2 máy bay suýt đâm nhau ở TSN: Quan trọng là ai chịu trách nhiệm?

25/11/2014 07:21
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - "Khoảng cách giữa 2 máy bay suýt va chạm là bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là phải làm rõ xem họ quản lý kiểu gì mà để 2 máy bay với cự ly như thế?".

Trong khi chờ đợi phản hồi chính thức từ phía người phát ngôn của Vietnam Airlines - ông Lê Trường Giang và ông Đỗ Quang Việt – Cục phó Cục Hàng không Việt Nam (cả hai vị này đều đang đi công tác nước ngoài) về sự cố máy bay dân sự Vietnam Airlines (VNA) suýt đâm phải máy bay quân sự trên bầu trời Tân Sơn Nhất ngày 29/10 vừa qua, 3 phi công kỳ cựu hàng đầu Việt Nam đã cùng lên tiếng, bình luận về 2 con số mà TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử - Tin học EEI cho rằng chưa hợp lý trong  sự cố này.

Thứ nhất, khoảng cách giữa 2 máy bay suýt xảy ra va chạm là 60 mét. Thứ hai, trực thăng Mi172 có tốc độ tối đa 250 Km/giờ, nhưng xuất phát sau A321 (tốc độ nhỏ nhất là 5m/giây) thời gian 9 giây, theo ông Phúc, trực thăng chỉ có thể “bám đuôi” A321, chứ lấy sức đâu mà vượt lên trước, rồi rẽ cắt ngang mặt A321?

Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân (Ảnh: Vnexpress)
Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân (Ảnh: Vnexpress)

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân - nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Không quân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) cho rằng, khoảng cách giữa 2 máy bay là bao nhiêu không quan trọng bằng việc chúng đi thế nào.

“Còn phải xem 2 máy bay đó đi song song, cùng chiều, cùng hướng hay đi cắt chéo nhau… Do vậy, nếu nói rằng chúng cách nhau 60 mét thì sẽ đâm vào nhau là không đúng. Tương tự, khoảng thời gian xuất phát lệch nhau 9 giây cũng không nói lên điều gì.

Nếu chúng đối đầu với nhau hoặc đi vuông góc thì 9 giây cũng đủ để đâm vào nhau rồi. Còn nếu chúng đi cùng chiều với nhau thì mọi chuyện lại khác. Nếu cả 2 cùng đang cất cánh thì 1 chiếc nhanh chạy trước, 1 chiếc có vận tốc nhỏ hơn chạy sau 9 giây là không vấn đề gì”, Trung tướng Phạm Tuân nói thêm.

Với con số “9 giây”, họ định nói gì?

Phi công Nguyễn Thành Trung
Phi công Nguyễn Thành Trung

Trong khi đó, phi công Nguyễn Thành Trung - nguyên Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), người nhiều năm là cơ trưởng Boeing 777-200, cơ trưởng các chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia khẳng định, khoảng cách thực sự giữa 2 máy bay là bao nhiêu chỉ có radar của bên hàng không mới xác định chính xác được.

Theo ông Trung, với khoảng cách 60 mét, 2 máy bay vẫn có thể tránh nhau được nếu người lái chú ý.

“Tôi nghĩ TS Nguyễn Bách Phúc có sự hiểu lầm. Không phải 2 máy bay cùng xuất phát cách nhau 9 giây mà trực thăng đã bay sẵn ở trên trời. Khi máy bay của VNA cất cánh, đáng lẽ người chỉ huy trực thăng phải đợi máy bay dân sự bay qua rồi mới được vòng.

Thế nhưng, có lẽ do vội vàng, họ lại chỉ huy trực thăng vòng sớm quá nên mới xảy ra chuyện nó cắt mặt máy bay này chứ không phải 2 máy bay cùng điểm xuất phát. Nếu cùng điểm xuất phát, khi máy bay hàng không cất cánh, trực thăng đuổi sao kịp?”, ông Trung nói thêm.

Tuy vậy, phi công kỳ cựu này cũng thừa nhận, về khoảng thời gian 9 giây, ông không hiểu họ định nói gì bởi thông thường trực thăng cất cánh ở một điểm khác ngoài đường băng, trong khi máy bay hàng không dân dụng cất cánh trong đường băng.

“Theo tôi hiểu khi đó trực thăng đã ở trên trời, nhận lệnh được phép vòng nên họ đã lái vòng vào thời điểm máy bay của VNA chưa qua dẫn tới việc uy hiếp an toàn bay nghiêm trọng như trên. Ai đưa ra con số 9 giây cần giải thích rõ ý nghĩa của nó”, ông Trung nhấn mạnh.

“Con số 60 mét thật kì lạ”

Cựu phi công Mai Trọng Tuấn. Ảnh: NVCC
Cựu phi công Mai Trọng Tuấn. Ảnh: NVCC

Bình luận về các sự cố gần đây của ngành hàng không, đặc biệt ở sân bay Tân Sơn Nhất, cựu phi công Mai Trọng Tuấn - người đề xuất ý tưởng "đường bay vàng" cho biết: “Rõ ràng, không có thiệt hại về người và của sau 2 sự cố trên của ngành hàng không là một điều quá may mắn, nhưng chính 2 sự cố đó đã làm cho ngành hàng không Việt Nam không thể xếp vào loại gì trên thế giới”.

Cũng theo ông Tuấn, trong vụ việc này, đừng đi vào chi tiết. Hãy nhớ rằng trong phạm vi vòng lượn của sân bay, nếu không may xảy ra va chạm thì rất nguy hiểm.

Ông Tuấn phân tích, khoảng cách giữa 2 máy bay suýt va chạm là bao nhiêu không quan trọng mà quan trọng là phải làm rõ xem họ quản lý kiểu gì mà để 2 máy bay ở trong khu vực vòng lượn của sân bay với cự ly như thế?

“Người ta cứ tranh cãi về tính xác thực của con số 60 mét chứ theo tôi nhiều khi 2 máy bay bay sát nhau với cự ly gần hơn, nhưng nếu may mắn thì vẫn không việc gì. Không ai dám khẳng định chúng cách nhau 1 km thì an toàn hơn 60 mét cả. Chẳng hạn, 2 máy bay đang di chuyển theo hướng vuông góc với nhau thì dù cách nhau hẳn 1 km vẫn nguy hiểm.

Thế nhưng, tôi cũng thấy con số 60 mét người ta đưa ra thật kì lạ mặc dù kịch bản đó có thể xảy ra. Nếu ở trong không trung thì không bao giờ lo xảy ra va chạm. Với cự ly đó, 2 máy bay chỉ có thể suýt va chạm khi một bên đang đi lên còn một bên đang đi xuống. Và thường chúng gặp nhau không phải do lỗi của người lái mà là do lỗi của chỉ huy”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Tóm lại, theo cựu phi công này, không thể chỉ dựa vào khoảng cách giữa 2 máy bay mà phán rằng như thế chúng có thể xảy ra va chạm hay không. Không ai dám khẳng định khoảng cách giữa chúng là 100 mét thì an toàn hơn 200 mét bởi nhiều khi mọi chuyện phụ thuộc vào vận may.

Tuy nhiên, sau 2 sự cố này, ông Tuấn cho rằng, từ người đứng đầu ngành hàng không tới người quản lý, người điều hành sân bay phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra chuyện đó.

“Giờ chỉ đình chỉ, kỷ luật mấy “anh thợ điện” là vô lý. Người đứng đầu ngành hàng không ở Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm về việc này. Ở một số nước, thậm chí họ còn xin từ chức”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này. 

PHONG NGUYÊN