Còn điều gì chưa nói trong vụ ông Trần Văn Truyền?

22/11/2014 14:25
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Các cựu quan chức cho rằng trong vụ ông Trần Văn Truyền, phản ứng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn chậm và sự nể nang không chỉ tồn tại ở Bến Tre, TP. HCM.

Ngày 21/11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông cáo báo chí về Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với đồng chí Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.  

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ trong thời gian còn đương chức và khi về nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền đã có một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất.

Công bố kết luận kiểm tra hơi muộn

Ông Phạm Quốc Anh - Nguyên Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Khánh, tuoitre
Ông Phạm Quốc Anh - Nguyên Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Khánh, tuoitre

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Quốc Anh - Nguyên Quyền trưởng Ban Nội chính trung ương Đảng, Nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, vụ việc này đã xuất hiện trong dư luận khá lâu rồi, nhưng phải đến hôm qua (21/11), Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới có thông cáo báo chí về kết luận kiểm tra, như thế là thỏa đáng, nhưng đáng lẽ ra họ phải làm sớm hơn nữa.

Đồng quan điểm với ông Quốc Anh, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cũng nhận định: “Có thể thấy trong vụ việc này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã hoàn thành nhiệm vụ của mình tuy hơi muộn.

Kết luận này có thể chưa đầy đủ, nhưng ban đầu như thế cũng đã là rõ sự việc. Đáng lẽ phải có kết luận sớm hơn để công luận không đòi hỏi, ngóng chờ. Hơn nữa nếu có kết luận sớm, lòng tin của Đảng viên, người dân với Đảng càng được củng cố hơn”.

Nói về các vấn đề cần làm rõ hơn nữa, ông Quốc Anh nêu quan điểm: “Trong vụ việc này, cần phải làm rõ tại sao mọi chuyện xảy ra lâu như thế mà giờ họ mới phát hiện ra? Đồng ý rằng vụ việc này khá tế nhị và có nhiều chỗ khó nên phía Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải làm cho chắc chắn. Họ phải tốn nhiều thời gian kiểm chứng thông tin từ dưới lên, từ trên xuống. Nhưng lẽ ra họ phải phát hiện ra sớm hơn, kịp thời hơn và phải làm quyết liệt ngay từ khi xuất hiện dư luận về việc này. Đằng này, từ khi phát hiện đến khi kiểm tra, công bố tôi thấy mất nhiều thời gian quá!”.

Căn biệt thự hoành tráng gây chú ý dư luận của ông Trần Văn Truyền tại Bến Tre - Ảnh: Ngọc Tài (Tuoitre)
Căn biệt thự hoành tráng gây chú ý dư luận của ông Trần Văn Truyền tại Bến Tre - Ảnh: Ngọc Tài (Tuoitre)

Trước câu hỏi hình thức xử lý với ông Truyền như thế đã thỏa đáng hay chưa, ông Quốc Anh nói: “Có người cho rằng như thế là quá nhẹ, nhưng tôi nghĩ cũng chỉ đến mức đó thôi, có xử lý vi phạm hành chính, thu hồi nhà đất, kỷ luật về mặt Đảng là được rồi”.

Trong khi đó, ông Vũ Quốc Hùng lại cho rằng, họ mới chỉ công bố kết luận kiểm tra chứ đã xử lý đâu mà lo rằng như thế là quá nhẹ hay không? Trước mắt, mới chỉ có quyết định thu hồi nhà đất vi phạm, tỉnh ủy họp và kiểm điểm ông Truyền.

Sự nể nang đẩy cán bộ xuống vực thẳm

Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều có nhắc tới việc lãnh đạo tỉnh Bến Tre và lãnh đạo TP.HCM có chuyện “nể nang” trong việc cấp đất cho ông Trần Văn Truyền.

Bình luận về điều này, ông Quốc Anh nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh Bến Tre, TP. HCM làm như thế là không kiên quyết. Thấy người ta có nhà có đất rồi còn cấp cho bao nhiêu nữa là không được. Chưa kể ông Truyền có một cái tệ nữa là trước khi nghỉ hưu, ông ấy còn ký quyết định đề bạt một loạt cán bộ. Làm thế là không có tôn trọng các nguyên tắc, quy định của pháp luật gì cả.

Đồng quan điểm, ông Hùng thông tin thêm, sự nể nang có ở nhiều tỉnh, không chỉ Bến Tre, TP. HCM mà còn cả phía Hà Nội nữa. Ngoài việc cấp đất, người ta còn nể nang trong cả việc không thu hồi nhà công vụ. Nhìn rộng ra, trong công tác cán bộ của chúng ta cũng có sự nể nang và chính điều đó không mang lại điều tốt cho cán bộ mà còn làm hư, làm khổ cán bộ, đẩy họ xuống vực thẳm.

“Qua việc này, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên phải rút kinh nghiệm, phải lau chùi thứ vũ khí phê bình, tự phê bình hiện đang bị han gỉ. Ngoài việc không nể nang, sợ sệt nhau, còn phải khuyến khích nhân dân giám sát và phải cho họ địa chỉ chính xác để họ phản ánh sự việc. Sau khi nhận phản ánh, cơ quan có thẩm quyền cũng phải mau chóng có phản hồi với người dân”, ông Hùng nói.

Thấy gì từ vụ ông Truyền?

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng

Qua sự việc vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất của ông Truyền, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Vũ Quốc Hùng nhận định, nhân dân có thể thấy rằng Đảng ta nói và làm đi đôi với nhau. Đảng nói bằng Nghị quyết trung ương 4 khóa XI, bằng lời của Tổng Bí thư tại các cuộc tiếp xúc cử tri rằng mọi việc sẽ được xem xét thấu đáo và chính kết luận về vụ của ông Truyền đã chứng minh cho điều đó.

“Từ việc này mà nói về công tác phòng chống tham nhũng ở ta thì hơi hàm hồ. Thế nhưng, rõ ràng những người làm công tác giữ gìn kỷ cương pháp luật mà bản thân mình không gương mẫu là điều rất đáng xấu hổ và đáng bị kiểm điểm.

Tôi thấy người ta phản ánh nhiều người cảm thấy vui mừng. Vui mừng không phải vì vụ việc “đau đớn” này mà vì họ tin tưởng vào việc nói đi đôi với làm của Đảng ta. Đây cũng chính là cách chúng ta đi tìm “một bộ phận không nhỏ”, đưa ra ánh sáng những sai sót của cán bộ một cách công khai, minh bạch để họ sửa chữa.

Không chỉ thế, từ vụ việc này, các lãnh đạo cấp cao kể cả những người đã nghỉ hưu nếu thấy mình đã và đang làm điều gì bất chính thì nên điều chỉnh.

Sau vụ việc này, tôi nghĩ mọi cán bộ, Đảng viên nhất là những người được giao chuyên trách, suốt ngày nhắc nhở mọi người giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải suy nghĩ lại về bản thân mình. Vụ ông Truyền giống như một hồi chuông cảnh báo vậy”, ông Hùng khẳng định. 

PHONG NGUYÊN