Hậu APEC, ngoại giao - quân sự Trung Quốc sẽ "cơ bắp" hơn?

20/11/2014 15:18
Hồng Thủy
(GDVN) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế đại học Bắc Kinh bình luận: "Rất nhiều vấn đề tồn tại và sẽ có rất nhiều sự không chắc chắn trong những ngày tới".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Daily Times dẫn nguồn tin Reuters ngày 20/11 bình luận, bất chấp những cử chỉ thân thiện và hạ nhiệt căng thẳng Trung Quốc thể hiện trước và trong hội nghị thượng đỉnh APEC vừa qua, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh sẽ ngày càng cứng rắn hơn.

Từ một thỏa thuận quân sự với Mỹ để giảm nguy cơ phán đoán nhầm có thể dẫn đến đối đầu cho đến 20 tỉ USD dành cho Đông Nam Á, Bắc Kinh đã cố gắng thể hiện vẻ mặt nhẹ nhàng hơn trong tuần qua xung quanh những căng thẳng trong khu vực. Nhưng chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình có thay đổi sau 2 năm cầm quyền hay không, sẽ phụ thuộc cách thức Bắc Kinh xử lý các tranh chấp nhức nhối trong khu vực.

Khả năng bất đồng vẫn rất lớn, từ vấn đề gián điệp mạng với Hoa Kỳ cho đến hoạt động khai hoang, biến đá thành đảo (bất hợp pháp - PV) ở Trường Sa, hay việc Trung Quốc sẽ kỷ niệm 70 kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II năm tới như thế nào.

Bắc Kinh đã khiến khu vực đặc biệt quan ngại và cảnh giác kể từ khi tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông năm ngoái và kéo giàn khoan 981 cùng đội tàu hộ tống hùng hậu hạ đặt (bất hợp pháp) trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm nay. Bắc Kinh ra mắt vũ khí mới tiên tiến nhất ngay trong ngày Obama đặt chân đến Trung Quốc dự hội nghị APEC.

Tuy nhiên Trung Nam Hải đã có cử chỉ tỏ ra "hòa giải" với cả Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và Hoa Kỳ trước thềm hội nghị APEC. Thời Ân Hoằng, một giáo sư đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc đại học Nhân Dân nói rằng, Trung Quốc cần phải quan sát những gì sẽ xảy ra trong 6 đến 12 tháng tới, thậm chí lâu hơn. Nhưng ông tin là chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã "thay đổi đáng kể".

Cái gọi là "thay đổi đáng kể" ông Thời Ân Hoằng đưa ra là, Trung Quốc đã giảm sự phụ thuộc vào quân đội và dùng tiền để định hướng chính sách ngoại giao, ám chỉ 40 triệu USD cho Con đường tơ lụa mới, 50 tỉ USD cho Ngân hàng Châu Á và 20 tỉ USD cho ASEAN. Tổng cộng đã có hơn 120 tỉ USD được Bắc Kinh hứa hẹn cho châu Phi, Đông Nam Á và Trung Á.

Tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông không có gì thay đổi.
Tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông không có gì thay đổi.

"Thông điệp của Trung Quốc là chân thành hy vọng mình có thể đóng vai trò như một cường quốc có trách nhiệm", tờ China Daily viết trong bài xã luận hôm Thứ Hai. Tân Hoa Xã thì bình luận, các nguyên nhân gốc rễ của những bất đồng trong quá khứ bây giờ đã được gác sang một bên. 

Nhưng trong thực tế, một ngày trước khi Obama và Tập Cận Bình bước vào hội nghị thượng đỉnh APEC, quân đội Trung Quốc đã công bố một máy bay chiến đấu tàng hình mới tại triển lãm hàng không ở Chu Hải.

Giả Khánh Quốc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế đại học Bắc Kinh bình luận: "Rất nhiều vấn đề tồn tại và sẽ có rất nhiều sự không chắc chắn trong những ngày tới". Trung Quốc từ lâu đã tìm cách giải quyết những vấn đề khu vực và toàn cầu, tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ mang lại một cách tiếp cận ngoại giao và quân sự cơ bắp hơn.

Tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Naypyidaw, Myanmar tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa đưa ra đề xuất 20 tỉ USD đầu tư vào ASEAN, vừa khẳng định Bắc Kinh sẽ chỉ đàm phán "song phương, trực tiếp" với các bên liên quan ở Biển Đông. 

Trong khi Tổng thống Philippines Aquino nói rằng ông và Tập Cận Bình đã có cuộc trao đổi cởi mở ở Bắc Kinh thì quân đội Philippines khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc giảm hoạt động (bất hợp pháp - PV) ở quần đảo Trường Sa. 

Đối với quan hệ Trung - Nhật, trong khi Thủ tướng Shinzo Abe và ông Tập Cận Bình được cho là có cuộc tiếp xúc "đột phá" thì Hàn Chí Cường, Công sứ Trung Quốc tại Nhật Bản tuyên bố rằng việc các sự cố rối loạn (ám chỉ biểu tình chống Nhật?) nếu xảy ra lần nữa có được ngăn chặn hay không "phụ thuộc vào thái độ và hành động của Nhật Bản".

Trung Quốc đã có kế hoạch kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II năm tới, đây là một "cơ hội" để Bắc Kinh tiếp tục buộc tội Nhật Bản "ứng xử không đúng với quá khứ". 

Hồng Thủy