Con đường đến trường đẹp như mơ của cô giáo Tây Nguyên

20/11/2014 07:26
Hồng Nhung
(GDVN) - Chính tình cảm của học trò và loài hoa dã quỳ tượng trưng cho sức mạnh của tình yêu thủy chung đã níu bước chân cô giáo trẻ ở lại với mảnh đất Tây Nguyên...

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đến cũng là thời điểm hoa dã quỳ vàng rực trên con đường đến trường của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hường – giáo viên Trường tiểu học Đan Phượng 2, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Người ta truyền nhau rằng, loài hoa dã quỳ với những cánh hoa màu vàng tràn đầy sức sống mãnh liệt như tình yêu chung thủy. Có lẽ điều này đúng trong trường hợp của cô giáo Thu Hường – một người con gái đất Bắc đã dành tình yêu cho dã quỳ Tây Nguyên, loài hoa gắn liền với những kỉ niệm của cô cùng những học trò thân yêu nơi đây.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hường bên các học trò thân yêu tại ngôi trường tiểu học Đan Phượng 2, Lâm Đồng. Ảnh: NVCC
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hường bên các học trò thân yêu tại ngôi trường tiểu học Đan Phượng 2, Lâm Đồng. Ảnh: NVCC

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây vào năm 2000, cô Hường quyết định vào Tây Nguyên lập nghiệp với mong muốn có thể tìm được một công việc đúng ngành học. Nhưng cuộc sống đâu có dễ dàng như thế. Cô sinh viên trẻ Thu Hường lang thang khắp đây đó tìm kiếm một cơ hội dạy học.

Cô Hường chia sẻ, có lần dạy lớp ghép từ 1 đến 5 ở Đồng Nai. Khó khăn của ngày mới ra trường tưởng như có thể làm cô suy nghĩ lại và trở về Hà Nội, nhưng chính tình cảm của học trò và loài hoa tượng trưng cho sức mạnh của tình yêu thủy chung đã níu bước chân cô giáo trẻ.

Con đường đến trường đẹp như mơ của cô giáo Tây Nguyên ảnh 2Ngày 20/11, trò rủ nhau góp gạo tặng thầy

Trong ký ức của mình, những hình ảnh trò cũ chân tay lấm lem lên lớp, ê a từng câu chữ sẽ mãi là những hình ảnh đẹp nhất, dù cho đã nghỉ dạy học.

Nhớ về học trò và loài hoa dã quỳ Tây Nguyên, cô Hường xúc động chia sẻ: “Mình yêu hoa dã quỳ từ chính tình cảm mà học sinh dành tặng cho mình. Tụi nhỏ nghèo đến nỗi cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc. Vậy mà ngày 20/11 trên tay cầm bông hoa quỳ đến tặng cô. Cô thì khóc trò thì cười tươi roi rói. Cứ mỗi lần nhớ lại mình lại khóc. Đó là lứa học trò đầu tiên của mình”.

“Bây giờ, học trò mỗi đứa một nơi, có đứa lấy chồng, đứa còn đi học. Từ lúc tụi nhỏ còn học lớp 2 giờ chắc cũng khác xưa rồi”. – cô Hương miên man theo dòng cảm xúc.

Còn với những học trò tại ngôi trường tiểu học Đan Phượng 2, nơi cô tham gia công tác giảng suốt 12 năm qua, cô Hường chia sẻ: “20/11 tụi nhỏ cũng nhớ đến cô cũng có quà tặng cô, khi là những tấm thiệp do tự tay các em làm, khi thì những bông hoa dâm bụt bờ rào, hoa quỳ bên đường tặng cô”.

Cô Hường chia sẻ, học sinh ở đây toàn con nhà làm vườn nên cũng không có điều kiện như những nơi khác, nhưng tình cảm, bông hoa các em dành tặng cô đều trân trọng và xúc động.

Ngày Nhà giáo Việt Nam này cũng là 14 năm cô giáo Thu Hường xa Hà Nội và nỗi nhớ thầy cô giáo cũ lại ùa về trong cô. Trong lá thư gửi thầy cô giáo cũ của mình ngoài Hà Nội, cô Hường không giấu được niềm xúc động:

“Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, em xin kính chúc Thầy Cô luôn mạnh khoẻ. Chúng em giờ đã trở thành những ông bố bà mẹ, mỗi đứa một phương nhưng trong tim chúng em luôn ấp ủ hình bóng Thầy Cô. 

Em không được may mắn như các bạn nên phiêu dạt vào tận vùng Tây Nguyên nắng gió. Nhớ nhà, nhớ Thầy Cô, nhớ bạn bè nhiều lắm. Những ngày này kỉ niệm lại ùa về, trái tim em lại thổn thức, lại bâng khuâng. Thèm lắm cái cảm giác đi thăm Thầy Cô đến ngõ rồi chẳng dám vào vì đứa nào cũng đùn đẩy nhau không ai dám nói lời Chúc mừng. Mỗi lần thay mặt các bạn nói lời Chúc mừng Thầy Cô là tim em lại đập thình thịch. Và cảm giác ấy đến giờ vẫn còn nguyen vẹn trong em.

Tây Nguyên mùa này bạt ngàn nắng, gió và hoa dã quỳ. Em yêu dã quỳ vì đó là bông hoa niềm vui, là tình cảm chân thành của những đứa học trò đầu đội trời chân đạp đất, cả tuần chỉ duy nhất một bộ quần áo đến trường. Ngày 20.11 cũng biết hái hoa tặng cô, những bông dã quỳ trên đường tới lớp. Hình ảnh đó in đậm trong em suốt mười mấy năm qua. Dã quỳ đã đi vào tim em như thế. 

Những ngày này dã quỳ nhuộm vàng những con đường. Em vẫn mải mê ngắm, mải mê đắm chìm trong hoài niệm. Dã quỳ đã níu giữ bước chân em. Và kết quả là đây Cô ạ. Đẹp quá phải không Cô? (bức hình dã quỳ cô Hường chụp trên con đường đến trường - PV)

Cuộc sống dù còn nhiều bộn bề vất vả, nhưng sau ngày làm việc mệt mỏi được lang thang ngắm dã quỳ, nhớ về những kỉ niệm đẹp của những ngày tháng đã qua em lại thấy lòng mình thanh thản. 

Ở nơi xa xôi em chỉ có hình ảnh tặng Thầy Cô. Xin gửi tới Thầy Cô lời tri ân sâu sắc nhất”.

Một số bức ảnh về con đường đến trường ngập tràn sắc dã quỳ của cô giáo Thu Hường:

Học sinh đi học trên con đường ngập tràn sắc dã quỳ vàng
Học sinh đi học trên con đường ngập tràn sắc dã quỳ vàng
Dã quỳ mọc bên đường - loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thủy
Dã quỳ mọc bên đường - loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thủy
Chính tình cảm của học trò cùng với kỉ niệm về loài hoa dã quỳ đã níu bước chân cô giáo trẻ Thu Hường gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên
Chính tình cảm của học trò cùng với kỉ niệm về loài hoa dã quỳ đã níu bước chân cô giáo trẻ Thu Hường gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên
Dã quỳ thường nở vào cuối thu đầu đông, ngập tràn trên con đường đi dạy của cô Hường
Dã quỳ thường nở vào cuối thu đầu đông, ngập tràn trên con đường đi dạy của cô Hường
Hồng Nhung