Trung Hoa" được tổ chức tại viện Bảo tàng quốc gia bên cạnh Thiên An Môn. Ông Bình đã lặp đi lặp lại khẩu hiệu này trong các bài phát biểu quan trọng kể từ đó, mặc dù ít chi tiết cụ thể được đưa ra về việc làm sao để biến ước mơ thành sự thật.

Có thể hiểu rằng chính điều này đã dẫn đến những lo ngại cho các nước láng giềng của Trung Quốc và các thành viên còn lại của cộng đồng quốc tế. Nhưng cũng có những dấu hiệu rõ ràng rằng Tập Cận Bình đang theo đuổi tham vọng táo bạo trong và ngoài nước để thiết lập một trật tự quốc tế mới với một cực là Trung Quốc, cường quốc đang lên cạnh tranh ảnh hưởng với Hoa Kỳ.

Trong nước, Tập Cận Bình củng cố quyền lực và khả năng kiểm soát đất nước một cách nhanh chóng hơn bất kỳ nhà lãnh đạo tiền nhiệm nào trong những năm gần đây với một chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có và một cuộc cải tổ triệt để nền kinh tế để cho các lực lượng thị trường đóng vai trò quyết định.

Với chính sách đối ngoại, Tập Cận Bình bỏ phần lớn phương pháp tiếp cận nhẹ nhàng với các vấn đề quốc tế bằng cách sử dụng khéo léo hơn cây gậy và củ cà rốt để theo đuổi chương trình nghị sự quốc tế. Bắc Kinh đã hung hăng hơn trong tranh chấp lãnh thổ với láng giềng, nhưng đồng thời cũng đẩy mạnh giao dịch đầu tư và thương mại của mình để làm cho nền kinh tế các nước này gắn liền hơn với Trung Quốc.

Tại hội nghị thượng đỉnh APEC lần này, Tập Cận Bình đã tung ra hàng loạt các sáng kiến về kinh tế, môi trường và giới thiệu những "nỗ lực nghiêm túc" của họ để phát huy vai trò lãnh đạo ở châu Á - Thái Bình Dương. Đêm trước APEC, Tập Cận Bình công bố dành 40 tỉ USD cho quỹ Con đường tơ lụa mới để xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Yến tiệc xa hoa thiết đãi các nguyên thủ APEC có phong cách "đại yến thết chư hầu" của các hoàng đế Trung Hoa.
Yến tiệc xa hoa thiết đãi các nguyên thủ APEC có phong cách "đại yến thết chư hầu" của các hoàng đế Trung Hoa.

Trong hội nghị thượng đỉnh, Tập Cận Bình tiếp tục có những tuyên bố cho thấy Trung Quốc như là một nhà lãnh đạo khu vực bằng cách lần đầu tiên kêu gọi thực hiện (cái gọi là) giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương về sự tiến bộ, phát triển và thịnh vượng chung cho khu vực.

Bắc Kinh và Seoul vào tuần trước đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do mở rộng trong khi Úc cũng đang bàn với Trung Quốc một thỏa thuận tương tự. Vào cuối hội nghị thượng đỉnh APEC, Trung Quốc đã nâng mức đặt cược bằng cách bất chấp sự phản đối của Mỹ, công bố kế hoạch của mình để xây dựng khu mậu dịch tực do châu Á - Thái Bình Dương làm đối trọng với hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu mà không bao gồm Nga, Trung Quốc.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đua nhau  bình luận về tầm quan trọng của các sáng kiến nước này đưa ra và miêu tả Tập Cận Bình như một nhà lãnh đạo thế giới. Thậm chí tờ Nhân Dân nhật báo còn không úp mở mà nói thẳng rằng trung tâm quyền lực thế giới đang dịch chuyển về phía Đông.

Bữa tiệc chiêu đãi các nguyên thủ dự APEC cũng được Tập Cận bình tổ chức xa hoa hoành tráng như các hoàng đế Trung Quốc thiết đãi chư hầu đến "thiên triều" tỏ lòng kính trọng khi xưa. Các thông tin về bữa tiệc này sau đó đã bị xóa, nhưng những hình ảnh "yến tiệc hoàng gia" vẫn cứ lan truyền trên internet.

Và kỳ lạ hơn, mặc dù internet được Trung Quốc kiểm duyệt nghiêm ngặt nhưng người ta vẫn có thể tìm thấy những bài viết và hình ảnh so sánh Tập Cận Bình với một hoàng đế phong kiến Trung Hoa lưu hành trên internet ở quốc gia này.

South China Morning Post bình luận, cũng giống như sương mù và khói bụi dày đặc lại bao phủ trở lại Bắc Kinh hậu APEC sau 1 tuần hội nghị thượng đỉnh, Tập Cận Bình sẽ có một trận chiến khó khăn để đáp ứng kỳ vọng của công chúng về cải thiện môi trường và đưa nền kinh tế quốc gia này phát triển bền vững.

Hồng Thủy