Học giả Thái: Lãnh đạo Trung Quốc đi đâu cũng bị chất vấn về Biển Đông

21/11/2014 10:37
Hồng Thủy
(GDVN) - AIIB và quỹ Con đường tơ lụa trên biển chính là "chất làm dịu" căng thẳng đổi lấy việc trì hoãn kéo dài tiến trình đàm phán COC ở Biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: CNN.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: CNN.

Tờ Bangkok Post ngày 21/11 đăng bài phân tích của giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu quốc tế đại học Chulalongkorn bình luận, Trung Quốc đang đặt mục tiêu trở thành lãnh đạo toàn cầu trong tầm ngắm của họ thông qua một loạt hoạt động ngoại giao vừa qua.

Trung-Nga sẽ chiếm ưu thế trên vũ đài chính trị toàn cầu 20 năm tới

Một Trung Quốc vẫn đang nổi lên với khát vọng lãnh đạo toàn cầu và một nước Nga đang trỗi dậy, phục hồi địa vị sẽ chiếm ưu thế trên vũ đài chính trị quốc tế ít nhất 20 năm nữa, trong khi các nước phương Tây đang rơi vào rối loạn quan điểm và chức năng của mình.

Thách thức đối với các nước Đông Nam Á hiện nay là tìm kiếm một la bàn địa chính trị, họ phải làm gì và làm như thế nào. Câu trả lời của Thinitan Pongsudhirak là "lựa chọn gần nhà". Để thúc đẩy tham vọng lãnh đạo toàn cầu, Trung Quốc đòi hỏi một không gian đủ "đáp ứng vị thế xứng đáng của Bắc Kinh" nhưng không quá nhiều để khiến giới lãnh đạo Trung Quốc chạy theo quỹ đạo bành trướng toàn diện.

Trong hai tuần qua, từ hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh, hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Naypyidaw, Myanmar cho đến cuộc họp lãnh đạo G-20 ở Brisbane nước Úc, các mô hình đã trở nên rõ ràng. Lãnh đạo Trung Quốc đi đến đâu cũng bị chất vấn bởi những câu hỏi về ý định hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, Hoa Đông có liên quan trực tiếp đến Việt Nam, Philippines và Nhật Bản.

Tương tự như vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp phải những lời chỉ trích và những câu hỏi về mục tiêu can thiệp của Nga vào Ukraine sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea. Trong khi ông Putin có xu hướng phản ứng gai góc và thách thức phương Tây, ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường lại xử lý khôn ngoan, tinh vi hơn.

Chiến lược "một vành đai, một con đường" củng cố vị thế lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc

Đối với khu vực Đông Á nói chung, người Trung Quốc đã đề xuất triển vọng phát triển trong khu vực "một vành đai, một con đường", củng cố bởi kế hoạch quỹ Con đường tơ lụa trên biển và ngân hàng Đầu tư châu Á (AIIB) do Bắc Kinh tài trợ. Ý tưởng sử dụng nguồn ngoại hối dự trữ khổng lồ để tài trợ phát triển cho châu Á không phải mới, Bắc Kinh đã tăng cường nó bằng cách cung cấp 50 tỉ USD vốn khởi điểm cho AIIB. Đã có 20 quốc gia châu Á đăng ký tham gia và con số này còn có thể tăng lên.

Tuyến đường vành đai biển khu vực Đông Á cũng do Bắc Kinh tài trợ với 40 tỉ USD được Trung Quốc đưa ra ngay sau khi AIIB được 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi thiết lập. Con đường tơ lụa trên biển và AIIB sẽ là một chương trình mới cho sự phát triển ở Đông Á, đồng thời nó sẽ nâng cao vị thế Trung Quốc lên quốc gia lãnh đạo hàng đầu khu vực.

Việc Hoa Kỳ và Nhật Bản phản đối ý định này của Trung Quốc là điều dễ hiểu, bởi vai trò của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Ngân hàng Thế giới và thậm chí Ngân hàng Phát triển Châu Á có thể bị lu mờ. Tuy nhiên lãnh đạo Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi ý tưởng này.

Tập Cận Bình đã khôn khéo lấy lòng Obama bằng hiệp định về biến đổi khí hậu?
Tập Cận Bình đã khôn khéo lấy lòng Obama bằng hiệp định về biến đổi khí hậu?

Để tỏ ra thiện chí, Tập Cận bình đã ký 1 thỏa thuận về biến đổi khí hậu rất quan trọng với Obama. Để làm dịu những lo ngại về cạnh tranh ngày càng tăng giữa 2 chương trình tự do thương mại trong khu vực, hiệp định tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng và hiệp định định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được Bắc Kinh ủng hộ, Trung Quốc đưa ra đề xuất thiết lập khu vực Tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) để "cấu hình" lại các hoạt động thương mại trong khu vực.

Trong thực thế theo học giả Thái Lan, FTAAP có thể được xem như một sự nhượng bộ của Tập Cận Bình đối với người Mỹ, thay vì cạnh tranh giữa TPP và RCEP, Trung Quốc có thể đồng ý để cải 2 tham gia vào FTAAP. Và mặc dù hình ảnh Tập Cận Bình tiếp ông Shinzo Abe có thể gây phản cảm trên truyền thông, nhưng 2 nhà lãnh đạo này đã có cuộc tiếp xúc "hiệu quả".

Con đường tơ lụa trên biển và AIIB là con bài trì hoãn COC ở Biển Đông

Đối với khu vực ASEAN, Trung Quốc không cam kết xây dựng đầy đủ và triển khai bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), nhưng Bắc Kinh cũng đã "không làm trầm trọng thêm các tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam và Philippines trên Biển Đông", học giả Thái Lan bình luận.

Thay vào đó lãnh đạo Trung Quốc nói rằng họ xem Biển Đông là ổn định và tái khẳng định duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Đó là một thủ đoạn khôn ngoan không loại trừ khả năng ký COC trong tương lai. AIIB và quỹ Con đường tơ lụa trên biển chính là "chất làm dịu" căng thẳng đổi lấy việc trì hoãn kéo dài tiến trình đàm phán COC ở Biển Đông.

Trên đường thực hiện lộ trình của mình, Trung Quốc đã ký hiệp định tự do thương mại song phương riêng biệt với Úc và Hàn Quốc, 2 đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ và Washington không phản đối.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ ra cho mọi người thấy rằng họ không hiếu chiến và ầm ỹ như những gì xảy ra "trong quá khứ", nó không chỉ là một cuộc tấn công quyến rũ mà còn là một "nhiệm vụ" của lãnh đạo toàn cầu. Là một siêu cường đang lên, Trung Quốc đang muốn hành động như một nhà lãnh đạo thế giới. Khát vọng (tham vọng) của Trung Quốc trùng với thời điểm tính ưu việt của Mỹ dường như bị xói mòn.

Thitinan Pongsudhirak ví Obama như một "con vịt què" sau thất bại của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ chào hàng vài năm nay không còn có nhiều uy tín như lúc đầu. Obama đã muốn trở thành "Tổng thống Thái Bình Dương", nhưng những tình huống ngoài tầm kiểm soát của ông ở Đông Âu và Trung Đông đã cản chân ông thực hiện mục tiêu này.

Kết luận bài phân tích, học giả Thái Lan cho rằng hiện tại không phải lúc báo động hay xoa dịu mối nguy hiểm (từ Trung Quốc?), mà là đã đến lúc cần hiểu thêm về "cho và nhận" đối với Trung Quốc để Bắc Kinh tiếp tục thể hiện năng lực lãnh đạo đổi lấy sự công nhận lớn hơn trên toàn cầu.

Hồng Thủy